Nước Mỹ và những chính sách nước rút trước khi chuyển giao quyền lực

(VOV5) - Trong những ngày qua, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang gấp rút đưa ra một loạt chính sách đáng chú ý.

Trước thềm chuyển giao quyền lực vào ngày 20/01, nước Mỹ đang gấp rút thực thi nhiều chính sách đối ngoại và đối nội đáng chú ý. Các động thái này cho thấy chính quyền của ông Joe Biden đang cố gắng bảo vệ di sản và giảm thiểu các tác động khó lường đến từ chính quyền mới của ông Donald Trump.

Công bố gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 2,5 tỷ USD cho Ukraine, ra lệnh ân xá lớn nhất trong lịch sử, cấm khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi… Trong những ngày qua, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang gấp rút đưa ra một loạt chính sách đáng chú ý.

Củng cố di sản đối ngoại

Gói hỗ trợ an ninh 2,5 tỷ USD cho Ukraine hôm 30/12 đã là gói viện trợ lớn thứ 3 mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden cung cấp cho Ukraine kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11 năm ngoái, với chiến thắng thuộc về ông Donald Trump. Các gói viện trợ này, với tổng giá trị có thể lên tới 6 tỷ USD như cam kết của Washington, cho phép Lầu Năm Góc tiếp tục cung cấp nhiều vũ khí quan trọng cho Ukraine trước thềm chuyển giao quyền lực tại Mỹ, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump nhiều lần công khai tuyên bố sẽ hạn chế, thậm chí chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine ngay khi lên nắm quyền, qua đó gây sức ép buộc các bên ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt xung đột.

Bên cạnh Ukraine, chính quyền của ông Joe Biden cũng đang nỗ lực tạo lập các di sản đối ngoại khác. Sau khi cùng Pháp thúc đẩy được lệnh ngừng bắn tạm thời 60 ngày giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Li-băng vào cuối tháng 11, ưu tiên hiện nay của Mỹ tại Trung Đông là đạt thoả thuận ngừng bắn tại Gaza giữa Israel và phong trào Hamas. Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken, hôm 06/01, thừa nhận Mỹ rất muốn đạt được mục tiêu này trước thời điểm chuyển giao quyền lực. Trong tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ cũng có chuyến công du cuối cùng đến Đông Á nhằm củng cố quan hệ với 2 đồng minh quan trọng là Nhật Bản và Hàn Quốc, trong bối cảnh bất ổn chính trị lan rộng tại Hàn Quốc đe doạ một trong những di sản đối ngoại lớn nhất của chính quyền ông Joe Biden trong những năm qua tại châu Á-Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết:“Chúng ta đều biết rằng dù nước Mỹ đang trong giai đoạn chuyển giao quyền lực nhưng thế giới không dừng lại và chờ đợi việc chuyển giao tại Mỹ. Có rất nhiều vấn đề quan trọng trong nghị trình đã đặt ra và chúng tôi đang xem xét kỹ tình hình hiện nay, cũng như những gì mà chúng tôi tiếp tục phải tiến hành”.

Nước Mỹ và những chính sách nước rút trước khi chuyển giao quyền lực - ảnh 1

Ảnh minh hoạ: Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) trong cuộc gặp Tổng thống đắc cử Donald Trump tại Nhà Trắng ở Washington DC., ngày 13/11/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Nỗ lực củng cố di sản đối ngoại của chính quyền ông Joe Biden được thực thi cho đến tận những ngày cuối cùng, bởi theo kế hoạch, Phó Tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris sẽ thực hiện chuyến công du Singapore, Bahrain và Đức từ ngày 13-17/01 nhằm thảo luận về những thành tựu của chính quyền Biden-Harris trong 4 năm qua tại mỗi khu vực, đồng thời đảm bảo rằng các lợi ích an ninh-kinh tế của nước Mỹ sẽ không bị tác động bởi những thay đổi chính sách khó lường trong thời gian tới.

Thúc đẩy ưu tiên đối nội

Không chỉ nỗ lực củng cố di sản đối ngoại, chính quyền Mỹ hiện tại cũng đang thúc đẩy các ưu tiên đối nội cuối cùng trước khi chuyển giao quyền lực. Hôm 06/01, Tổng thống Joe Biden ban hành lệnh cấm khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi trên các vùng ven biển rộng lớn của Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, cũng như một số vùng biển liên bang khác, nhằm bảo vệ hơn 253 triệu hectar diện tích nước. Giải thích cho quyết định này, ông Joe Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các bờ biển của nước Mỹ trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch.

Theo giới quan sát, lệnh cấm trên được ban hành theo Đạo luật Đất đai Thềm lục địa ngoài khơi năm 1953 và có thể sẽ gây khó cho Tổng thống đắc cử Donald Trump, người luôn ủng hộ việc tăng khai thác nhiên liệu hoá thạch. Việc đưa ra lệnh cấm vào thời điểm này cũng cho thấy ông Joe Biden đang cố gắng bảo vệ di sản về kinh tế và môi trường của mình, điều được chính ông thừa nhận khi tham gia cuộc thảo luận chính sách tại Viện Brookings vào cuối năm vừa qua: “Hầu hết các nhà kinh tế đều đồng ý rằng chính quyền mới của Mỹ sẽ thừa hưởng một nền kinh tế tương đối mạnh, ít nhất vào thời điểm này. Nến kinh tế Mỹ đã trải qua những thay đổi quan trọng để tạo nền tảng vững mạnh hơn cho một sự tăng trưởng bền vững, rộng lớn với năng suất cao. Tôi hy vọng chính quyền mới sẽ bảo vệ và phát huy những tiến bộ này”.

Một số lĩnh vực khác tại Mỹ cũng đang ghi nhận những thay đổi chính sách quan trọng. Hôm 24/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành 50 luật, trong đó có công nhận đại bàng đầu trắng là biểu tượng chính thức của quốc gia và các nghị sĩ quốc hội sẽ không được hưởng lương hưu nếu phạm tội. Tổng thống Biden cũng đã lần đầu tiên thiết lập tiêu chuẩn chống bắt nạt liên bang nhằm giải quyết tình trạng bạo lực và tử vong tại các cơ sở giáo dục đại học. Trước đó, vào đầu tháng 12 năm ngoái, ông Joe Biden đã phủ quyết luật bổ sung 66 thẩm phán mới vào các Tòa án liên bang đang thiếu nhân sự trên toàn quốc; đồng thời giảm án cho 37 trong số 40 tù nhân liên bang đang chờ thi hành án tử hình, thành tù chung thân không được ân xá. Hôm 12/12, ông Joe Biden giảm án cho gần 1.500 người đang bị quản thúc tại gia sau khi chấp hành án tù giam trong đại dịch COVID-19, đồng thời ân xá cho 39 tội phạm phi bạo lực không liên quan đến việc sử dụng vũ lực hoặc gây thương tích cho người khác. Đây là đợt giảm án và ân xá trong một ngày nhiều nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác