(VOV5) - Nhiệt độ cao bất thường trong tháng 1 năm nay là dấu hiệu mới nhất củng cố các lo ngại ngày càng tăng trong thời gian qua của nhiều chuyên gia khí hậu.
Theo các số liệu vừa được công bố, tháng 1 năm nay chính thức trở thành tháng 1 nóng nhất trong lịch sử, một kỷ lục đáng báo động về tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhiều chuyên gia nhận định mục tiêu giữ Trái Đất không nóng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp đang ngày càng khó thực hiện.
Máy bay xả nước xuống đám cháy Palisades ở Pacific Palisades, Los Angeles, Mỹ. Ảnh: Brian van der Brug/Los Angeles Times |
Theo báo cáo được Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) công bố hôm 05/02, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 1 vừa qua ấm hơn 0,09 độ C so với mức cao trước đó vào tháng 1 năm ngoái, một biên độ đáng kể xét theo nhiệt độ toàn cầu, đồng thời đã cao hơn 1,75 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là một mức tăng đáng lo ngại, cho thấy Trái Đất đang nóng lên với tốc độ nhanh chóng, chủ yếu do lượng khí thải nhà kính do con người gây ra. Điều đáng nói là kỷ lục này được thiết lập trong bối cảnh hiện tượng thời tiết La Nina, vốn được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu ứng làm mát, đang diễn ra. Tuy nhiên, thay vì hạ nhiệt, nhiệt độ toàn cầu lại tiếp tục tăng cao, phá vỡ mọi dự đoán trước đó.
Nhà khoa học khí hậu Julien Nicolas tại C3S cho rằng điều khiến những nhà nghiên cứu ngạc nhiên nhất là đã không thấy hiệu ứng làm mát, hay ít nhất là sự ‘hãm phanh’ tạm thời đối với nhiệt độ toàn cầu như dự kiến. Chia sẻ đánh giá này, chuyên gia Stefan Rahmstorf từ Đại học Potsdam (Đức) nhận xét đây là hiện tượng rất đáng lo ngại bởi trong 60 năm qua, tất cả 25 tháng 1 của thời kỳ La Nina đều mát hơn tháng 1 của những năm lân cận. Bill McGuire, nhà khoa học khí hậu từ Đại học College London (Anh), thì nhận xét "thật kinh ngạc và đáng sợ" khi tháng 1 vẫn giữ mức nhiệt cao kỷ lục dù La Nina xuất hiện. Theo bà Samantha Burgess, chuyên gia tại Trung tâm dự báo thời tiết trung hạn của châu Âu, nhiệt độ cao bất ngờ trong tháng 1 buộc giới khoa học phải theo dõi sát biến động nhiệt độ bề mặt các đại dương và các tác động của các biến động này đến khí hậu trong cả năm nay.
Trong khi những yếu tố có thể đang đẩy nhiệt độ lên cao vẫn chưa rõ ràng, nhận định chung của giới khoa học là nhiệt độ tăng, dù chỉ một phần nhỏ của 1 độ, cũng làm tăng cường độ và tần suất của những hiện tượng thời tiết cực đoan, như: sóng nhiệt, mưa lớn và hạn hán. Bà Clair Barnes, chuyên gia nghiên cứu khí hậu tại Trung tâm chính sách môi trường thuộc Trường Hoàng gia London (Anh), nhận định điều này thể hiện rõ hơn qua một số sự kiện thời tiết cực đoan gần đây, như vụ cháy lịch sử ở bang California (Mỹ): “Trong các quan sát của chúng tôi, giai đoạn khô hạn như từ tháng 10-12 năm ngoái thường chỉ xảy ra 20 năm một lần và trong điều kiện khí hậu hiện nay, khả năng xuất hiện hiện tượng này cao hơn 2,4 lần so với giai đoạn khí hậu mát mẻ hơn thời tiền công nghiệp”.
Nhiệt độ cao bất thường trong tháng 1 năm nay, vốn là tháng mùa Đông ở phần lớn Bắc bán cầu, là dấu hiệu mới nhất củng cố các lo ngại ngày càng tăng trong thời gian qua của nhiều chuyên gia khí hậu, đó là mục tiêu giữ Trái Đất không nóng thêm quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp được nêu ra trong Thỏa thuận khí hậu Paris 2015 đang ngày càng xa vời. Trong báo cáo đưa ra tháng trước, C3S cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu năm ngoái đã tăng thêm 1,6 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, vượt ngưỡng 1,5 độ C lần đầu tiên. Đây là mức tăng thêm 0,1 độ C so với năm 2023, vốn cũng đã là năm nóng nhất lịch sử.
Mới nhất, hôm 03/02, nhóm các nhà nghiên cứu do Giáo sư James Hansen, một chuyên gia khí hậu nổi tiếng tại Trường Đại học Columbia (Mỹ), cũng công bố nghiên cứu cho biết nhiệt độ Trái Đất có thể sẽ nóng thêm 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp ngay từ năm 2045 chứ không phải đến cuối thế kỷ này. Theo nhóm nghiên cứu, các mô hình dự đoán tốc độ Trái Đất ấm lên trước đây đã bỏ qua nhiều yếu tố quan trọng, trong đó có việc gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại nhiều quốc gia. Theo Giáo sư James Hansen, mô hình tính toán của Ủy ban Liên quốc gia về biến đổi khí hậu (IPCC) của LHQ hiện vẫn đánh giá khả năng Trái Đất nóng thêm 2 độ C vào cuối thế kỷ này là 50%, nhưng tính toán từ nhóm nghiên cứu của ông cho thấy ngay cả mục tiêu 2 độ C cũng “đã chết”, chứ chưa nói mục tiêu giữ Trái Đất không nóng thêm 1,5 độ C. Giải pháp do nhóm nghiên cứu đưa ra là phải tăng tốc triển khai các biện pháp địa-kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật phản chiếu lại ánh mặt trời vào không gian thay vì để hấp thụ vào Trái Đất.
Phân tích từ nhóm nghiên cứu của Giáo sư James Hansen nhận được nhiều đánh giá trái chiều. Theo chuyên gia Gavin Schmidt, Giám đốc Viện nghiên cứu không gian Goddard của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), dù còn một số tranh cãi về phương pháp tiếp cận nhưng nghiên cứu của nhóm Giáo sư James Hansen bổ trợ cho các nghiên cứu từ IPCC và cho thấy vấn đề Trái Đất vượt qua các ngưỡng 1,5 độ C hay 2 độ C ngày càng trở nên cấp bách. Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cũng cho rằng vẫn còn sớm khi khẳng định Trái Đất đã vượt qua mốc 1,5 độ C. Phó Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), bà Ko Barrett cho rằng các tiêu chí để đánh giá việc này hiện vẫn chưa rõ ràng: “Chúng tôi đã thành lập một nhóm để nghiên cứu cách xác định mục tiêu 1,5 độ C bởi điều rõ ràng là việc có 1 năm vượt qua mức 1,5 độ C không có nghĩa là chúng ta đã phá vỡ Thỏa thuận Paris. Cần sử dụng khung thời gian 20 năm nay 10 năm để xác định xem chúng ta đã vượt qua mục tiêu 1,5 độ C hay chưa và hiện nay chúng tôi vẫn chưa có được sự đồng thuận trong vấn đề này”.
Bên cạnh việc xác định rõ tiêu chí về mức độ nóng lên của Trái Đất, giới khoa học cũng đang thảo luận nhiều về giả thuyết gây tranh cãi khác, đó là việc thế giới chuyển đổi sang nhiên liệu vận tải sạch hơn từ năm 2020 đã làm tăng tốc độ ấm lên vì lượng phát thải lưu huỳnh giảm, khiến mây phản xạ lại ít ánh sáng Mặt Trời hơn.