(VOV5) - Các chuyên gia nhận định vẫn còn nhiều thách thức nếu muốn đạt mục tiêu chấm dứt HIV/AIDS như mối đe dọa y tế công cộng vào năm 2030.
Báo cáo mới nhất của Liên hiệp quốc (LHQ) cho thấy thế giới đã đạt được một số tiến bộ đáng kể trong việc ngăn số ca nhiễm mới HIV trên toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định vẫn còn nhiều thách thức nếu muốn đạt mục tiêu chấm dứt HIV/AIDS như mối đe dọa y tế công cộng vào năm 2030.
Những người tình nguyện xếp nến thành hình ruy băng đỏ nhân Ngày thế giới phòng chống AIDS (1/12) tại Siliguri, Ấn Độ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Trong báo cáo mang tên “Khẩn cấp hiện tại: AIDS ở ngã tư đường”, công bố hôm 22/07, Chương trình Phối hợp của LHQ về HIV/AIDS (UNAIDS) cho biết trong năm ngoái, thế giới ghi nhận thêm 1,3 triệu người nhiễm HIV mới. Con số này giảm 60% so với số ca mắc mới đỉnh điểm trong 1 năm là 3,3 triệu ca năm 1995 nhưng lại tăng khoảng 100.000 ca so với năm 2022. Con số nhiễm HIV mới năm ngoái cùng còn cách quá xa mục tiêu của UNAIDS là giảm xuống 330.000 ca nhiễm mới vào năm 2025. Theo bác sỹ Sharon Lewis, đến từ tổ chức International Aids Society, điều đáng lo ngại hơn là lần đầu tiên đa số ca nhiễm HIV mới trên thế giới lại xuất hiện ở ngoài khu vực hạ Sahara châu Phi, nơi vốn là “điểm nóng” về HIV/AIDS của thế giới trong 3 thập kỷ qua.
Giám đốc điều hành UNAIDS, bà Winnie Byanyima. Ảnh: UN |
Chia sẻ đánh giá này, chuyên gia Cesar Nunez, Giám đốc Văn phòng New York của UNAIDS, cho rằng mặc dù các phương pháp điều trị mới trong 3 thập kỷ qua đã giúp giảm đáng kể số lượng người nhiễm HIV mới mỗi năm nhưng tốc độ suy giảm này là không đủ, và hiện xu hướng nhiễm HIV đang tiến triển đáng lo ngại tại một số khu vực trước đây vốn kiểm soát tương đối tốt số ca nhiễm loại virus này.“Thế giới đang không đi đúng hướng. Số ca nhiễm mới HIV trên toàn cầu, như đã chỉ ra trong báo cáo, không giảm đủ nhanh và đặc biệt tại 3 khu vực trên thế giới, gồm: đông Âu- Trung Á, Trung Đông-Bắc Phi và Mỹ La tinh, số ca nhiễm mới đang tăng nhanh”.
Theo UNAIDS, với xu hướng trong những năm qua, tỷ lệ giảm số ca mắc mới trung bình của thế giới (39%) từ năm 2010 đến nay thậm chí còn kém hơn tỷ lệ giảm số ca mắc mới tại vùng hạ Sahara (56%). Chuyên gia Cesar Nunez đánh giá điều này khiến cho ngay cả khi HIV/AIDS không còn là một mối đe dọa y tế công cộng hàng đầu, vẫn sẽ có khoảng 30 triệu người trên thế giới phải sống chung với HIV vào năm 2050 và thực tế này sẽ tiếp tục gây ra các gánh nặng y tế, kinh tế-xã hội cho các quốc gia.
Giám đốc điều hành UNAIDS, bà Winnie Byanyima, cũng cho rằng thế giới đang đi chệch khỏi lộ trình đạt được những mục tiêu của cơ quan này vào năm 2030. Theo bà Byanyima, tình trạng bất bình đẳng đang khiến việc chấm dứt HIV/AIDS chưa đạt được mục tiêu đề ra, khi cứ mỗi phút lại có 1 người chết liên quan đến căn bệnh này và mỗi tuần lại có thêm khoảng 3.200 phụ nữ trẻ ở khu vực hạ Sahara nhiễm HIV. Bà Byanyima nhấn mạnh sự kỳ thị và phân biệt đối xử là những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ lây nhiễm cao hơn vì nhiều người không thể tìm kiếm sự hỗ trợ và điều trị, đặc biệt ở những nhóm có nguy cơ cao nhất, như: tù nhân; nhóm mại dâm; người tiêm chích ma túy; người đồng tính và chuyển giới.
Thách thức lớn tiếp theo của cuộc chiến loại bỏ HIV/AIDS trên thế giới là khả năng tiếp cận với các loại thuốc điều trị. Theo báo cáo của UNAIDS, việc tiếp cận thuốc kháng HIV (antiretroviral - ARV) cũng là một vấn đề lớn, với 30,7 triệu bệnh nhân được điều trị bằng loại thuốc này trong năm ngoái, so với chỉ 7,7 triệu bệnh nhân vào năm 2010. Tuy nhiên, con số này còn kém xa mục tiêu 34 triệu bệnh nhân được tiếp cận thuốc ARV vào năm 2025. Đông Phi và Nam Phi là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với 20,8 triệu người nhiễm HIV, trong đó 450.000 ca nhiễm mới và 260.000 ca tử vong trong năm ngoái.
Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia cho rằng các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu và các tập đoàn dược phẩm toàn cầu cần xây dựng chiến lược chung để phát triển các loại thuốc điều trị HIV/AIDS với giá rẻ, có thể dễ dàng tiếp cận với tất cả các bệnh nhân. Trong thời gian gần đây, giới nghiên cứu y học đang kỳ vọng nhiều về một loại thuốc điều trị HIV mới, được mô tả “gần giống như một loại vaccine ngăn ngừa HIV”, mang tên Lenacapavir. Loại thuốc này, do tập đoàn dược phẩm khổng lồ của Mỹ là Gilead nghiên cứu phát triển, sử dụng bằng cách tiêm 6 tháng/lần và được cho là có hiệu quả rất cao trong ngăn ngừa việc nhiễm virus HIV cũng như giảm số lượng virus HIV với những người đã nhiễm. Tuy nhiên, giá điều trị năm đầu tiên với loại thuốc mới này lên tới 42.250 USD, con số vượt quá khả năng chi trả của hầu hết những người nhiễm HIV trên thế giới. Chuyên gia Cesar Nunez nhận định: “Sáng chế là rất tốt, nhưng với giá nào? Trong trường hợp này thì chúng ta lại quay trở lại với thời điểm chúng ta bắt đầu với loại thuốc ARV đầu tiên, khi nó quá đắt và không thể tiếp cận ở quy mô toàn cầu”.
Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn tin rằng Lenacapavircó thể tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến chống HIV/AIDS toàn cầu. Tại Hội nghị quốc tế về AIDS, diễn ra ở Munich (Đức) từ 22-26/07, các chuyên gia tính toán nếu có thể sản xuất thuốc tương đương sinh học (generic) của Lenacapavir với số lượng lớn, mỗi bệnh nhân có thể chỉ phải chi 40 USD/năm cho loại thuốc này, tức rẻ hơn 1.000 lần so với hiện nay. Andrew Hill, nhà nghiên cứu đến từ Đại học Liverpool (Anh), nhận định khi đó sẽ có khoảng 10 triệu người đủ khả năng sử dụng thuốc này mỗi năm và nếu số lượng người dùng lên tới 60 triệu, số ca nhiễm HIV mới sẽ giảm rất mạnh, khiến virus này không còn là mối đe dọa y tế toàn cầu.