(VOV5) - Tổng thống El-Sisi đánh giá Ai Cập đang trải qua giai đoạn nhiều thách thức an ninh nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Hôm 02/04, Tổng thống Ai Cập, Abdel-Fattah El-Sisi nhậm chức nhiệm kỳ thứ 3, tiếp tục nắm quyền điều hành đất nước có vai trò địa chính trị quan trọng ở Trung Đông-Bắc Phi đến giữa năm 2030. Theo giới chuyên gia, đây có thể là nhiệm kỳ nhiều thách thức nhất đối với Tổng thống El-Sisi.
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi phát biểu trong cuộc họp báo ở Cairo ngày 25/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tổng thống Ai Cập, Abdel-Fattah El-Sisi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 khi giành chiến thắng áp đảo, với 89,6% số phiếu ủng hộ, trong cuộc bầu cử Tổng thống Ai Cập diễn ra từ 10-12/12 năm ngoái.
Thách thức to lớn về kinh tế
Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi bước vào nhiệm kỳ thứ 3 với nhiều thách thức lớn, đặc biệt về kinh tế. Theo Saif Islam, chuyên gia của hãng tư vấn rủi ro S-RM có trụ sở tại Anh, kinh tế Ai Cập đang trong thời điểm khủng hoảng nặng nhất kể từ năm 2011, với việc đồng nội tệ suy yếu, lạm phát và nợ công tăng cao. Hiện tại, nợ nước ngoài của Ai Cập đã lên tới 170 tỷ USD và riêng trong năm nay, Ai Cập sẽ phải trả nợ 32 tỷ USD. Là quốc gia phụ thuộc nhiều vào hàng hóa tiêu dùng và nguyên vật liệu nhập khẩu, Ai Cập hiện cũng ghi nhận mức thâm hụt thương mại hàng năm khoảng 40 tỷ USD. Do thiếu ngoại tệ, nhiều tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Ai Cập hiện vẫn mắc kẹt tại các cảng, đẩy giá cả hàng hóa ở thị trường trong nước tăng mạnh và khiến tỷ lệ lạm phát tăng lên các mức lần lượt 29,8% và 35,7% trong tháng 1 và tháng 2 năm nay.
Bên cạnh khó khăn vĩ mô, kinh tế Ai Cập còn chịu nhiều tác động tiêu cực từ xung đột Hamas-Israel, bùng phát từ tháng 10 năm ngoái tại dải Gaza. Cuộc xung đột này gia tăng bất ổn an ninh khu vực, tác động trực tiếp đến 2 lĩnh vực thu hút ngoại tệ quan trọng hàng đầu của Ai Cập là du lịch và phí trung chuyển qua kênh đào Suez. Từng đạt doanh thu kỷ lục 9,3 tỷ USD trong năm tài khóa 2022-2023 nhưng trong 3 tháng đầu năm nay, doanh thu của kênh đào Suez sụt giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, do các hãng vận tải biển buộc phải tránh đi qua Biển Đỏ và kênh đào Suez vì lo ngại các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen trên Biển Đỏ.
Trong bối cảnh đó, theo Giáo sư Tarek Fahmi của Trường Đại học Cairo (Ai Cập), ưu tiên lớn nhất trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống El-Sisi là phải hạ nhiệt lạm phát, thu hút thêm đầu tư nước ngoài, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng gấp đôi sản lượng xuất khẩu nông nghiệp và công nghiệp của Ai Cập. Một số tín hiệu tích cực đã đến với Ai Cập trong thời gian gần đây khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đồng ý cấp cho Ai Cập khoản vay 8 tỷ USD, Ngân hàng thế giới (WB) cho vay 6 tỷ USD và Liên minh châu Âu (EU) cho vay 7,4 tỷ euro (8,06 tỷ USD). Ngoài ra, trước đó Ai Cập cũng nhận được 15 tỷ USD, là một phần trong thỏa thuận Ras Al-Hekma với UAE hồi tháng 2 năm nay. Nguồn tài chính mới này giúp Tổng thống El-Sisi mạnh tay thực hiện một số cải cách lớn, trong đó có hạ giá đồng nội tệ, bất chấp lo ngại điều này có thể khiến cuộc sống của người dân khó khăn hơn, đồng thời siết chặt chính sách thuế và đánh giá lại nhiều dự án lớn về xây dựng cơ sở hạ tầng. Chuyên gia Ivanna Vladkova Hollar, Trưởng phái đoàn IMF tại Ai Cập, nhận định: “Nhà chức trách Ai Cập đã triển khai một kế hoạch ổn định kinh tế mạnh mẽ để chỉnh sửa sự mất cân bằng trong nền kinh tế, trong đó một số chính sách đã được áp dụng. Chính sách ổn định kinh tế này tập trung vào một hệ thống quy đổi tỷ giá ngoại tệ tự do và linh hoạt hơn, đồng thời thực thi các cải cách cho phép lĩnh vực kinh tế tư nhân trở thành động lực của tăng trưởng”.
An ninh: thách thức và cơ hội
Bên cạnh việc phải vượt qua nhiều khó khăn kinh tế được dự báo sẽ kéo dài, Tổng thống El-Sisi sẽ tiếp tục phải xử lý thách thức an ninh lớn nhất với Ai Cập trong nhiều năm qua là xung đột Hamas-Israel tại dải Gaza và nguy cơ xung đột này lan rộng.
Tổng thống El Sisi giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử tháng 12/2023. Ảnh: VOV-Cairo. |
Trong bài phát biểu nhậm chức nhiệm kỳ 3, Tổng thống El-Sisi đánh giá Ai Cập đang trải qua giai đoạn nhiều thách thức an ninh nhất trong nhiều thập kỷ qua. Giáo sư khoa học chính trị Gamal Zahran, đến từ Trường Đại học Kênh đào Suez (Ai Cập), cũng cho rằng xung đột tại Gaza, đặc biệt là nguy cơ quân đội Israel tấn công vào thành phố Rafah ở cực Nam dải Gaza, tiếp giáp với biên giới Ai Cập, sẽ tạo ra rủi ro an ninh lớn với Ai Cập bởi khi đó hàng triệu người tị nạn Palestine sẽ tràn qua Gaza để chạy sang tị nạn tại bán đảo Sinai của Ai Cập. Tuy nhiên, chuyên gia chiến lược an ninh Samir Farag của Ai Cập tin rằng với vai trò trung gian hòa giải vô cùng quan trọng hiện nay giữa thế giới Arab và Israel, chính quyền của Tổng thống El-Sisi có thể hạn chế được các nguy cơ an ninh đến từ Gaza.
Samir Farag cho rằng, một ưu tiên an ninh mà Tổng thống El-Sisi cần xử lý là phối hợp với các quốc gia Arab khác chấm dứt bất ổn trên Biển Đỏ, bởi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tại vùng biển này không chỉ tạo ra nguy cơ bất ổn an ninh cho khu vực mà còn khiến Ai Cập thiệt hại nặng về kinh tế. Chia sẻ quan điểm này, Giáo sư Gamal Zahran cho rằng trong 2 nhiệm kỳ trước, Tổng thống El-Sisi tạo dựng được uy tín lớn nhờ các thành quả trong việc duy trì ổn định và an ninh cho Ai Cập, do đó, ông sẽ chịu sức ép lớn trong việc xử lý các thách thức an ninh này.
Tuy nhiên, theo đa số giới quan sát, cuộc xung đột tại Gaza cũng giúp Ai Cập thể hiện được vai trò địa chính trị to lớn của quốc gia này. Điều này được thể hiện qua các động thái tích cực mà nhiều cường quốc và tổ chức quốc tế lớn dành cho Ai Cập thời gian qua, cả về mặt chính trị lẫn kinh tế, trong đó có việc IMF, WB và EU cung cấp các khoản vay lớn cho nước này. Vì thế, các thách thức an ninh này, xét trên một góc nhìn khác, cũng là cơ hội để chính quyền của Tổng thống El-Sisi gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới.