Ấm áp viên kẹo dừa tuổi thơ
Theo báo Sài Gòn ẩm thực -  
(VOV5) - Hồi xưa, bọn trẻ con xóm tôi, đứa nào đứa nấy đều mê tơi những viên kẹo dừa vừa ngọt vừa béo. Đứa mê nhiều sún hết hàm, đưa mê ít cũng sún vài cái răng cửa...
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Kẹo dừa ngày xưa ngọt và béo ngậy và thơm lá dứa đậm đà hơn kẹo dừa bây giờ nhiều, có lẽ do các lò kẹo bây giờ làm kẹo theo sở thích của người tiêu dùng hiện đại là ít ngọt, ít béo để tốt hơn cho tốt sức khỏe. Có loại thì ngào cùng đậu phộng, có loại lại thêm sầu riêng, gói đẹp mắt hơn nhưng trong tâm trí tôi thì vẫn không ngon bằng những viên kẹo ngày xưa, ngon, ngọt và thơm làm sao, ngọt dai dẳng cả tuổi thơ đám con nhà nghèo.
Mà hồi xưa năm thì mười họa mới được mẹ cho tiền đi mua kẹo dừa về ăn. Chỉ cần 2.000 đồng thôi là đã có cả chục cục. Nên mỗi lần đứa nào có được 2.000 đồng là mừng húm, í ới mấy đứa kéo nhau đi mua. Mỗi đứa được một cục. Đứa cầm tiền thì được 2 - 3 cục.
Nhưng đa phần chúng tôi ăn kẹo từ việc thối tiền thừa bằng kẹo. Mẹ hay biểu đi mua nước mắm, đường, bột ngọt, mì gói, cái trứng… rồi còn dư 1.000 đồng, bà Năm chủ tiệm hóa trong xóm hay thối bằng kẹo. Khi nào không đủ mỗi đứa một cục thì phải 2 đứa ăn chung một cục. Kẹo dừa vừa dẻo vừa cứng mà dùng răng cửa để cắn đôi thì ê hàm phải biết. Ấy vậy mà đứa nào cũng muốn mình là đứa được cắn để… ăn gian, đôi lúc bị phân bì, có đứa la ó om sòm, có đứa rấm rứt khóc cả buổi…
Ăn kẹo dừa mà chả đứa nào dám nhai vì sợ nhai sẽ hết nhanh, tiếc, cứ chép chép đến khi cục kẹo tan hết thì thôi nên vị ngọt ngọt béo béo hương thơm thơm cứ tan dần trong miệng. Nên nhớ hoài, quên không được cái vị ấy…
Còn nhớ, hồi nhỏ thằng Tâm là đứa hiền lành nhưng cũng hơi khù khờ tí. Nhưng vì tính nó chịu khó nhất nên mẹ nó hay kêu nó đi mua hàng. Mỗi lần mẹ dặn mua những món gì là nó lầm bầm ghi nhớ từ nhà đến tiệm bà Năm. Rồi chìa tiền ra đưa trước mặt bà Năm: “Mẹ đưa bao nhiêu đây nè bà Năm, biểu con mua một nửa đường, một nửa bột ngọt”. Có khi đang vừa đi vừa lầm bầm chân lỡ dấp cái gì trên đường, té úp mặt xuống đất một cái là quên hết. Lại mếu máo quay về hỏi lại. Vậy chứ nó thảo ăn lắm. Được bà Năm thối nhiều kẹo là chia cho tụi tôi ngay, chỉ giữ một cục ăn mà thôi nên đứa nào cũng thương nó và tin nó nhất.
Lớn lên, trong xóm, đứa nào đứa nấy đều lập nghiệp ở xa. Duy chỉ có thằng Tâm là ở lại quê làm giáo viên dạy toán cấp 1 gần nhà. Không biết có phải do ngày xưa nó hay đi tiệm nhất hay vì hiền lành, đáng tin nhất không mà không những được bà Năm gả cô cháu ngoại xinh xắn nhất nhì trong xóm, còn được truyền luôn cái gia tài là tiệm tạp hóa. Giờ hai đứa nó đã là vợ chồng hạnh phúc với hai “Tâm con” rất đáng yêu. Mỗi lần gặp lại là bị tụi tôi trêu ghẹo, nó cười hiền lành bảo: Ở hiền gặp lành chứ sao… Rồi nháy nháy mắt móc trong hộp vuông vuông ra chìa cho mấy đứa “già đầu” vài viên kẹo, bảo ăn đi, không phải cắn đôi đâu… Cả bọn cười tít mắt, dù không ai nói ra nhưng tôi hiểu đứa nào cũng thấy ấm áp vì đã may mắn có được một tuổi thơ đáng nhớ…
Theo báo Sài Gòn ẩm thực