(VOV5) - Còn gì thích thú hơn khi được cùng bạn bè, người thân trò chuyện, thưởng thức các món ăn ngon, trong đó không thể thiếu tô bánh canh cá lóc ấm nóng đậm đà hương vị này.
Bánh canh cá lóc là món ăn quen thuộc, đậm đà hương vị có ở nhiều nơi ở miền Trung. Tuy nhiên, nổi tiếng hơn cả phải nói đến bánh canh cá lóc vùng Quảng Trị, Quảng Bình và Huế. Dường như, ai đến đây cũng đều muốn thử món ăn dân dã, đủ đầy hương vị miền Trung này. Trong tiết trời đông lạnh, được thưởng thức một tô canh cá lóc nóng chắc không gì tuyệt vời hơn.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đến Huế vào buổi chiều tối, tôi được cô bạn đồng nghiệp người Huế mời đến một quán bánh canh cá lóc khá nổi tiếng có tên 'Canh cá lóc Dì Minh" trên đường Nguyễn Huệ. Quán nhỏ nhưng rất đông thực khách. Ngay khi bước vào, mùi thơm của nồi nước dùng tỏa ra như đánh thức mọi giác quan thực khách.
Bánh canh cá lóc phải ăn khi đang thật nóng. Khi thưởng thức có thể cho thêm ớt bột loại cay, hành thái nhỏ, hạt tiêu, mì chính. Một tô canh hấp dẫn với đủ màu sắc, đỏ hạt điều của nước dùng, vàng rộm của thịt cá, trắng của bánh canh, xanh hành ngò hòa cùng vị cay cay, ngọt ngọt, đậm đà, giòn giòn…tất cả hòa quyện tạo nên sự hài hòa chuẩn vị Huế...Để làm phong phú khẩu vị, thực khách có thể ăn kèm thêm chả ghẹ cua, nem, tóp mỡ, giò bò hoặc trứng cút.
Chủ quán Dì Minh ở 17 Nguyễn Huệ, TP Huế |
Nói về cách làm món ăn này, dì Minh - chủ quán cho biết nguyên liệu cũng như cách chế biến khá đơn giản: “Cá lóc sống khi mua về mình phải tự làm, vảy, lọc xương rồi tách thịt ra. Rồi xẻ cá ra thành miếng, ướp với hành băm nguyễn và muối đường. Phần xương sống và đầu cá giã ra để làm nước dùng cho ngọt. Lòng cá lóc được bỏ ra om để phục vụ thực khách gọi riêng.”
Nói thì dễ vậy, nhưng để làm ra một tô bánh canh ngon đúng chất đòi hỏi nhiều công phu, bí kíp gia truyền và sự tỉ mẩn của người làm. Ví như, gạo làm bánh canh phải tuyển loại ngon. Sau khi ngâm đủ độ mới xay, rồi đưa vào cối giã hoặc cán máy cho tới lúc "chín", tức là bột chặt, dai mà không dính tay.
Bánh canh cá lóc kiểu Huế gồm 2 loại là bột gạo và bột lọc. Nếu khách muốn ăn dai dai thì chọn bột lọc (làm từ tinh bột sắn) còn muốn mềm thì chọn bột gạo hay bột mì. Đặc biệt, khi khách tới ăn, chủ quán mới xắt bột cho vào nồi nước trụng để sợi bánh tươi ngon.
Đến Huế rất dễ dàng bắt gặp những quán bánh canh cá lóc phục vụ khách từ sáng sớm đến đêm muộn. Để thu hút thực khách, các quán hàng bao giờ cũng có những cách biến tấu và bí kíp riêng. Tuy nhiên, theo chú Lý - chủ quán Dì Minh thì dù chế biến kiểu gì thì 2 gia vị nhất thiết không thể thiếu là ớt bột và ruốc - đặc trưng của Huế. Và, để bí quyết có một tô canh cá lóc chuẩn đúng điệu là ở nồi nước dùng.
Bánh canh cá lóc và món bún trộn mắm nêm kiểu Huế được thực khách yêu thích- Ảnh Hà Linh |
"Rất công phu, để có nước dùng ngon thì ngoài ninh xương và đầu cá, còn phải cho thêm rất nhiều xương, mà phải xương bò mới ngọt. Nguyên một nồi xương hầm kỹ, rồi gia giảm gia vị cần có như muối, bột nêm, ruốc sao cho hợp. Thêm nữa, phải cần cho rất nhiều hành hương tím bằm nhỏ, thì nồi dùng mới dậy mùi thơm, át mùi tanh của cá”.Chú Lý, chủ quán Dì Minh cho biết,
Với người dân Huế, bánh canh cá lóc là món ăn bình dân được yêu thích bởi nó rất dễ ăn và giá lại rẻ. Chỉ cần 15.000 đến 50.000 là bạn đã có được một tô canh cá lóc tròn vị, đủ chất.
Không chỉ người dân địa phương mà du khách đến Huế đều thích thưởng thức món canh này. Ảnh Hà Linh |
Chị Hồng Trang, người rất nghiền món ăn này chia sẻ: “Bánh canh Huế được ưa thích hơn cả, thứ nhất ở vị dai giòn của sợi bột. Nước dùng thanh. Ở quán này, thực phẩm đi kèm với món bánh canh là cá, chả thịt, ghẹ cua tươi và thơm ngon. Quán hàng sạch sẽ và giá cả rất hợp lý. Tôi cũng thích thử ăn món này ở nhiều quán khác nhau, tiện đường đâu dừng đó. Mỗi nơi có vị ngon riêng”.
Tùy khẩu vị mà thực khách có thể chọn ăn canh cá lóc với bún hoặc bánh canh. Ảnh Hà Linh |
Còn chị Phi Yến, du khách đến từ Hà Nội cho biết, mỗi lần đến Huế không thể bỏ qua được món ngon này: “Với tôi, món bánh canh cá lóc Huế có chút gì đó giống hương vị món ăn miền Bắc như món canh cá, bún cá hoặc bánh đa cá. Nhưng có khác biệt là sợi bánh canh dễ ăn. Nó vừa dai lại vừa mềm. Nước dùng ngọt thanh, đậm đà. Những ngày mùa đông như này có một tô bánh canh nóng hổi thì thật là thích”.
Một tô bánh canh cá lóc chỉ với những nguyên liệu đồng quê đơn giản mà làm cho người ăn có cảm giác như đang thưởng thức món cao lương nào đó. Vì thế, nhất vào mùa Đông khi đến Huế chơi, còn gì thích thú hơn khi được cùng bạn bè, người thân trò chuyện và thưởng thức các món ăn ngon, trong đó không thể thiếu tô bánh canh cá lóc ấm nóng đậm đà hương vị này.