(VOV5) - Mới đây, Việt Nam đã chính thức xác lập Kỷ lục Thế giới là Đất nước sở hữu nhiều món 'sợi và nước' hấp dẫn nhất. Trải dọc khắp ba miền Bắc – Trung – Nam trên dải đất hình chữ S có rất nhiều những món sợi hấp dẫn (như bún, mì, phở,...) tiêu biểu cho nền ẩm thực Việt Nam.
Những món “sợi và nước” được chế biến với rất nhiều nguyên liệu khác nhau, mỗi vùng miền lại có những nét chấm phá riêng từ mùi vị cho đến cách bài trí đã khiến cho thực khách vương vấn mãi không thôi. Các món sợi Việt Nam thường được làm từ bột mì, bột gạo... Từ nguyên liệu, hình dáng, màu sắc, hương vị và kết cấu, Việt Nam có vô vàn những món sợi khác nhau. Thậm chí, cùng là một loại nhưng ở các làng xã, vùng miền khác nhau lại mang những đặc trưng riêng biệt.
Phở
Phở là một món ăn quen thuộc của người Việt Nam. Phở có mặt ở khắp mọi nơi, từ những nhà hàng sang trọng hay những quán vỉa hè. Nhưng cho dù ở đâu đi chăng nữa thì phở có một phong vị riêng mà không lẫn vào đâu được.
Phở là món ăn phổ biến của người Hà Nội. Ảnh: kyluc.vn |
Một bát phở ngon đúng điệu thì phải có sự kết hợp giữa nhiều yếu tố: nguyên liệu tươi ngon và hoa tay khéo léo của người nấu. Một bát phở chuẩn phải có bánh phở, nước dùng, thịt (gà, bò…) và các loại rau thơm cùng gia vị ăn kèm (hành, mùi, dấm, chanh, tỏi, ớt, hạt tiêu…).
Một buổi sáng đầu đông ngồi xuýt xoa bên bát phở nghi ngút khói thật ấm lòng. Ảnh: Japo
|
Bánh phở được làm từ bột gạo, xay nhuyễn rồi tráng mỏng như bánh cuốn và cắt thành sợi nhỏ. Linh hồn của một bát phở ngon là nước dùng. Tùy mỗi loại phở là nước dùng được ninh từ những loại xương khác nhau và thời gian ninh khác nhau. Nhưng để một bát phở ngon đúng điệu thì cần phải có những nguyên liệu tươi ngon, thời gian nấu đúng chuẩn, cách nêm nếm hợp lý.
Bún
Bún là món ăn phổ biến chỉ sau phở trong ẩm thực Việt. Bún có nhiều biến tấu khác nhau, nhưng tất cả đều có một công thức chung cho một bát phở nước là sợi bún, nước dùng, thịt/tôm/cá/cua… các loại rau và gia vị ăn kèm.
Bún ốc là một đặc trưng cho ẩm thực Hà Nội. Ảnh: Savouryday |
Bánh phở thường có dạng dẹt và mỏng thì bún lại có sợi hình tròn, màu trắng đục dẻo và dai hơn phở. Cũng giống với phở, linh hồn của món bún nước chính là nước dùng. Tùy vào mỗi loại bún mà công thức nước dùng cũng khác nhau.
Bún bò giò heo của Huế. Ảnh: pasgo.vn
|
Mỗi vùng miền lại có những món bún đặc trưng. Miền Bắc có bún thang, bún ốc, bún cá rô đồng… còn miền Trung có bún bò giò heo của Huế, miền Nam lại có bún nước lèo của Sóc Trăng…
Miến
Miến có hình dáng giống với bún nhưng nguyên liệu để làm nên miến là từ củ của cây dong riềng, đậu xanh và bột sắn. Do vậy sợi miến thường dẻo, dai và trong. Miến sau khi chế biến được phơi khô và đóng thành từng bó hoặc túi.
Miến gà. Ảnh: kyluc.vn
|
Miến là món ăn được dành cho người giảm cân bởi thành phần các loại nguyên liệu làm ra miến chứa rất ít tinh bột nhưng lại giàu năng lượng, giúp cho người có mỡ thừa không cần hấp thụ lượng lớn tinh bột mà vẫn đủ năng lượng để hoạt động, do thế những người giảm cân thường rất hay ăn miến.
Miến lươn - món ngon giàu dinh dưỡng. Ảnh: Savouryday |
Có rất nhiều loại miến như miến lươn, miến ngan, miến gà… Miến không chỉ xuất hiện trong bữa sáng của người Việt mà còn ở các quán hàng ăn từ sang trọng cho đến bình dân.
Mỳ
Mỳ là món ăn vô cùng phổ biến trong bữa ăn của người Việt Nam. Mỳ là một món ăn lót dạ, thường được dùng vào bữa sáng hoặc bữa xế, hoặc ăn lót lòng cho ấm bụng trước khi ngủ đối với những ai trót bỏ qua bữa tối.
Mỳ vằn thắn. Ảnh: suckhoedoisong.vn
|
Các món ăn từ mì gồm có mỳ tôm, mỳ bò, mỳ gà, mỳ vằn thắn… nhưng không thể không nhắc đến Mỳ Quảng - một món ăn làm nên thương hiệu cho Quảng Nam.
Mì Quảng. Ảnh: kyluc.vn
|
Khác với các món mì khác khi ăn thì chan nước ngập mì, mì Quảng lại được ăn khô hơn, chan nước sền sệt chỉ đủ để thấm ướt mỗi sợi mì thôi. Mì Quảng là món ăn nổi tiếng của người dân xứ Quảng, mì thường được ăn kèm với tôm nõn, thịt nạc, trứng, hành khô phi thơm hoặc có thể biến tấu ăn cùng với sủi cảo…
Bánh đa
Bánh đa cũng giống với phở nhưng sợi của bánh đa to hơn và dai hơn, sợi bánh đa chính là sợi phở thái to bản và phơi khô.
Bánh đa cua Hải Phòng. Ảnh: Haiphong.gov.vn |
Nhắc đến bánh đa mà không nhắc món bánh đa cua của Hải Phòng là một thiếu sót lớn, một món ăn làm nên thương hiệu cho Hải Phòng. Một bát bánh đa cua ngon, thường mang những màu sắc rất hấp dẫn của gạch cua đồng, màu nâu của bánh đa, màu xanh thẫm của chả lá lốt, xanh tươi của hành lá hòa quyện với sắc đỏ của ớt và vàng rộm của hành phi.
Bát bánh đa cua nóng hổi dai dai với vị ngọt của nước dùng cua và xương, vị dai của chả cá, thơm lừng của chả lá lốt sẽ hấp dẫn các thực khách ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Hủ tiếu
Nếu như ở miền Bắc phở là món ăn thường xuyên được xuất hiện trên bàn ăn của người Hà Nội thì hủ tiếu là món ăn không thể thay thế cho bữa sáng hoặc bữa xế của người Sài Thành.
Hủ tiếu. Ảnh: kyluc.vn
|
Một bát hủ tiếu thường gồm bánh hủ tiếu, nước dùng, giá đỗ, hẹ, thịt, bò viên, tương ớt… Có nhiều loại hủ tiếu như hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu gõ, hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu sa tế, hủ tiếu Sa Đéc.