(VOV5) - Sương sâm ăn mát, được nhà nhà dùng nhiều trong mùa nắng nóng. Thế nhưng với tôi thì tháng 7 mưa ngâu mới thật sự là thời gian để nhớ về món sương sâm, nhớ cả tuổi thơ đong đầy kỷ niệm…
|
Những chiếc lá sương sâm dày có màu xanh sậm, khi vò ra mới có nhiều nhựa, dai |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Tôi tin chắc chỉ những ai sống ở quê mới hiểu tại sao người ta thường trồng sương sâm vào tháng 7 mưa ngâu, chứ không phải là tháng 3, tháng 4 để hái lá ăn giải nhiệt. Đơn giản bởi sương sâm là loài ưa nước nên người ta phải trồng vào tháng mưa ngâu. Người hiểu sương sâm là phải trồng trên những gò cao, hoặc phải làm luống cao, đất tơi xốp thì dây mới dễ phát triển, đâm chồi, cho lá sớm, bởi dù ưa nước nhưng sương sâm rất sợ… ngập úng. Làm đúng như vậy thì chỉ 2 tháng sau là được hái lá ăn thỏa thích.
Để có được ly sương sâm ngon thì phải biết cách chọn lá. Đó là những chiếc lá dày, có màu xanh sậm, khi vò ra mới có nhiều nhựa, dai. Lá được ngắt cuống, rửa sạch, cho vào rổ để ráo. Sau đó cho lá vào thau, đổ nước sôi để nguội vào và vò đến khi nát lá, dung dịch nước trong lá hòa tan vào nước có màu xanh thẫm và sánh lại. Cuối cùng, cho dung dịch nước sương sâm vào vợt lược lấy nước rồi bỏ xác. Để yên tô nước sâm khoảng 30 phút là có thể mang ra “chén” được. Bạn có thể ăn không, ăn cùng với nước đường, nếu thích cho thêm nước cốt dừa càng thơm ngon đậm đà.
Sương sâm có hai loại là trơn và lông. Loại trơn sẽ có lá trơn, bóng nhẵn, cho nước sương sâm đậm thơm, mềm. Còn loại lông có nhiều lông kim trắng trên lá, khi vò ra nước nhạt hơn, dai hơn nhưng lại không thơm bằng.
Hồi xưa, sương sâm nhà tôi hay trồng là sâm trơn nên thơm ngon lắm. Chính vì thế, bọn trẻ hàng xóm hay kéo nhau qua, “quậy” một chặp rồi cùng nhau đi hái lá sâm vò ăn. Còn nhớ, trong đám “yêu quái” đó, có một tên mà mỗi khi ngồi ăn sương sâm tôi hay nhớ đến là thằng Hợi. Hợi có dáng người vừa lùn vừa mập, rất háu ăn nhưng được cái khá chăm chỉ, hiền lành nên hay bị chúng tôi bắt nạt. Lúc đi hái lá sâm nó luôn là đứa hái nhiều nhất, và cũng hay xung phong vò lá, đến khi ăn, nó cũng luôn là đứa ăn sau cùng nên thường phải “bao thầu” rửa thau.
Hồi đó, khi ăn sương sâm, chúng tôi không múc ra chén hay ly gì cả vì trước đó hay làm vỡ. Sợ mẹ mắng nên chọn cách vò sâm ra chiếc thau to, rồi 5-6 đứa, mỗi đứa thủ sẵn một cái muỗng, đếm 1,2,3 là nhào vô “chén”. Đứa nào bỏ muỗng sau cùng là phải đi rửa muỗng và rửa thau. Thằng Hợi luôn là đứa phải thực hiện “nghĩa vụ” nhiều nhất, một phần vì nó chậm, một phần vì nó thích ăn nhiều nên cứ tiếc miếng cuối cùng.
Thế mà có vài lần nó chỉ ăn đến giữa chừng là hí hửng “bỏ muỗng” để khỏi phải rửa thau làm mấy đứa còn lại “mắt tròn mắt dẹt” sửng sốt. Vậy là chúng tôi quyết định theo dõi. Cuối cùng phát hiện ra nó hái lá sâm nhiều hơn thường ngày một ít, rồi khi vò lá cũng cho nhiều nước hơn tí và đương nhiên ngoài lược cho vào thau lớn nó bí mật lược thêm một tô nhỏ để riêng.
Khi làm nước cốt dừa xong, nó tranh thủ lúc tụi bạn chơi trò ngoài hiên không để ý, đã “chén” trước nên lúc ra ăn chung, nó chỉ “chén” đến nửa thau là no quá, bỏ muỗng… Đương nhiên, phát hiện ra chúng tôi làm sao cho qua được, nó không những phải thường xuyên thực hiện nhiệm vụ của “chiến sĩ cuối cùng về đích” mà còn phải rửa bù cho những ngày “ăn gian”…
Chúng tôi cứ chơi chung như thế từ lúc học lớp 3 đến hết hết lớp 4 thì thằng Hợi chuyển trường theo ba mẹ đi nơi khác làm ăn. Sau đó, bọn tôi giải tán, không làm sương sâm ăn chung nữa vì đứa nào cũng cảm nhận được… sự mất mát. Không ai nói ra, nhưng tôi biết Hợi là nhân vật bị chúng tôi bắt nạt nhiều nhất cũng là đứa được thương mến nhất…
Giờ thỉnh thoảng về quê, bạn bè thời “cởi truồng tắm mưa” vẫn không quên nhắc về nó… Tôi cũng thế, nhà không có sân rộng để trồng nhưng hứa với lòng, lúc nào có sân thì nhất định loài cây tôi trồng đầu tiên sẽ là sương sâm, và cũng sẽ trồng vào rằm tháng 7 mưa ngâu…/.