(VOV5) - Gần đây do tình hình thế giới có nhiều biến động, các nhà đầu tư đang lên kế hoạch tái cấu trúc dòng vốn đầu tư, chuyển dịch dòng vốn sang đầu tư thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Chiều 21/9, tại tỉnh Bình Dương, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổ chức hội nghị giao ban về công tác thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) 8 tháng năm 2022; đồng thời, bàn giải pháp đón xu hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển vào thị trường Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh trao Giấy chứng nhận đầu tư cho đại diện Tập đoàn LEGO và chủ đầu tư Khu công nghiệp VSIP3. Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN
|
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, cho biết tính đến cuối tháng 8/2022, tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 16,7 tỷ USD, vốn thực hiện là 12,8 tỷ USD, tăng 10,5%. Đáng chú ý, chất lượng đầu tư các dự án được nâng lên, đạt bình quân 14,7 triệu USD/dự án, cao hơn năm 2021 (hơn 10 triệu USD/dự án). Các dự án đầu tư ngày càng có quy mô và chất lượng hơn.
Gần đây do tình hình thế giới có nhiều biến động, các nhà đầu tư đang lên kế hoạch tái cấu trúc dòng vốn đầu tư, chuyển dịch dòng vốn sang đầu tư thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội cho Việt Nam và để đón bắt cơ hội, các tỉnh, thành cần liên kết vùng nhằm hình thành hệ sinh thái đủ hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư công nghệ. Hệ sinh thái hấp dẫn nhất hiện nay là sản xuất chip điện tử. Qua đó, hiện có những doanh nghiệp trong nước bắt nhịp được xu thế này và đã liên kết thành chuỗi cung ứng, gia công các linh kiện trong hệ sinh thái sản xuất chip.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong trung hạn (2 - 3 năm tới), các tập đoàn công nghệ vẫn ưu tiên lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư hoặc mở rộng đầu tư, đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất chế tạo. Trong số đó lĩnh vực công nghệ, sản xuất, dược phẩm, năng lượng... là những lĩnh vực mà Việt Nam có cơ hội thu hút.