(VOV5) - Mô hình trồng cây sâm và các cây dược liệu phát triển có quy mô ở tỉnh Quảng Bình hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế và tạo việc làm cho nhiều đoàn viên thanh niên.
Với ý chí vươn lên làm giàu chính đáng, nhiều thanh niên đã nắm bắt cơ hội, khai thác lợi thế của địa phương, quyết tâm khởi nghiệp làm giàu trên chính quê hương mình bằng nhiều hình thức trong đó có khởi nghiệp sáng tạo trong nông nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo khoa học về công nghệ.
Các đội tham gia chung kết cuộc thi "Thanh niên khởi nghiệp sáng tạo - Đại học Đại Nam 2018” - Ảnh: zing |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Có ý tưởng khởi nghiệp với mô hình trồng cây sâm và các cây dược liệu phát triển có quy mô, anh Lê Văn Thành ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã tìm được lối đi cho mình. Mô hình này hứa hẹn không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho bản thân mà qua đây, anh còn có thể tạo việc làm cho nhiều đoàn viên thanh niên khác tại địa phương. Mô hình kinh tế này cũng đã lọt vào vòng hai của cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn lần thứ nhất” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Ý tưởng khởi nghiệp với mô hình trồng cây sâm và các loại cây dược liệu được xuất phát từ khi Lê Văn Thành còn là sinh viên trường Đại học Quảng Bình: “Xuất phát ý tưởng cách đây 2 năm, khi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học tại trường Đại học Quảng Bình, sau đó tìm hiểu về cây này thấy giá trị lợi nhuận và tầm ảnh hưởng dược liệu của cây sâm này nên muốn thương mại hóa để phát triển thương hiệu sâm Quảng Bình. Để thực hiện, trước tiên mình hiểu về sản phẩm, về công dụng, tác dụng, sau đó tạo dựng cơ sở dự án, quy mô dự án, tính toán kinh doanh, mặt lợi mặt hại và hình thức phát triển thương hiệu”.
Để triển khai mô hình này, anh Thành cho biết có rất nhiều việc cần phải làm như chuẩn bị về mặt bằng, tìm hiểu về cây giống cũng như những kiến thức để chăm sóc, phát triển cây… và quan trọng là tìm hiểu thị trường, kênh phân phối đầu ra cho sản phẩm. Anh đã cập nhật kiến thức từ nhiều nguồn như tìm đọc các bài viết trên báo mạng, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình lập nghiệp của các đoàn viên thanh niên, những người đi trước và đặc biệt là sự tư vấn kiến thức từ các chuyên gia để được giúp đỡ, hỗ trợ kiến thức về khởi nghiệp. Anh Thành phát triển mô hình trồng sâm và các loại cây dược liệu với mong muốn tận dụng được những lợi thế của địa bàn vùng núi, rất thích hợp để trồng những loại cây này. Anh Thành chia sẻ về giá trị dược liệu của loại sâm này: “Mình cần tìm hiểu và có sự chuẩn bị kỹ về tư tưởng và kinh tế sau đó đưa ra giải pháp. Cần hỗ trợ về kiến thức, từ chuyên gia giới thiệu giúp đỡ hỗ trợ mình về khởi nghiệp, sự hỗ trợ giúp đỡ tạo điều kiện từ chính quyền để phát triển thương hiệu. Sâm có công dụng là uống bổ gan, thận ngâm rượu từ hoa, cây. Sâm kết hợp một số loại thảo dược khác để mình chữa bệnh gan, thận..”.
Dự án “Ứng dụng công nghệ tưới hiện đại vào sản xuất, phân phối túi bọc trái cây hướng tới nông nghiệp sạch, bền vững” của thanh niên tỉnh Hòa Bình vừa đoạt giải nhì trong cuộc thi “Thanh niên khởi nghiệp – sáng tạo” vừa diễn ra tháng 9 vừa qua. Anh Vũ Đăng Biên, chủ nhiệm dự án, cho biết dự án tập trung vào hai dòng sản phẩm chủ yếu là lắp đặt hệ thống tưới hiện đại cho vườn cây ăn quả; và phân phối túi bọc trái cây giúp hoa quả tránh được thuốc sâu ngay khi còn ở trên cây, bảo vệ quả khỏi côn trùng gây hại, gia tăng giá trị kinh tế. Anh Biên nhấn mạnh xưởng sản xuất cam kết những mặt hàng được phân phối ra đều đảm bảo chất lượng cao, giá thành hợp lý: “Khi áp dụng vào thực tế, sản phẩm mình làm ra là sản phẩm sạch, giá trị kinh tế tăng, tiết kiệm được nhân công xử lý các con côn trùng đốt. Bởi vì túi bọc này giúp bảo vệ quả ngay khi nó còn ở trên cây chứ không phải bảo vệ lúc thu hái”.
Anh Vũ Đăng Biên cho rằng nông nghiệp sạch công nghệ cao tạo dựng quy trình chăn nuôi gieo trồng sạch với quy trình khép kín cung cấp cho thị trường sản phẩm hữu cơ minh bạch về nguồn gốc là hướng đi và chủ trương phát triển của ngành nông nghiệp của Việt Nam. Những năm gần đây ngày càng có nhiều mô hình trồng trọt chăn nuôi được đầu tư theo chuỗi khép kín với quy trình từ trang trại tới bàn ăn giúp bảo vệ môi trường và mang đến sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Khởi nghiệp không nhất thiết bắt đầu ngay với những điều lớn lao mà nhiều khi từ những trăn trở để giải quyết vấn đề thường nhật. Thời gian qua, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn con đường khởi nghiệp gắn liền với lợi ích cộng đồng, đặt giá trị cộng đồng lên trên giá trị kinh tế. Khởi nghiệp vì con người, vì cộng đồng chính là khởi nghiệp của sự phát triển.