(VOV5) - Việt Nam nên tăng cường khả năng đối phó về kinh tế vĩ mô đối với biến động về tài chính và thương mại quốc tế
Sáng nay 4/12, tại Hà Nội, khai mạc Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam năm 2018 với chủ đề "Hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới - chủ động, đổi mới, thiết thực và hiệu quả".
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
|
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong vòng một năm trở lại đây, kinh tế toàn cầu có dấu hiệu thay đổi theo hướng phức tạp và khó dự đoán hơn. Những diễn biến này sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế thế giới và động thái chính sách của các nước, trong đó có Việt Nam. Độ mở của nền kinh tế Việt Nam khá lớn. Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay dự kiến đạt 485 tỷ đô USD và tăng trưởng GDP ở mức khoảng 6,8%, độ mở của nền kinh tế đã xấp xỉ 2 lần: Phải tiếp tục có giải pháp để gắn kết hơn nữa khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI, để cả hai khu vực kinh tế này đều mạnh lên, phù hợp với chủ trương nhất quán của Việt Nam là chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trong đó lấy hội nhập kinh tế quốc tế làm trọng tâm và coi FDI là bộ phận kinh tế hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam. Tăng cường hội nhập quốc tế gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, với tinh thần tự cường của các nước ASEAN.
Theo ông Sudhir Shetty, Kinh tế gia Trưởng Khu vực Đông Á, Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới, Việt Nam nên tăng cường khả năng đối phó về kinh tế vĩ mô đối với biến động về tài chính và thương mại quốc tế; tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia với các chính sách tạo thuận lợi thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh và củng cố mối liên hệ giữa đầu tư nước ngoài và các nhà cung ứng trong nước.