(VOV5) - Theo các đại biểu, thị trường Halal toàn cầu là một trong những thị trường có tiềm năng rất lớn xét về quy mô và mức tăng dân số.
Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị “Xúc tiến thương mại tăng cường khai thác thị trường sản phẩm Halal toàn cầu” do Bộ Công Thương tổ chức vào sáng nay (04/04) tại Hà nội.
Theo các đại biểu, thị trường Halal toàn cầu là một trong những thị trường có tiềm năng rất lớn xét về quy mô và mức tăng dân số, mức chi tiêu và sự đa dạng về lĩnh vực cũng như triển vọng tăng trưởng ngày càng tăng trong tương lai. Thị trường này đang mở ra những cơ hội kinh doanh đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản và thực phẩm chế biến. Với dân số Hồi giáo khoảng 2 tỷ người, chiếm 25% dân số thế giới, nhu cầu về sản phẩm Halal ngày càng tăng cao. Dự báo, quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu sẽ đạt khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028. Tiềm năng mở rộng xuất khẩu Halal của Việt Nam càng được thể hiện rõ hơn khi Việt Nam đã nằm trong top 20 nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới và là 1 trong 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, đồng thời là mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, khu vực và liên khu vực đã được ký kết…
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: nhandan.vn
|
Để tiếp cận được thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phải đáp ứng các quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, chứng nhận thực phẩm Halal, mà còn phải nâng cao khả năng cạnh tranh. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ về mặt kiến thức, giải pháp, cách làm. Cục Xúc tiến thương mại của Bộ sẽ tìm hiểu thông tin thị trường, đội ngũ các thương vụ tạo sự kết nối thị trường. Bộ cũng hỗ trợ thông qua tham gia hội chợ, triển lãm để tìm kiếm đối tác, giới thiệu sản phẩm. Thời gian tới, chúng ta sẽ xây dựng Đề án để tổ chức triển khai bài bản.