(VOV5) - Các doanh nghiệp, địa phương mong muốn có thêm cơ hội để tăng cường sự hiện diện cho hàng hóa của mình vào thị trường các nước Trung Đông-Châu Phi.
Tại Hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019” diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 9 và 10/9, ngoài sự hiện diện của các đại sứ, đại diện các quốc gia Trung Đông, Châu Phi, các tổ chức quốc tế, khu vực, các bộ ban ngành, các địa phương của Việt Nam, còn có khoảng 70 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản.
Với những sản phẩm của mình, họ mong muốn tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường Trung Đông - châu Phi, mở rộng cơ hội hợp tác thương mại đầu tư với các đối tác ở thị trường tiềm năng này.
Một gian hàng trưng bày bên lề Hội nghị- Ảnh Ánh Huyền |
Không chỉ xuất khẩu gạo, Công ty TNHH giống cây trồng Giang Nam có đối tác tại Đức là công ty Vedico, thời gian qua đã nghiên cứu tạo ra giống lúa mang nhiều đặc điểm ưu việt như cho năng suất cao, ngắn ngày, chịu tốt với khí hậu như hạn, mặn, các loại sâu bệnh…Theo ông Vũ Văn Quảng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty, do điều kiện tự nhiên, thời tiết, thổ nhưỡng không thuận lợi và phù hợp cho sản xuất nông nghiệp, hầu hết các nước Trung Đông, Châu Phi đều phải nhập khẩu số lượng lớn các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đặc biệt là lúa gạo và nông sản.
Nắm bắt nhu cầu này, Công ty TNHH giống cây trồng Giang Nam mạnh dạn triển khai đưa giống lúa sang gieo trồng tại địa bàn này, nhằm tạo chỗ đứng bền vững tại thị trường: "Mục tiêu của chúng tôi là tổ chức sản xuất hạt giống lúa tại các thị trường của Trung Đông-Châu Phi. Tiềm năng thị trường Châu Phi là rất lớn và hiện nay chúng tôi chính thức là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên xuất khẩu hạt giống lúa sang thị trường Tây Phi. Cuối 2019 và bắt đầu 2020 chúng tôi sẽ tổ chức sản xuất hạt giống tại thị trường Châu Phi để phục vụ cho toàn Châu Phi. Qua đó, các nước Châu Phi có thể hoàn toàn mở rộng được diện tích canh tác trồng lúa để phục vụ an toàn lương thực cho quốc gia sở tại."
Gian hàng về gạo- Ảnh Ánh Huyền |
Tham gia Hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019”, các doanh nghiệp, địa phương mong muốn có thêm cơ hội để tăng cường sự hiện diện cho hàng hóa của mình vào thị trường các nước Trung Đông-Châu Phi. Ông Lê Minh Trí, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Sóc Trăng, cho rằng: "Thị trường Trung Đông-Châu Phi là một thị trường đầy tiềm năng với mặt hàng nông sản nên với mong muốn đó chúng tôi tham gia hội nghị. Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm đối tác tiềm năng ở thị trường này, chúng tôi cho rằng có một số khó khăn. Thứ nhất là khó khăn về thủ tục xuất nhập khẩu, thứ hai là một số vấn đề phong tục tập quán văn hóa. Khó khăn nữa là vấn đề vận chuyển Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phía các nước Trung Đông-Châu Phi cần cung cấp thông tin càng nhiều càng tốt. Hy vọng rằng Hội nghị này là tiền đề để các doanh nghiệp khai phá thị trường giàu tiềm năng này."
Với tiềm năng sẵn có, quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông-Châu Phi, cùng sự quan tâm sát sao từ Chính phủ, Bộ Công Thương, chắc chắn thời gian tới, doanh nghiệp Việt sẽ có thêm cơ hội trong việc thúc đẩy xuất khẩu và sản xuất sang khu vực.