(VOV5) - Trong năm vừa qua, Việt Nam thu hút 38,23 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nằm trong số 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới.
Đáng chú ý, số vốn FDI đổ vào lĩnh vực công nghệ đang ngày càng tăng, khẳng định hướng đi đúng của Việt Nam trong thu hút nguồn FDI mới chất lượng cao.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Cuối năm ngoái, Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của làng công nghệ toàn cầu khi ông Jensen Huang, Chủ tịch Nvidia (Mỹ), tập đoàn thiết kế, sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới, đến Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác với chính phủ Việt Nam thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ nhân tạo (AI) và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.
Ông Jensen Huang, Chủ tịch tập đoàn NVIDIA (Mỹ). |
Trong thông điệp đưa ra tại Việt Nam, ông Jensen Huang khẳng định sẽ biến Việt Nam thành "ngôi nhà thứ hai của Nvidia”, đồng thời ca ngợi các tiềm năng to lớn của Việt Nam, đặc biệt là về nguồn nhân lực công nghệ cao: “Tôi nghĩ rằng các bậc cha mẹ Việt Nam là những người có đòi hỏi và kỳ vọng rất cao vào con cái, nhờ đó các bạn trẻ Việt Nam rất xuất sắc trong lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) và đó cũng là lí do cộng đồng phần mềm Việt Nam, cũng như xuất khẩu phần mềm của Việt Nam rất rộng lớn và có chiều sâu”.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trần Quốc Phương, sự kiện Nvidia thành lập cứ điểm quan trọng của tập đoàn này tại Việt Nam đánh dấu bước ngoặt của Việt Nam trong việc thu hút các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghệ cao, là sự khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế đối với những thay đổi tích cực, cụ thể của Việt Nam trong thời gian qua trong việc cải thiện những điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài, như: đất đai, năng lượng và đặc biệt là nguồn nhân lực.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết: “Về nguồn nhân lực, chúng ta đã sẵn sàng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được giao nhiệm vụ đào tạo 50 nghìn kỹ sư, lao động chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Việc tham gia các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất sẽ cải thiện được vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, là tiền đề cơ bản để tham gia vào các chuỗi trong kinh tế và sản xuất kinh doanh”.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm vừa qua Việt Nam thu hút 38,23 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay; giá trị thương hiệu quốc gia năm vừa qua đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 01 bậc so với năm 2023. Đáng chú ý, Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử. Nhiều dự án sản xuất các sản phẩm nhiều giá trị gia tăng cũng được đầu tư mới và tăng vốn.
Ông Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương, nhận định các con số trên cho thấy chiến lược thu hút đầu tư chất lượng cao của Việt Nam đang đi đúng hướng: "Theo Nghị quyết 50 về Chiến lược thu hút FDI trong giai đoạn mới, chúng ta đặt ra mục tiêu không chỉ thu về số lượng mà còn hướng đến FDI có chất lượng từ các công ty đa quốc gia nằm trong top 500 từ các công ty đa quốc gia, từ những nước phát triển. Chúng ta chỉ làm được việc đó khi kiên định mục tiêu của mình, đặt mục tiêu cao về phát triển ổn định và phát triển bền vững”
Nhận định về xu hướng sắp tới, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), cho rằng trong năm qua và hướng đến những năm tiếp theo, dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam sẽ ngày càng được chọn lọc kỹ càng hơn theo hướng ưu tiên dự án FDI công nghệ cao, công nghệ nguồn và tạo lan tỏa với khu vực trong nước. Để thúc đẩy xu hướng này, NIC đã chuẩn bị rất nhiều chiến lược lớn về phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ sinh thái công nghệ cao.
Ông Vũ Quốc Huy chia sẻ: “Chúng tôi đang xây dựng được một hệ thống các đối tác lớn trong hệ sinh thái, bao gồm nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong nước, tập đoàn quốc tế và rất nhiều quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo và hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước. Tất cả kết nối thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo nên sự hợp tác hiệu quả và những công nghệ thúc đẩy việc thương mại hóa các sản phẩm mới, phù hợp với lĩnh vực trọng tâm cũng như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Theo các chuyên gia, không chỉ là số vốn, điều quan trọng là nguồn lực đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã có bước dịch chuyển lớn. đó là các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, từng bước đưa Việt Nam bước lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu trong giai đoạn phát triển mới.