Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, diễn ra sáng 5/2, tại Hà Nội, đã thảo luận về nhiều nội dung quan trọng và đưa ra những nhiệm vụ trong tâm phải thực hiện trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.
Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế cho những năm tiếp theo tăng trưởng 2 con số. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến khó lường hiện nay, Việt Nam xác định bám sát thực tiễn, có những giải pháp kịp thời để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Ảnh minh hoạ: VGP |
Không được bỏ lỡ thời cơ
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến rất khó lường, tác động trực tiếp tới Việt Nam, nhất là khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: "Chúng ta phải chuẩn bị thế nào để đối phó, để không bị động, không bất ngờ và chúng ta phải giữ đà, giữ nhịp, giữ khí thế đang có để chúng ta tiếp tục phát triển."
Theo Thủ tướng, không còn cách nào khác phải đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tiếp tục mở rộng thị trường sang các nước, khu vực, như: Ấn Độ, Trung Đông, Nam Mỹ, Pakistan…. Những việc làm này đòi hỏi phải nhanh, nhạy, nếu không sẽ bỏ lỡ thời cơ.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua chính mình, “vừa nói, vừa làm, vừa hành động, vừa tuyên truyền”."Chúng ta bắt tay ngay vào sản xuất kinh doanh, hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ ngay từ tháng 1; rà soát xem cái gì chưa hoàn thành, cái gì phải hoàn thành trong tháng 2, tháng 3. Các tháng hoàn thành, các quý hoàn thành gì cả năm chúng ta mới hoàn thành được nhiệm vụ. Vì vậy, phải kiểm soát tình hình ngay từ đầu. Các bộ, các ngành, các Bộ trưởng phải chỉ đạo ngay từ đầu."
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, với mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, các bộ, ngành, địa phương phải có các chỉ tiêu tăng trưởng mới, trình các cấp có thẩm quyền thông qua để thực hiện. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng với mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, các bộ, ngành, địa phương phải có các chỉ tiêu tăng trưởng mới, trình các cấp có thẩm quyền thông qua để thực hiện.
Trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng yêu cầu trước hết là thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Kết luận số 123 của Trung ương về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì báo cáo về điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, điều chỉnh chỉ tiêu bội chi ngân sách, nợ công… Đặc biệt là cần đưa tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 60% trong tổng chi ngân sách (hiện nay đang là 70%).
Các bộ, ngành, địa phương cũng lưu ý việc tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tập trung làm mới các động lực truyền thống, thúc đẩy các động lực mới. Đồng thời, hoàn thành các công trình trọng điểm quốc gia, đạt ít nhất 3.000km đường bộ cao tốc và trên 1.000km đường bộ ven biển vào cuối năm nay; tăng cường xúc tiến, thu hút dự án đầu tư nước ngoài (FDI) có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là các ngành chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen...
Khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp
Ngay sau phiên họp này, Chính phủ sẽ có Tờ trình lên Quốc hội tại kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội khóa XV, diễn ra vào tuần tới, đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chuẩn bị dự thảo nghị quyết riêng của Chính phủ nhằm triển khai nhiệm vụ quan trọng này, trong đó giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho từng địa phương, đồng thời xác định một số chỉ tiêu chính dành cho các bộ, ngành ở Trung ương. Những mục tiêu này phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi.
Với yêu cầu tăng trưởng cao hơn, cường độ thực hiện các giải pháp cũng phải được nâng lên tương ứng. Điều này đòi hỏi tất cả các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm triển khai ở mức độ cao hơn, thậm chí gấp đôi so với trước đây.
Về một số giải pháp cụ thể, Việt Nam cần tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đảm bảo các dự án được triển khai đúng tiến độ và mang lại giá trị thực tiễn, đặc biệt triển khai sớm một số dự án quan trọng. Một trong những dự án tiêu biểu là tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn, kết nối quốc tế và khu vực phía bắc.
Trong bối cảnh triển khai Nghị quyết 18 của Trung ương, việc sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đang được đẩy mạnh, tạo ra không gian và cơ hội phát triển mới cho khu vực này. Trong thời gian tới, doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu đàn, doanh nghiệp dẫn dắt, cần chủ động thực hiện những dự án quy mô lớn.
Việt Nam cũng cần triển khai ngay chính sách thu hút các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao. Tiếp theo là thu hút đầu tư từ khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Riêng đối với lĩnh vực ngân hàng, việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được thực hiện linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp với chính sách tài khoá, chính sách xuất nhập khẩu, chính sách thương mại.
Mục tiêu GDP 8% năm 2025 thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh nhiều thách thức. Việc Chính phủ chỉ đạo, điều hành quyết liệt, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; bám sát thực tiễn và việc triển khai thông suốt từ TW đến địa phương sẽ góp phần quan trọng để Việt Nam hoàn thành mục tiêu kế hoạch cả năm.