Độc đáo Tết máng nước của đồng bào Ca Dong

(VOV5) - Đây là dịp để bà con tụ tập, tuyên truyền cho nhau cách bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ làng, chia sẻ với nhau về lao động sản xuất.

Người Ca Dong là tộc người thuộc dân tộc Xơ-Đăng, chủ yếu sinh sống ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Từ xa xưa, cộng đồng người Ca Dong luôn coi trọng nguồn nước, coi đó là mạch nguồn của sự sống. Hàng năm, vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 là thời điểm kết thúc mùa vụ, công việc thu hoạch xong xuôi, bà con Ca Dong sẽ tổ chức lễ cúng máng nước, hay còn gọi là Tết máng nước, với mong muốn đón những điều tốt đẹp, an lành đến với buôn làng.

Nghe âm thanh tại đây:  
 Người dân Ca Dong luôn coi trọng nguồn nước. Khi chọn đất lập làng, già làng bao giờ cũng chọn nguồn nước trước tiên. Họ đặt máng nước ngay đầu làng, nơi sạch sẽ nhất. Lễ cúng máng nước được tổ chức với nghi thức trang trọng nhất.
Độc đáo Tết máng nước của đồng bào Ca Dong - ảnh 1Cộng đồng người Ca Dong bày tỏ niềm vui sau khi được thần linh đồng ý với việc đưa nguồn nước về. Ảnh: Khánh Nguyên/dantocmiennui.vn

Từ sáng sớm, trai gái Ca Dong cùng các bô lão, già làng xã Trà Don, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, đã tề tựu đông đủ ở ngôi nhà giữa làng. Tất cả không gian đều tràn ngập sắc màu, với những đồ đạc trang trí cho lễ cúng. Mọi người mặc trang phục truyền thống nhiều màu sắc.

Trong tiếng cồng chiêng rộn ràng, già làng thực hiện các nghi thức bài cúng: (Tiếng già làng dặn dò con cháu và các thành viên trong làng phải biết giữ gìn nguồn nước trong lành, sạch sẽ, luôn đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, phấn đấu làm ăn để mùa màng bội thu)

Trước ngày diễn ra lễ cúng, già làng sẽ triệu tập trai tráng trong làng giao nhiệm vụ làm nêu, phát dọn sạch sẽ lối đi vào khu vực dòng suối lấy nước. Họ sẽ kiểm tra lại máng nước, nếu thấy bị hỏng sẽ gia cố, sửa chữa, thậm chí, bắc máng nước mới.

Già làng Nguyễn Đức Thường, xã Trà Don, huyện Nam Trà My, cho biết: Giai đoạn thứ nhất là công tác chuẩn bị, họp dân, thống nhất trong xóm, trong làng, già làng quyết định ngày nào làm lễ. Rồi phân công những người đi chặt cây, đặc biệt phải lựa chặt cây thẳng, chia từng tổ, hoàn thành dựng cây nêu. Về nguồn nước, Già làng họp dân cố gắng nói bà con phải giữ vệ sinh chung. Nơi đầu nguồn nước không ai được chặt phá, nếu không tuân thủ sẽ bị phạt.

Độc đáo Tết máng nước của đồng bào Ca Dong - ảnh 2Người Ca Dong buộc từng sợi chỉ vào cổ tay già làng như gửi gắm niềm tin của cộng đồng. Ảnh: Khánh Nguyên/dantocmiennui.vn

Dựng cây nêu là hoạt động đầu tiên và cũng là một trong những nội dung được quan tâm nhiều nhất trong lễ cúng này. Để có được một cây nêu, những người đàn ông trong làng đã phải thực hiện trang trí từng chi tiết thật tỉ mỉ. Họ phối hợp nhịp nhàng cùng nhau ở từng công đoạn. Sau lễ tế thần, các thanh niên trong làng sẽ đặt ống dẫn nước xuống khe suối để đưa nước về làng. Khi nguồn nước về tới máng của làng nằm cạnh cây nêu, từng hộ gia đình sẽ dùng ống lồ ô múc nguồn nước dưới suối mang về nhà nhóm bếp nấu cơm.

Trong khi đàn ông đảm nhiệm việc trang trí cây nêu, lo dẫn nước từ nguồn về máng, thì những người phụ nữ ở nhà sẽ lo chuyện bếp núc. Họ sẽ nấu các món truyền thống, như: nướng cơm lam, nấu bánh sừng trâu, hay nấu rượu cần.

Chị Hồ Thị Hằng, người dân xã Trà Don, huyện Nam Trà My, cho biết: Lễ cúng máng nước, hôm qua nhà em đã chuẩn bị làm bánh, đi chặt ống nếp, tối về nướng bánh. Ống cũng để hứng nước từ trên nguồn chảy xuống. Đây là phong tục tập quán của người đồng bào nơi đây. Lấy nguồn nước này nấu cơm, nấu với thịt heo để cúng, cầu mong cho năm sau sẽ làm ăn phát tài, phát lộc, mùa màng bội thu, con cái học hành đầy đủ.

Ông Đinh Văn Vượng, Chủ tịch UBND xã Trà Don, khẳng định lễ cúng máng nước in đậm bản sắc một nghi lễ nông nghiệp lâu đời, thể hiện đời sống tín ngưỡng của tộc người Ca Dong và người dân quyết tâm gìn giữ: Đây là dịp để bà con tụ tập, tuyên truyền cho nhau cách bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ làng, chia sẻ với nhau về lao động sản xuất, chăn nuôi… Đồng thời, là cơ hội để bà con giao lưu, chúc nhau vượt qua một năm làm ăn, tiếp tục động viên nhau trong năm mới. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phát huy giá trị lễ hội để gìn giữ văn hóa của dân tộc mình.

Trong xu thế hội nhập hiện nay, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc tác động khiến đời sống, văn hóa của đồng bào có những đổi thay, việc duy trì Lễ cúng máng nước có ý nghĩa góp phần vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa các tộc người ở vùng cao tỉnh Quảng Nam. Đồng thời là cơ sở để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng, góp phần vào sự phát triển đời sống, xã hội ở địa phương.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác