(VOV5) - Đồng bào dân tộc Cống có dân số dưới 10.000 người, sinh sống ở hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên.
Đồng bào Cống có nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán độc đáo, trong đó phải kể đến Tết Ngô, Tết cổ truyền.
Với người Cống ở xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, Tết Ngô được tổ chức vào ngày 1/6 Âm lịch hằng năm. Đây là dịp để bà con trình báo với tổ tiên về những việc đã làm được trong năm; cảm ơn tổ tiên đã phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, chăn nuôi, sản xuất gặp nhiều thuận lợi, mùa màng tươi tốt, thóc, ngô đầy nhà...
Trước kia, ngô là một trong những loại lương thực chính của đồng bào Cống và được gắn liền với tín ngưỡng dân gian. Ảnh: VOV |
Để đón Tết Ngô, người Cống thường phải chuẩn bị trước nửa tháng. Mọi người trong gia đình đi kiếm củi, lên rừng lấy măng, hái nấm, lên nương bẻ ngô, xuống suối bắt cá, bắt cua về để chuẩn bị cho ngày tết ngô. Thầy cúng Chang Văn Sang, ở bản Lăng Phiếu, xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, cho biết trong Tết Ngô tuỳ thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình tổ chức to hay nhỏ, nhưng cơ bản các lễ vật dâng liên tổ tiên phải có đầy đủ: "Gia đình nào có điều kiện thì mổ lợn. Mổ lợn phải có thủ lợn với một cái chân giò, đuôi lợn, lòng, một bát gạo, một quả trứng, một đôi bánh trưng với bánh ngô, hai đôi con cua. Gia đình không có điều kiện mổ con lợn thì mổ con gà, hoa quả mà cúng".
Theo thầy cúng Chang Văn San, không ai biết Tết Ngô có từ bao giờ và chỉ biết nghi lễ này đã được trao truyền từ đời này sang đời khác. Ảnh: VOV |
Trước Tết vài ngày, thầy cúng cùng những người đàn ông trong bản đan những chiếc phên mắt cáo, rồi cắm lên ruộng nương để thông báo cả bản nghỉ làm nương, chuẩn bị ăn Tết. Còn những thanh niên phải ra bờ suối hoặc đi vào các khe nước ở trên rừng để tìm con cua về cúng tổ tiên. Người Cống quan niệm, con cua có ý nghĩa lớn trong đời sống tâm linh. Do vậy, mâm cỗ tổ tiên và thần linh bao giờ cũng phải có 12 con cua, tượng trưng cho 12 tháng trong năm và tượng trưng cho 12 con giáp. Với người Cống, cua là con vật bảo vệ mùa màng.
Anh Sén Văn Ngân và thầy cúng Chang Văn Sang cho biết: "Ít nhất con cua phải bằng hai ngón tay thì đủ tiêu chuẩn để đứng trước bàn thờ để cúng tổ tiên. Các cụ ngày xưa truyền lại như thế rồi thì chúng tôi làm theo các cụ."Con cua có nghĩa là đi làm ở trên nương rẫy, làm ruộng không được bỏ. Ý nghĩa của nó là như thế, cho nên là từ ngày xưa tổ tiên cũng hay ví con cua và con cá để cúng thần linh tổ tiên.
Nghi thức lấy nước trong lễ hội Tết Ngô. Ảnh: VOV |
Bên bàn cúng, người Cống để dụng cụ lao động sản xuất hàng ngày, như: dao, cuốc, xẻng, liềm bởi đồng bào quan niệm những vật dụng này đã cùng con người lao động vất vả cả năm nên cũng được nghỉ ngơi, đón tết như con người. Khi tổ chức cúng Tết ngô cho cả bản thì thầy cúng phải thay mặt cả bản báo cáo với các thần linh, tổ tiên về tình hình sản xuất, chăn nuôi, sức khỏe của bà con trong năm. Cầu xin các thần linh, tổ tiên phù hộ dân bản sang năm mới có sức khỏe, mùa màng bội thu. Sau đó, thầy cúng lần lượt đi cúng cho từng nhà. Thầy Chang Văn Sang cho biết thêm: "Thắp hương để báo cáo tổ tiên, đấy hôm nay ngày lành tháng tốt về ăn tết ngô, báo cáo tổ tiên, ông bà cha mẹ những người đã đi trước trong gia đình, phù hộ cho con cháu khoẻ mạnh, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu để cho con cháu đi đâu cũng khoẻ mạnh, an toàn.
Trong Tết Ngô, ngoài cúng tổ tiên ở trong nhà, người Cống còn có một lễ cúng ở trên nương ngô với hàm ý để các vị thần phù hộ giúp đỡ cho bà con có một mùa màng bội thu. Cho nên bà con sẽ chọn những bắp ngô đầu mùa, bắp ngô non để làm sản vật cúng. Vào dịp Tết Ngô, người Cống có một lý rất hay là các sản phẩm rơi xuống đất không bao giờ được nhặt, mà để nguyên dưới mặt đất cho các vật được thụ hưởng mùa màng cùng với con người.
Trước khi tổ chức Tết ngô, các gia đình cũng thường đan những chiếc giỏ nhỏ bằng tre nứa để đựng quà cho trẻ nhỏ trong gia đình. Khi thầy cúng làm lễ xong sẽ phát quà cho các cháu nhỏ (như lỳ xì đầu năm mới của Kinh và một số dân tộc khác).
Bà Lý Thị Dóng bản Lăng Phiếu, xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, chia sẻ: "Cúng xong thì gia đình nào cũng đan một rổ nhỏ. Gia đình mình có 2 cháu thì đan 2 cái, 3 cháu thì đan 3 cái mỗi cháu một cái để phát lộc cho các cháu. Để trong sọt có 1 quả dưa với lại bánh chưng, đùi gà với thịt nướng nữa.
Trong những ngày Tết, đồng bào Cống còn tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, như: múa hát, thi bắn nỏ, đẩy gậy... Già trẻ, gái trai trong bản tụ tập ở nhà văn hóa để vui chơi và biểu diễn những điệu múa truyền thống. Theo Thầy cúng Chang Văn Sang, khi tiếng trống, chiêng vang lên, không phân biệt già trẻ, gái trai ai cũng có thể tham gia vào điệu múa truyền thống của dân tộc: "Ngoài lễ cúng ra thì cũng để con cháu thanh thiếu niên phải nhảy múa vui xoè, đánh trống đánh chiêng, ném còn, đánh tù lu các thứ để cho các cháu vui chơi. Chiêng người Cống ngày xưa cũng ít thôi không như người Ê đê, M’nông ở vùng Tây Nguyên đâu, ngày xưa gia đình có điều kiện mới có một cái chiêng thôi với 3 cái trống ở trong bản, trống to đấy không phải trống ếch, làm trống gia đình nào phải biết cúng bàn thờ thì mới làm được. Không biết cúng không làm được trống. Trống to với một cái chiêng, lấy một cái sạp đánh, nhà phải lấy một con gà trống phải cống. Cúng xong mới đánh, mới khai trương đấy. Trống làm bằng gỗ ở trên rừng. Mặt trống lấy da bò hoặc da nai nó vang xa."
Trong ngày Tết ngô người Cống còn có tục lệ ra suối tắm và giặt giũ. Bởi vậy, vào ngày này, không cần biết trời nóng hay lạnh, cả bản người Cống cùng xuống tắm để nước suối gột rửa hết bệnh tật, xui xẻo và mang lại sức khoẻ, may mắn cho tất cả mọi người.