(VOV5) - Cái tên “làng đá” và tục thờ thần đá độc đáo vùng biên giới này đã khiến nhiều du khách tò mò đến và khám phá nơi đây.
Nằm giữa hai địa điểm du lịch Thác Bản Giốc và Động Ngườm Ngao thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, làng đá Khuổi Kỵ nổi tiếng với những ngôi nhà sàn làm bằng đá. Cái tên “làng đá” và tục thờ thần đá độc đáo vùng biên giới này đã khiến nhiều du khách tò mò đến và khám phá nơi đây.
Chiếc cầu dẫn du khách vào làng đá cổ Khuổi Kỵ, Cao Bằng. Ảnh Thu Hằng |
Nhà sàn đối với người dân tộc Tày ở Trùng Khánh là một miền thiêng, nơi cất giữ những nét đặc trưng trong đời sống vật chất và tinh thần truyền thống qua bao thế hệ. Đặc biệt, đồng bào Tày ở Trùng Khánh có tín ngưỡng thờ đá.Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, cho tới ngày nay trong tâm thức người Tày, “thần đá” vẫn gắn bó và tồn tại trong ý niệm.Họ coi đá là khởi nguồn của sự sống và là trung tâm của vũ trụ. Con người sinh ra từ đá và khi chết sẽ hóa thành đá. Đá trong tâm tưởng của họ thiêng liêng như một vị thần giúp che chở những khắc nghiệt của thiên nhiên.Chẳng thế mà trong luật tục của mỗi tộc người trên vùng đất Cao Bằng này đều có những ngày nhất định để tiến hành tế lễ cảm tạ thần đá, thần rừng.
Bao quanh ngôi làng là con suối hiền hòa - Ảnh Thu Hằng |
Ông Đàm Văn Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng cho biết:"Ở huyện Trùng Khánh, nhà sàn của bà con dân tộc Tày không nơi nào ở Việt Nam có được đó là nhà sàn được xây dựng từ đá. Ngôi nhà bằng đá được thiết kế 2 tầng, trước đây tầng dưới để nuôi nhốt gia cầm và con người thì ở tầng trên.Bà con cư dân sinh sống tập trung quanh khu núi đá, cho nên riêng đối với núi đá và vật liệu bằng đá gắn liền với đời sống của bà con nên không thể thiếu và không thể ra khởi đời sống sinh hoạt của bà con. Chúng ta có thể thấy được các cối xay đá, cối giã bằng đá, hàng rào, bờ rào rồi 1 số vật dụng gia đình như ghế ngồi cũng đều được bà con dân tộc chế tác ra từ đá.
Khi bước vào làng Khuổi Kỵ, ta sẽ thấy ngay sự khác biệt của làng Khuổi Ky bởi thay vì trồng cây gai hay chặt cây về dựng hàng rào như các nơi khác, bà con ở đây đã tận dụng đá tự nhiên để dựng lên những bức rào đá một cách kiên cố bao bọc các ngôi nhà.
Những ngôi nhà đá với mái lợp ngói âm dương có từ thế kỷ 17- Ảnh Thu Hằng |
Những bức tường như chiến lũy, những ngôi nhà sàn cổ kính với kiến trúc độc đáo ấy được tạo ra từ bàn tay khéo léo, từ tấm lòng đầy trân trọng của người Tày. Nhưng có lẽ ít người biết để xây dựng hoàn thiện một ngôi nhà đá là điều không dễ dàng.Từ lúc có ý định dựng nhà, người Tày đã phải chuẩn bị nguyên liệu trước đó.Nếu tính từ thời gian chuẩn bị nguyên liệu đến khi hoàn thành ngôi nhà phải mất từ 2 - 3 năm.
Những viên đá cứng, đẹp là nguyên liệu bắt buộc, quan trọng nhất để dựng nhà. Việc chọn đá cũng mang ý nghĩa tâm linh sâu xa bởi họ cho rằng những viên đá được hình thành từ sâu trong lòng đất, trải qua điều kiện địa chất phức tạp và lâu dài, hấp thụ tinh hoa của đất trời nên mang trong mình nguồn năng lượng và linh khí rất cao.
Bà Triệu Thị Mơ, người dân tộc tày, làng đá Khuổi Ky, cho biết: "Nhà đá có từ lâu rồi.Từ thời ông cụ bà cụ làm từ trước rồi.Bà về làm dâu thì đã có nhà đá rồi.ở mát lắm. Để làm được nhà đá này rất khó rất vất vả đấy." Khuôn hình của ngôi nhà được định tính sao cho cân bằng giữa số lượng thành viên trong gia đình. Gia đình nhiều người thì dựng nhà to cao, ít người thì dựng nhà nhỏ. Việc chọn địa điểm dựng nhà cũng cần cân nhắc cẩn thận. Nơi dựng nhà thường là những nơi cao ráo, lấy chân núi làm điểm tựa, hướng mặt về phía có cảnh trí thiên nhiên khoáng đạt, thuận tiện cho việc làm ăn sinh sống. Chiều cao của nhà thường từ 7 – 8m. Những ngôi nhà bằng đá chỉ nên lợp ngói âm dương. Loại ngói này cũng được chính đồng bào tày tự sản xuất, qua đó giữ cho ngôi nhà đá mang đậm vẻ cổ kính.
Mô hình du lịch cộng đồng homestay ở đây giúp bà con cải thiện thu nhập- Ảnh Thu Hằng |
Hiện Khuổi Kỵ có 14 căn nhà sàn bằng đá và để bảo tồn, phục dựng lại, các cơ quan chức năng Cao Bằng phải tiêu tốn ngót ba năm trời xếp đá. Mãi đến năm 2010 “làng đá” này được hoàn thành với những nét kiến trúc độc đáo. Khuổi Kỵ đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, công nhận là Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người.Hiện nay dân làng Khuổi Ky đã biết làm du lịch từ những bề dày văn hóa của mình.
Ông Nông Ích Đạt, làng Khuổi Ky, chia sẻ: "Từ năm 2010 đến 2016 thì hình thành cộng đồng du lịch. Sắp tới làng đá đã được đầu tư 1 số chăn màn, đện, điện nước để phục vụ đón tiếp du khách đến tham quan và ănở sinh hoạt cùng bà con nơi đây."
Đến nay, những ngôi nhà sàn cổ vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên khôi, mang dáng dấp cổ xưa, tạo nên nét cổ kính, nhuốm màu huyền thoại cho ngôi làng vùng biên giới. Giữa không gian bao la, những ngôi nhà sàn đá vững chãi, bền bỉ, bao bọc, chở che những cư dân hiền lành, chất phác …Nguyễn Thành Vinh, du khách lần đầu đến làng Khuổi Ky, chia sẻ: "Em cảm nhận ở đây rất bình yên.Người dân tộc Tày nơi đây đây rất hòa đồng và thân thiện nữa. Em còn được chị dân tộc tày mời vào ăn cơm cùng gia đình."
Theo ban quản lý công viên địa chất Non nước Cao bằng, truyền thống dùng đá của người Tày vùng biên giới này có từ thời nhà Mạc. Ngược dòng thời gian lịch sử về những năm 1594-1677, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng xây dựng thành quách để bảo vệ đất nước, những ngôi nhà sàn bằng đá đã được xây dựng lên như một pháo đài độc nhất vô nhị chỉ dành riêng cho những bậc quyền quý. Đến nay, những ngôi nhà sàn cổ vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên khôi, mang dáng dấp cổ xưa từ thời nhà Mạc, tạo nên nét cổ kính, nhuốm màu huyền thoại cho ngôi làng vùng biên giới của Tổ quốc.