Bạc Liêu, cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử

(VOV5) - Tỉnh Bạc Liêu hiện có gần 70 câu lạc bộ, đội, nhóm sinh hoạt đờn ca tài tử và trên 500 nghệ nhân, tài tử tham gia đờn ca tài tử.

Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật đặc sắc ở Nam Bộ, tuy chỉ mới ra đời cách đây hơn trăm năm nhưng đã có sức lan tỏa rất lớn. Tại khắp 21 tỉnh phía Nam, đờn ca tài tử liên tục được tái tạo thông qua trao đổi văn hóa với các dân tộc khác nhau, thể hiện sự hoà hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc.

Chính vì lẽ đó, năm 2013, Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Riêng người Bạc Liêu đã có những đóng góp to lớn, góp phần tích cực trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển đờn ca tài tử. 

Bạc Liêu, cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử - ảnh 1  Các "nghệ sĩ chân đất" biểu diễn đờn ca tài tử tại một cơ sở du lịch ở TP Bạc Liêu - Ảnh: Báo Biên phòng

Người ta gọi Bạc Liêu là quê hương của đờn ca tài tử là vì nơi đây đã từng sản sinh ra nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ tiền bối. Từng cho ra đời những bản đờn, những bài ca bất hủ cho đờn ca tài tử, từng gây dựng thành phong trào sáng tác thật hùng hậu từ những thập niên đầu thế kỷ XX. Theo các tài liệu ghi chép, đầu thế kỷ XX, ở Nam bộ đã hình thành nhiều nhóm ca nhạc hoạt động dưới hình thức tài tử và nhanh chóng phát triển khắp lục tỉnh Nam kỳ. Ở Bạc Liêu có nhạc sư Lê Tài Khí (1870 - 1948) thường được gọi là Nhạc Khị (con ông Lê Văn An, một bầu gánh hát bội nổi tiếng lúc bấy giờ). Nhạc Khị đứng ra thành lập Ban nhạc lễ chuyên phục vụ các đám cúng kiếng, tế lễ của đình làng hoặc ở các gia thất, đây cũng là Ban nhạc lễ đầu tiên trên đất Bạc Liêu. Nhạc Khị được xem là người có công lớn đối với Đờn ca tài tử  trong việc canh tân, hiệu đính 20 bản tổ, được giới nghệ sĩ cổ nhạc tôn làm Hậu tổ.

Thập niên 30 của thế kỷ XX, hoạt động đờn ca tài tử ở Bạc Liêu phát triển cả về số lẫn chất lượng, có tiếng vang khắp Nam kỳ. Các nghệ nhân Đờn ca tài tử Bạc Liêu xuất hiện ngày càng nhiều, nhiều người đã trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, đa số đều do Nhạc Khị đào tạo, điển hình như Sáu Lầu, Cai Đệ, Mười Khói, Ba Chột, Tư Bình, Hai Tài, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Năm Nhỏ, Lý Khi, Tư Quận… Hoặc do Sư Nguyệt Chiếu (một nhạc sĩ tiền bối khác ở Bạc Liêu có công trong việc truyền bá nhạc lễ và nhạc tài tử) rèn luyện như nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa, Sanh Xía, Chín Quy, Thiện Ý, Thiện Ngộ… Một trong những học trò giỏi của Nhạc Khị là Cao Văn Lầu. Tiếp nối sự nghiệp của thầy, Cao Văn Lầu cùng với các bạn đồng môn của mình đứng ra thành lập Ban Đờn ca tài tử Bạc Liêu. Ban đờn ca tài tử này một thời khuấy động phong trào Đờn ca tài tử  không chỉ nội tỉnh Bạc Liêu mà tiếng tăm vang khắp Nam kỳ…

Bạc Liêu, cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử - ảnh 2 Các "nghệ sĩ chân đất" biểu diễn đờn ca tài tử tại một cơ sở du lịch ở TP Bạc Liêu - Ảnh: Báo Biên phòng 

Trong thời gian này, Bạc Liêu phổ biến chủ yếu là 20 bản tổ của nhạc tài tử. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ Bạc Liêu còn đóng góp thêm hàng trăm bản nhạc từ nhạc bản cũ đặt lời mới. Nghệ nhân Đỗ Ngọc Ẩn, thành phố Bạc Liêu cho biết: "Hiện nay, riêng bản thân tôi, về soạn lời mới của một số điêu thức của đờn ca tài tử tôi soạn được hết 20 bài bản tổ. Nếu nói về riêng từng điệu thức thì có những điệu thức tôi soạn 3,4 bài. Nên đến nay cũng có khoảng gần 100 bài. Đề tài tôi yêu thích nhất là giới thiệu quê hương, đất nước con người, đặc biệt những phong trào của địa phương như phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình hạnh phúc… nói chung là những đề tài về văn hóa xã hội."

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, tỉnh Bạc Liêu hiện có gần 70 câu lạc bộ, đội, nhóm sinh hoạt đờn ca tài tử và trên 500 nghệ nhân, tài tử tham gia đờn ca tài tử. Những con số chứng tỏ sức sống mãnh liệt và con đường lưu truyền, nối nghiệp của phong trào đờn ca tài tử khá bền bỉ của người dân nơi đây. Nghệ nhân Đỗ Ngọc Ẩn, thành phố Bạc Liêu, chia sẻ: "Bản thân tôi là một người dân Nam bộ và phong trào đờn ca tài từ phát triển mạnh đầu thế kỷ 20. Bản thân gia đình tôi có cha tôi và anh cũng rất thích bộ môn này từ đó tôi học hỏi từ anh, từ cha, từ bạn bè để theo đuổi đờn ca tài tử. Hơn 30 năm gắn bó với lĩnh vực này, không những riêng tôi mà tất cả những người yêu thích đờn ca tài tử đều tự hảo khi bộ môn này được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại."

Được xem là món ăn tinh thần không thể thiếu, ở nông thôn Nam Bộ từ xưa đến nay, đám tiệc nào cũng có đờn ca tài tử. Ai biết đờn ca, dù chỉ bập bõm thôi cũng rủ nhau lập nhóm để đàn hát thoải mái. Ai biết gì chơi nấy, hát sai nhịp thì vào lại, cùng khuyến khích nhau tập tiếp cho đến khi hát thật hay, đàn thật giỏi. Thế là, từ rủ rê nhau thành nhóm đi đàn hát ở các đám tiệc, dần dần các đội, nhóm đờn ca tài tử được thành lập, rồi về sau là các Câu lạc bộ đờn ca tài tử.

Gắn liền với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, mỗi khóm, ấp được công nhận đạt chuẩn văn hóa, các Câu lạc bộ đờn ca tài tử  này dần chọn lọc thành những CLB cấp xã, rồi cấp huyện. Các câu lạc bộ đờn ca tài tử chính là hạt nhân để phát triển phong trào từ cơ sở.  Nghệ nhân đờn ca tài tử Từ Duy Toàn, phường 8, thành phố Bạc Liêu, chia sẻ: "Hiện ở địa phương đã thành lập câu lạc bộ đờn ca tài tử từ ấp, xã, huyện, thị, đến tỉnh chỗ nào cũng có CLB  đờn ca tài tử và sinh hoạt thường xuyên. Ví dụ như ở xã kinh phí sinh hoạt 1 lần, mỗi lần phải có bài mới, khi ca phải sáng tạo thêm. Phong trào đờn ca tài tử của tỉnh Bạc Liêu rất phát triển. Các thành viên càng ngày càng đông thêm, phong trào ngày một lan rộng."

Đờn ca tài tử Bạc Liêu với sự phát triển không ngừng từ nửa đầu thế kỷ XX đến nay đã có nhiều đặc trưng nổi bật, tạo dấu ấn tốt trong nghệ thuật Đờn ca tài tử nói chung. Đó cũng là những tiến bộ thật tích cực của con người Bạc Liêu trong việc phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tỉnh nhà. Đồng thời những đặc điểm đó cũng là những điểm đặc sắc đã điểm tô sắc màu cho cổ nhạc và cải lương Nam bộ. Những đặc điểm đó đều là những thành quả lao động trí tuệ thật tuyệt vời của các nghệ sĩ tiền bối Bạc Liêu, cũng là những niềm tự hào của người Bạc Liêu hôm nay và mai sau.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác