Đây là tập thứ 7 trong serie “Chém theo chiều gió” của ông, sau 6 cuốn trước đó là: Chém theo chiều gió, Luận Anh hùng, Tiếu ngạo hồng trần, Đường đời, Rong chơi một kiếp người, Duyên nợ tang bồng.
Nhà văn Peter Pho mang trong mình hai dòng máu Trung - Việt, lớn lên ở Hà Nội, trưởng thành trên đất nước cờ hoa. Do bối cảnh đa văn hóa, đa dạng ngôn ngữ, đã biến Peter Pho trở nên đặc biệt. Các bài viết của ông cho thấy vốn sống và sự trải nghiệm, va đập với cuộc đời ở mọi góc cạnh từ hỷ, nộ, ái, ố, thăng, trầm, an, nguy, hoan lạc, khốn khó đều là những nếm trải thực sự của ông.
Mỗi năm Peter Pho xuất bản một cuốn sách dày tới hơn 500 trang cho thấy sức sáng tạo của ông chưa khi nào ngơi nghỉ. Cuốn mới nhất “Dọc ngang hải hồ” kể về những chuyến phiêu lưu, những hành trình đầy màu sắc và những trải nghiệm sống động khi tác giả rong ruổi khắp năm châu, khám phá các vùng đất mới, văn hóa và con người ở nước sở tại.
Các tạp bút của Peter Pho hết sức đa dạng. Bất kể chi tiết nào của cuộc sống, thông qua bộ óc giàu trí tưởng tượng và cảm hứng luôn sẵn sàng tuôn trào của nhà văn cũng có thể thành một đề tài để ông luận bàn. Lúc thì chuyện ở nước Mỹ xa xôi, lúc thì ở Trung Hoa ngay bên cạnh, khi thì ở nước Ý lãng mạn hay Ấn Độ đầy bí ẩn, cuốn hút người đọc với những tình tiết gây cấn, hấp dẫn. Rồi những chuyện xảy ra ở mỗi góc phố, khu chợ, ông hàng xóm, anh bạn, người bán hàng, hay chính những chi tiết đời thường của tác giả đều trở thành đề tài để ông phóng bút và bay bổng.
Ở tạp bút “Vốn đời” in trong cuốn “Dọc ngang Hải Hồ”, Peter Pho đúc kết: “Trải qua bao chặng đường đời, vượt lên bao phong ba bão táp, đi qua bao độ xuân, hạ, thu, đông, minh chứng bao vui buồn tủi nhục, nếm biết bao đắng cay ngọt bùi, qua bao lần hỷ, nộ, ái, ố, bi, ai...Chẳng phải thép đã tôi, chẳng muốn tu tiên đắc đạo, một mình một bóng, đi giữa hồng trần, mặc cho đời đưa đẩy lúc thăng lúc trầm, lên trời xuống biển, dọc ngang hải hồ...chỉ vì mưu cầu tồn tại, chỉ vì muốn hít thở bầu không khí tự do, chỉ vì muốn sống đúng chất mình nên hôm nay lão chính là lão, mang trên mình một chút Vốn Đời...”.
Và chính Vốn Đời đã khiến cho cây bút Peter Pho, dù bất kể đề tài gì, trên trời dưới đất, dọc ngang hải hồ, những câu chuyện thâm cung bí sử hay ngoài cuộc sống đầy rẫy sự kiện cổ kim đều chạm tới: "Tôi viết về những cuộc hành trình trong đời của tôi ở năm châu bốn biển cho nên có câu hải hồ là thế. Anh đi khắp nơi trên thế giới anh trải nghiệm được rất nhiều vấn đề ở những nơi mà anh bước chân đến. Từ đó nảy sinh ra những câu chuyện qua con mắt của một nhà văn, và đưa ra một triết lý nhân sinh, chứ không phải chỉ là những chuyện rong chơi trăng gió hay là phong cảnh…"
Nhà văn Peter Pho. |
“Dọc ngang Hải Hồ” gồm hơn 50 bài tạp bút mang đến cho người đọc cái nhìn sâu sắc về cuộc sống và con người qua lăng kính của nhà văn, một thư pháp gia. Từng trang sách như dẫn dắt người đọc vào những chuyến đi đầy thú vị, những câu chuyện đời thường dung dị nhưng cũng đầy chất thơ và sự trải nghiệm. Khi được hỏi về năng lượng sáng tạo dồi dào, nhà văn Peter Pho “bật mí”: "Đó là sự rèn luyện khắc khổ từ những năm tôi tha hương, khi tha hương tôi phải kiếm sống làm rất nhiều nghề, nhưng mà một trong những cái nghề mà tôi thích vừa được viết vừa được kiếm tiền đó là viết báo. Chính những năm viết báo ở Hồng Kông đã rèn luyện ra tôi bây giờ…"
Thế mạnh của Peter Pho là kiến thức “đông tây kim cổ” uyên thâm, là vốn sinh ngữ dồi dào, là vốn sống Âu - Á đan quyện bổ sung cho nhau, là một nhãn quan minh triết, và cuối cùng là một sức viết ít ai bằng… Tất cả những tố chất đó, dù ẩn hay hiện đã khiến ngòi bút của ông thuyết phục được nhiều lớp bạn đọc các trình độ khác nhau và có sự khó tính kén chọn khác nhau: "Tôi ảnh hưởng nhiều nền văn hóa khác nhau. Nhiều bạn thích cách hành văn của tôi, nó không phải thuần hóa Việt không phải Trung Hoa cũng không phải Ăng Lê, nó nhào lộn đưa ra một chất văn học, chất ngôn ngữ bình dị, nhưng trong sáng và thích hợp với mọi tầng lớp độc giả…"
Tạp bút “ Xốn xang mùa hạ” có đoạn: “Trong sự huyên náo đường đời lại khát vọng một chốn yên lặng, một nơi thanh tịnh, để tâm linh được phẳng lặng, để ý thơ được tuôn trào. Khát vọng tâm hồn bay về một đồng nội nở đầy hoa, xung quanh bao bọc cả một rừng tùng bách, dang tay nhắm mắt hít đầy lồng ngực hương thơm của hoa, của cổ thụ, của hương đồng gió nội, để linh hồn nhẹ bay trong không gian, hút đẫm sự thanh khiết của thiên nhiên trong lồng ngực…”.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã rất thích tạp bút này, bởi theo bà tác giả đã thay lời muốn nói của nhiều người khát vọng về một miền tĩnh lặng: "Tôi rất thích đọc Peter Pho, bởi văn chương không theo cái cách kinh viện mà nó xuất phát từ đời sống thực sự ông ấy đã trải nghiệm. Giống như mình được sống một cuộc đời khác khi mình đọc văn của ông ấy. Văn chương của ông vừa đời sống dễ đọc vừa có tầm triết lý. Tất cả những gì diễn ra trong đời sống hàng ngày, trong mối quan hệ hàng ngày đều được đưa về một nhận định, một triết lý sống nào đó…"
Các phân tích và nhận định của ông không bao giờ từ cảm tính mà từ những nguồn dữ liệu tin cậy, phong phú, đa dạng. Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người ưa khám phá thế giới quan quanh mình, tinh tế trong phát hiện và một lối tiếp cận sự vật, hiện tượng, khai phá, kiếm tìm và giải mã những bí ẩn cuộc sống bằng những phân tích, tổng hợp logic từ thực tiễn cuộc sống để làm mới ngòi bút của mình trong tất cả lĩnh vực, mà ờ đó quê hương xứ sở là những tự tình không bao giờ vơi cạn - đó là Hà Nội nơi ông lớn lên.
Ví như trong tạp bút “Gánh phở đêm”, ông đã cẩm nhận thật tinh tế khi đưa miếng bánh phở to vành thấm đẫm nước cốt phở, đưa lên miệng mút đến choẹt, bánh phở vào miệng mang theo vị ngọt thần tiên. “Lập tức khiến ta nghĩ ngay đến thiên đàng hiển hiện, nghĩ đến lúa đổ đòng đòng, từ xanh non đến chín vàng, nghĩ đến hồn cốt một dân tộc vật lộn với sinh nhai, khó khăn trăm bề nhưng vẫn được thụ hưởng một hương vị trời cho, mê mẩn từng khúc ruột. Đi trong đêm qua những hàng phở gánh, nghe tiếng xì xụp từng “miếng” nước dùng ngọt thơm đầy ắp thi vị như một khúc dạ tấu của Hà Thành, nó là âm thanh của ẩm thực, là niềm khoái lạc, là dạ khúc rơi vãi của thiên đường…”.
“Dọc ngang Hải Hồ” với phong cách văn chương rất dễ chạm đến cảm xúc của nhiều độc giả, vì thế, bạn đọc đã quen và nghe tiếng của Peter Pho đều háo hức chờ đợi, trong đó có người bạn thân của ông-doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc: "Những bài viết trên trang cá nhân của ông có một lượng độc giả rất lớn. Hy vọng rằng ngòi bút của ông sẽ làm cho độc giả trau dồi kiến thức, trải nghiệm theo con chữ của ông trong dòng thời cuộc ngày xưa và bây giờ…"
Nhà văn - nhà báo Trần Thị Trường nhận xét: “Ngôn ngữ của Peter Pho linh hoạt, thoáng đãng và cập nhật. Tuy nhiên, Peter Pho rất cẩn trọng về con chữ, không cầu kỳ và rất đời. Để định dạng ngôn ngữ linh hoạt đó để đưa vào sách trong lúc phải tách dời nó khỏi dòng thời gian vốn có, đòi hỏi tác giả phải có kỹ năng thao tác lại, sao cho giữ được sự linh hoạt của ngôn ngữ, vốn là cái hấp dẫn bạn đọc nhất, đồng thời phải làm thế nào để câu chuyện được kể lại sống động, khi thời gian và câu chuyện thời sự đã lùi xa, thậm chí bạn đọc không từng sống ở bối cảnh đó vẫn hiểu được vấn đề mà tác giả muốn trình bày”.
Nhà văn Peter Pho và nhà văn Trần Thanh Cảnh tại buổi ra mắt sách |
Còn nhà văn Trần Thanh Cảnh thì cho rằng: "Đây là trường hợp rất lạ, văn của Peter Pho có một sự tổng hợp giữa truyện ngắn và bút ký, tản văn, đoản văn. Văn hòa trộn độc đáo thể hiện vốn sống rất nhiều. Ngôn ngữ bình dân nhưng sâu sắc, bài viết vừa mang tính triết lý vừa mang tính giải trí, truyền tải những thông điệp nhân văn đến bạn đọc, khiến bạn đọc say mê đọc sách của anh…"
Đọc văn của Peter Pho, ta tìm thấy nhau, nhìn vào mắt nhau dù xa cách nghìn trùng. Ta thấy yêu - ghét phân minh, thiện - ác rõ ràng. Văn của Peter Pho hướng bạn đọc đến Chân - Thiện - Mỹ; hướng đến hạnh phúc phía trước, để quên đi khó khăn, tủi hờn mà bản thân đang gánh chịu. Đó là giọng văn của người đã bước qua những thăng trầm của cuộc đời, trải nghiệm và chiêm nghiệm để rồi những ngôn từ ấy hiện ra như chính ta nói với nhau, kể cho nhau nghe về câu chuyện của chính mình.
Nói như nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Peter Pho như có duyên nợ với bạn đọc, bởi bạn đọc thấy mình có trong tác phẩm của ông: "Ông tạo được cho mình một giọng điệu riêng, viết dài nhưng vẫn cuốn hút, chứng tỏ ông biết cách kể chuyện. Neo người đọc vào những câu chuyện ông kể. Ông có chuyện để kể. Những câu chuyện đa dạng và phong phú. Ông không chỉ kể là đã đi được nhiều nước trên thế giới, gặp gỡ những ai, làm những gì mà muốn bày tỏ tình cảm của mình với quê hương, muốn chia sẻ với bạn đọc…Và có 1 điều nữa là Peter Pho không lặp lại mình, cái đó cũng là duyên viết mà không dễ người viết nào có được. Cách viết vừa như là tự truyện vừa như là du ký. Bởi vì tác giả kể những hành trình đi và đến những miền đất, những miền văn hóa nhưng bao giờ trong đó cái chủ thể-nhân vật chính vẫn là Tôi, vẫn là tác giả nên bạn đọc cảm thấy không có khoảng cách mà rất gần gũi…"
Nguồn năng lượng quan trọng nhất người đọc nhận thấy và trân quý ở tác giả là tấm lòng luôn rộng mở và nhiệt tâm không bao giờ vơi cạn với con người và cuộc sống.