Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Hồng Huệ:
Ngoài việc đạo diễn, diễn viên, viết kịch bản cho nền kịch nói Việt thuở sơ khai; cũng như đóng vai trò tiên phong trong phong trào Thơ Mới, thành viên của nhóm Tự Lực văn đoàn và có những thi phẩm để đời như “Nhớ rừng” hay “Tiếng sáo thiên thai”, nhà thơ Thế Lữ còn viết văn xuôi.
Ở địa hạt này, ông thể hiện năng lượng viết dồi dào khi khẳng định bút lực trên nhiều thể tài như truyện trinh thám, truyện lãng mạn đường rừng, truyện đời thường và đặc biệt là truyện kinh dị.
Là một thành viên của Tự Lực văn đoàn, đương nhiên Thế Lữ đi theo tôn chỉ của nhóm văn chương này: đề cao khoa học, chống sự thần bí hoang đường, “đem phương pháp khoa học phương Tây áp dụng vào văn chương Việt Nam”. Kể cả khi viết truyện kinh dị, vốn là một thể tài đề cao yếu tố kỳ bí, khó hiểu, nhà thơ Thế Lữ, với ngòi bút sắc sảo, cũng có cách lý giải tỏ tường khiến độc giả tâm phục, khẩu phục.
Nhà thơ Thế Lữ ngày trẻ - Ảnh tư liệu |
Trước cả khi trở thành người khai sáng phong trào Thơ Mới, Thế Lữ đã viết truyện kinh dị. Cuốn truyện kinh dị đường rừng với cái tên đầy mê hoặc mà cũng rất rùng rợn: “Vàng và máu” do nhà xuất bản “Đời nay” in năm 1934 bao gồm các truyện ngắn Vàng và máu, Một đêm trăng, Con châu chấu tre, Ma xuống thang gác thuật những điều dị thường, gây những cảm giác mạnh, từ ngạc nhiên đến hãi hùng.
Vì đâu mà trong bối cảnh văn chương tranh tối tranh sáng, lối văn quốc ngữ mới thoát khỏi thời kỳ sơ khai mà Thế Lữ đã bắt tay hăng hái với một thể loại mới mẻ, hiện đại với hầu hết người viết văn ở nước ta? Ngọn nguồn của tư duy viết truyện rùng rợn của Thế Lữ, theo nhà thơ Vũ Quần Phương, bắt nguồn từ chính cuộc đời thực của nhà thơ: "Ông từng có thời kỳ sống ở miền rừng Lạng Sơn. Hồi ấy Lạng Sơn thưa vắng, hiu hắt lắm, người ta còn nghe những chuyện ma rừng cho nên ông viết chuyện đường rừng hấp dẫn. Không những có tài sử dụng ngôn ngữ, tạo hình ảnh, âm thanh, ấn tượng, vì là người làm thơ nên Thế Lữ rất tinh tế về việc tạo dựng chi tiết, âm điệu, hình ảnh cho văn xuôi."
“Một tiểu thuyết gia có biệt tài trong những truyện ghê sợ”, đó là nhận định chung của các nhà phê bình thời bấy giờ về những sáng tạo văn xuôi mới trình diện của chàng văn thi sĩ mới ngoài đôi mươi. Lúc bấy giờ, độc giả gọi loại truyện mà Thế Lữ viết một cách say sưa và đầy hứng thú ấy là truyện rùng rợn. Sau này, thể loại ấy mới định danh một cách khoa học và hợp thời là truyện kinh dị.
Một số tác phẩm kinh dị của Thế Lữ được xuất bản và tái bản. |
Nhà thơ Phạm Đình Ân, tác giả công trình nghiên cứu “Thế Lữ - tác gia và tác phẩm” khẳng định: "Truyện kinh dị Thế Lữ là những tác phẩm văn xuôi mang tính nghệ thuật, có một vẻ đẹp riêng và hấp dẫn, cho thấy một khía cạnh khác đáng lưu ý ở tài năng Thế Lữ. Truyện kinh dị Thế Lữ cũng có chất thơ, chất lãng mạn, xen kẽ các chi tiết và ẩn vào bên trong, không cần theo đuổi những yêu cầu của thể loại. Tác giả không nghiêng về việc tìm hiểu, mô tả, khoe hay giãi bày kiến thức."
Điều mà độc giả thời bấy giờ đọc được trong văn kể chuyện rùng rợn của Thế Lữ không chỉ là cảm giác sợ hãi mà hơn thế, là vượt qua cả trí tưởng tượng, khơi dậy liên tưởng vượt thoát ra khỏi hiện thực thông thường. Thử đọc những truyện trong Vàng và máu hay những truyện trong tập Ba hồi kinh dị như Một Truyện Ghê Gớm, Những Tiếng Nói Thầm, Tiếng Hú Ban Đêm sẽ thấy ngay từ lúc họa ra những nguyên cớ đầu tiên cho các truyện ngắn của mình, Thế Lữ cũng đồng thời đã có sẵn trong đầu điệp trùng những diễn biến mà ông dự tính sẽ kéo bằng được độc giả cùng bước vào thế giới kinh dị mà ông tạo lập nên.
Nhà phê bình văn học Văn Giá gọi đó là cách “chơi” kỹ thuật đắc địa của một người viết văn xuôi tài ba: "Vốn tôn sùng tinh thần duy lý khoa học của phương Tây, Thế Lữ “chơi” hai kỹ thuật quan trọng trong viết truyện kinh dị: kỹ thuật đầu tiên là dựa vào thủ pháp cốt truyện tìm biết, nêu ra một trường hợp, sau đó dẫn người đọc đi qua các nhầm lẫn, cuối cùng mở ra ở phần kết. Ban đầu ông giấu người đọc bằng cách phủ lên đó những màn sương huyền thoại, sự lạc lối, yếu tố kinh dị nhưng cuối cùng khi kết thúc bao giờ cũng được giải thích khoa học, rất rõ ràng. Ông sử dụng yếu tố kinh dị đắc địa ở chỗ là những chi tiết rùng rợn, khiến bạn đọc nổi gai, đánh vào cảm giác rùng rợnm sợ hãi, gia tăng sự hấp dẫn, kéo người đọc theo dõi câu chuyện và cuối cùng hóa giải ở phần cuối. Hai ngón nghề ấy kết hợp lại với nhau tạo nên sự hấp dẫn cho truyện kinh dị của nhà thơ Thế Lữ."
Biết tận dụng khả năng hành văn cũng như lợi thế tri thức, nhà thơ Thế Lữ đã điều tiết sao cho những trang văn kinh dị của mình hấp dẫn độc giả nhưng không quá xa rời đời sống. Bên cạnh những truyện kinh dị đường rừng đầy phiêu lưu, mạo hiểm và rùng rợn, những truyện được kể với đại từ nhân xưng “tôi”, tức là tác giả sắm vai một trong những nhân vật chứng kiến sự lạ thường và ghê sợ cũng lôi cuốn không kém.
Tiêu biểu có thể kể tới truyện Ma xuống thang gác hay truyện dài Trại Bồ Tùng Linh. Truyện Con châu chấu tre cũng là một truyện hay. Truyện dựng lên một vụ án mạng đầy bí ẩn mà đến cả cậu bé chứng kiến sự rùng rợn ấy cũng cho là bí hiểm, ma quái. Thế nhưng, khi màn sương huyền ảo được chính cậu bé nhà quê ấy phát hiện ra, rằng cái chết của người đàn ông là một tai nạn không may do chính ông ta tự gây nên thì người ta lại không tin, lại vẫn cho rằng có yếu tố ma quái trong đó. Thì ra, cái ấn định về sự rùng rợn, kinh hãi không thuộc về thế giới dương gian vẫn luôn làm người ta khiếp sợ. Và những chuyện khiếp sợ như vậy đi vào văn chương lại muôn đời khiến độc giả say mê mới lạ kỳ.
Nhưng cái hay của Thế Lữ, theo nhà phê bình văn học Văn Giá là là ông biết “điểm dừng” cho những sáng tạo của mình: "Thế Lữ không muốn đẩy người đọc chìm vào thế giới kinh dị, rùng rợn, li kỳ, bất ngờ, bí hiểm mà sau khi kéo người đọc vào thế giới đó thì ông thức tỉnh họ bằng nhận thức khoa học. Đây là điều rất hay vì ông quan niệm chỉ như vậy con người và xã hội mới có tiến bộ. Vì chừng nào con người chìm đắm trong mộng mị, kinh dị, ma quỷ, đồng nhất với thế giới tự nhiên hoang dã thì không có tiến bộ. Đây là điểm rất đáng ghi nhận của truyện kinh dị của Thế Lữ, một trí thức Tây học."
Có tài quan sát, có óc phân tích sắc bén, trí tưởng tượng dồi dào, Thế Lữ bước chân vào làng văn, làng thơ trước hết ở thể loại truyện kinh dị. Con đường ông đi chệch hẳn với đường hướng tiểu thuyết Tự lực văn đoàn thời đó, vốn là chuyện phong tục, tình cảm. Thế Lữ không đi vào con đường chung đó. Ông viết truyện kinh dị, rồi sau này là truyện trinh thám, một mình một đường không bận lòng tới tới sự lẻ loi, chơ vơ của người không đi theo số đông.
Theo PGS.TS Văn Giá "điểm thống nhất giữa văn xuôi, thơ, phê bình Thế Lữ luôn luôn đóng vai trò người mở đường. Ông là người đầu tiên viết truyện trinh thám kinh dị với những Vàng và máu, Lê Phong – Mai Hương, Gói thuốc lá. Trong thể loại này Thế Lữ có vai trò dẫn đầu và mở đường."
Trong Lời tựa của tập “Vàng và máu”, nhà văn Khái Hưng viết: “Tôi mong mỏi sẽ có những nhà văn dung hợp được văn phương Tây với văn Á Đông để gây được một lối văn viết theo lối khoa học mà vẫn giữ được thi vị. Nhà văn đó ngày nay đã có: chính là Thế Lữ, thi sĩ của Tự lực văn đoàn. Thực vậy, tác giả những truyện Vàng và máu và Một đêm trăng đã tỏ ra có óc khoa học của Edgar Poe (Ét – ga Pô) và tâm hồn thi sĩ của Bồ Tùng Linh, hai nhà văn viết những truyện ghê gớm huyễn hoặc làm cho độc giả yếu bóng vía phải rùng mình lúc đêm khuya”.
Nhiều người cho rằng tài năng viết truyện kinh dị của Thế Lữ “trên cơ” những tay “bỉnh bút” cùng thời như Lan Khai, Tchya - Đái Đức Tuấn. Mỗi người một phong cách nhưng có thể nói, văn xuôi Thế Lữ, trong đó có truyện kinh dị, mở ra một khuynh hướng mới của văn chương Tự lực văn đoàn; mà về sau, thời buổi này khó tìm được một cây bút tiếp nối được tinh thần và năng lượng viết ấy.