Ưu Bà Phạm Thị Trân – Người khai sinh nghệ thuật chèo

(VOV5) - Lâu nay giới nghệ thuật biểu diễn nước ta vẫn coi Ưu Bà Phạm Thị Trân là bà tổ đầu tiên của sân khấu.

Thế nhưng những thông tin, tư liệu về cuộc đời và công trạng của bà vẫn chưa thật phong phú và phổ truyền rộng rãi trong công chúng.

Mới đây, tại thành phố Hoa Lư, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tổ chức Hội thảo khoa học “Thân thế, sự nghiệp Ưu Bà Phạm Thị Trân”.

Ưu Bà Phạm Thị Trân – Người khai sinh nghệ thuật chèo - ảnh 1Quang cảnh hội thảo

Các nhà quản lý văn hóa, các nghệ sĩ, nhà văn, nhà nghiên cứu đã trình bày và khẳng định những phát hiện, nghiên cứu về bà tổ đầu tiên của sân khấu nước ta. Các nghiên cứu này gắn công trạng của bà trong bối cảnh lịch sử thế kỷ 10 – Thời vua Đinh Tiên Hoàng.

Dựa trên các tư liệu liên quan đến nghệ thuật biểu diễn truyền thống, đặc biệt là bản văn tế tổ sân khấu đã lưu truyền nhiều đời nay NSND Lê Tiến Thọ cho rằng Thiên đình cửu thiên huyền nữ Phạm Thị Trân là người đầu tiên được xướng tên trong văn tế. Bà là người phụ nữ tài năng ưu tú được giới nghệ sĩ tôn vinh là Cửu thiên huyền nữ thành nương, xứng đáng được giới nghệ thuật biểu diễn tôn vinh là tổ nghề của ngành sân khấu nước ta.

Tiếp cận cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của bà Phạm Thị Trân từ góc nhìn về vị thế của nghệ thuật hát chèo thời vua Đinh Tiên Hoàng là nghiên cứu của Viện nhân học Văn hóa. Từ đây, Phó Viện trưởng Nguyễn Văn Sơn khẳng định vai trò Hoàng đế của Đinh Bộ Lĩnh gắn liền với vùng đất Hoa Lư và tổ sư nghề hát chèo Phạm Thị Trân, đưa hình thức nghệ thuật này trở thành giá trị bất tử trong lịch sử văn hóa Việt.

Những năm qua, thông qua nghiên cứu lịch sử và điền dã, Nhà văn, nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục đã giải mã nhiều câu chuyện, hiện tượng, nhân vật lịch sử. Ông cũng đã dành nhiều thời gian để tìm về với Thái Bình - quê hương của tổ nghề hát chèo - Ưu Bà Phạm Thị Trân.

Nhiều tham luận tại hội thảo khoa học “Thân thế, sự nghiệp Ưu Bà Phạm Thị Trân” trở đi trở lại với câu hỏi vùng đất nào mới thực sự là quê hương bà tổ đầu tiên của sân khấu nước ta. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Đinh Thiên Hương, điều quan trọng nhất mà hội thảo cũng như công chúng cần nhận thấy rõ là thông qua cuộc đời và công trạng của bà Phạm Thị Trân cho thấy tài năng, vị thế của phụ nữ trong lịch sử ngàn năm của đất nước.

Tìm về với cội nguồn văn hóa Ninh Bình, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn thấy được vị thế trực tiếp khơi nguồn nghệ thuật biểu diễn cung đình của bà Phạm Thị Trân. Từ đây ông cũng mong muốn sưu tầm thêm các thư tịch cổ để trình ra những nghiên cứu, xác tín mang tính lịch sử cho thấy sự ghi nhận về vị tổ nghề sân khấu đầu tiên.

Nhà nghiên cứu trẻ Thái Hải Đăng đến với hội thảo khoa học “Thân thế, sự nghiệp Ưu Bà Phạm Thị Trân” với tâm thế muốn tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời và hành trình nghệ thuật của bà tổ nghề sân khấu. Thực tế cho thấy hiểu biết của công chúng về cuộc đời, sự nghiệp của bà tổ đầu tiên của ngành sân khấu chưa thực sự phong phú.
Theo bước chân người mở lối hành trình khai sinh nghệ thuật chèo, Thái Hải Đăng hi vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều hoạt động phổ truyền và khẳng định di sản của Ưu Bà Phạm Thị Trân.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác