(VOV5) - Chương trình “Ca khúc Việt lời Nga” giới thiệu những bài hát Việt đi cùng năm tháng được nhà giáo ưu tú, nhà thơ, dịch giả Lê Đức Mẫn chuyển ngữ sang tiếng Nga, sẽ diễn ra vào ngày 10/5/2025.
Chương trình diễn ra từ 14:30 đến 17:00, tại Hội trường A1 của Trường Đại học Hà Nội.
Dịch bài hát từ tiếng nước ngoài, trong đó có tiếng Nga sang tiếng Việt thì có nhiều người đã làm, nhưng dịch bài hát từ tiếng Việt sang tiếng Nga có lẽ chỉ mình ông- thày giáo, nhà thơ, dịch giả Lê Đức Mẫn đã và đang làm.
Ông tâm sự: “Tôi là người có đôi chút hiểu biết và có tình yêu đối với hoạt động giáo dục, văn hóa nói chung, đối với thi ca, ngôn ngữ, tiếng Việt tiếng Nga, và cũng yêu đàn, hát. Trong suốt cuộc đời mình tôi chỉ ngồi một chỗ để dạy học, làm thơ, dịch sách và giao lưu cùng các bạn đồng nghiệp, các em học trò cũ và mới. Mấy năm nay ở tuổi U90 tôi chuyên tâm tìm dịch lời các bài hát Việt sang tiếng Nga. Tôi nghĩ, chúng ta đã dịch sang tiếng Việt hàng trăm, hàng nghìn bài hát của các nước khác để chúng ta hòa đồng và tiếp thu những tinh hoa âm nhạc thế giới. Nhưng chiều ngược lại thì mới có rất ít…”
Cho đến nay, số lượng ca khúc Việt được dịch giả Lê Đức Mẫn sang tiếng Nga (trong suốt 30 năm qua) đã vượt qua con số 60 và chắc chắn sẽ không dừng lại ở đó. Các ca khúc được ông dịch lời sang tiếng Nga gồm những bài hát do nhiều nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam sáng tác, giai điệu đã quen thuộc với công chúng, từ những ca khúc tiền chiến, ca khúc cách mạng, trữ tình, tới các ca khúc đang được giới trẻ ưu chuộng hiện nay; như: Bài ca Hồ Chí Minh, Đêm qua em mơ gặp Bác, Bài ca hy vọng, Tiến về Hà Nội, Đoàn vệ quốc quân, Cô láng giềng, Tình ca, Tình ca Tây Bắc, Thuyền và biển, Em còn nhớ hay em đã quên, Hà Nội mùa thu, Bụi phấn, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, Mùa xuân đầu tiên, Nối vòng tay lớn, Trái đất này là của chúng mình, Xin chào Việt Nam, Một vòng Việt Nam, Tái sinh…
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Nga (30/1/1950-30/1/2025), kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 và Chiến thắng Phát xít 9/5, nhóm cựu sinh viên Khoa Tiếng Nga phối hợp với các đơn vị của HANU tổ chức Chương trình “Ca khúc Việt lời Nga” nhằm giới thiệu những bài hát Việt đi cùng năm tháng được thầy giáo Lê Đức Mẫn chuyển ngữ sang tiếng Nga. Chương trình hoàn toàn do các học trò của ông cùng nhau xây dựng.
Nhà giáo ưu tú, dịch giả Lê Đức Mẫn sinh năm 1941, tại Duy Tiên, Hà Nam. Ông vốn ham học từ nhỏ. Thuở bé được bố dạy một ít chữ Nho, lớn lên học tiếng Pháp ở Hà Nội. Năm 1960, ông theo học tiếng Nga tại Khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Học xong, ông về trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường Đại học Hà Nội - HANU) giảng dạy và gắn bó với ngôi trường này từ năm 1966 cho đến khi nghỉ hưu (năm 2002).
Ông dành tình yêu lớn cho ngôn ngữ Nga và tiếng mẹ đẻ. Là một dịch giả, ông luôn cẩn trọng, trau chuốt từng câu chữ, tìm ra cái hồn cốt của nguyên bản và sử dụng điêu luyện ngôn ngữ mẹ đẻ để truyền đạt. Ông cho rằng, để chuyển ngữ được một tác phẩm, người dịch phải có đủ 4 yếu tố: Trình độ ngoại ngữ, sự am hiểu tiếng mẹ đẻ, nền tảng văn hóa và kỹ năng nghề dịch. Thiếu một trong bốn yếu tố đó thì khó có một tác phẩm dịch thành công.
Cho đến nay, dịch giả Lê Đức Mẫn đã biên dịch hơn 40 tác phẩm văn học Nga sang tiếng Việt, trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng, như Trường ca “Ác quỷ” (Mikhail Lermontov), nhiều tác phẩm của Dostoievski, Anna Karenina (Tolstoi), “Và nơi đây bình minh yên tĩnh” (Boris Vasilyev); “Những người thích đùa” (Azit Nexin) của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng dịch từ tiếng Nga, “Giáo đoàn nhà thờ” (Nikolai Leskov), cùng nhiều bài thơ của A.Pushkin và nhiều tác giả khác.
Năm 2017, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải thưởng lớn nhất về dịch thuật cho dịch giả Lê Đức Mẫn, với vở kịch thơ gồm tới 5000 câu “Khổ vì trí tuệ” của tác giả người Nga Aleksandr Griboedov (1795 - 1829).
Nhà giáo ưu tú, nhà thơ, dịch giả Lê Đức Mẫn là người thầy đặc biệt đối với rất nhiều thế hệ học trò tại Khoa tiếng Nga, trường Đại học Hà Nội. Hơn 35 năm giảng dạy tiếng Nga cho biết bao thế hệ học trò, nhà giáo Lê Đức Mẫn được yêu mến bởi vì vốn kiến thức tiếng Nga chuyên sâu và kỹ năng giảng bài hấp dẫn.
Chương trình ca nhạc lần này được các thế hệ học trò của ông tổ chức, không chỉ là lời tri ân với người thày kính yêumà còn hy vọng mang tới cho công chúng một sự kiện văn hóa chất lượng.
“Quả thực, vốn am hiểu văn hoá, tâm hồn thi sĩ nhạy cảm, lãng mạn, tinh thần lao động không biết mệt mỏi đã tạo nên một Lê Đức Mẫn luôn trân trọng vẻ đẹp và nâng niu ngôn ngữ tiếng Việt. Trong ông hội tụ một cách đồng điệu ba con người tài năng – nhà giáo, nhà thơ và dịch giả...” - Đó là chia sẻ của nhà nghiên cứu, giảng viên Báo chí Truyền thông Nguyễn Minh Tuấn trong bài viết của anh về thầy Lê Đức Mẫn.