Làng cổ Hùng Lô: nơi lưu giữ nét văn hóa truyền thống gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

(VOV5) - Hùng Lô không chỉ mang trong mình sự yên ả, thanh bình của 1 làng quê Việt, mà ở đó còn mang đậm dấu ấn văn hóa thời đại Hùng Vương.

Trên đường hành hương về đất Tổ Hùng Vương, người dân và du khách thường tới thăm làng Hùng Lô, ngôi làng cổ hơn 300 năm tuổi năm bên bờ sông Lô. Nơi đây là quần thể di tích có giá trị về lịch sử và văn hóa lâu đời, gắn liền với những huyền tích từ thời Hùng Vương cũng như tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nghệ thuật hát Xoan cổ.

Làng cổ Hùng Lô: nơi lưu giữ nét văn hóa truyền thống  gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - ảnh 1 Quần thể di tích Đình Hùng Lô. Ảnh: baophutho.vn

Từ thời Hùng Vương (thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ 2 trước công nguyên), làng Hùng Lô có tên gọi Trang Khả Lãm, là một trong những vùng đất trù phú nằm bên dòng sông Lô, thuộc kinh đô Văn Lang. Trải qua thời gian, làng có tên: Làng Xốm, làng An Lãm, làng An Lão và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làng được đổi tên thành xã Hùng Lô. Nơi đây mang đậm nét đặc trưng của làng quê Việt cổ, trong đó, nổi bật nhất là đình Hùng Lô.

Các bậc cao niên trong làng kể lại, Trang Khả Lãm từng là nơi Vua Hùng cùng Công chúa và các quần thần dừng chân nghỉ ngơi trong một chuyến du ngoạn. Vua thấy nơi này trù phú, cây cối tốt tươi, lại có khí thiêng từ lòng đất nên cho rằng đây là chốn địa linh. Về sau dân làng dựng lên ngôi miếu thờ Vua Hùng để đời đời nhớ ơn Vương tổ. Đến đời vua Lê Hy Tông (1697), đình Hùng Lô được xây dựng hướng về núi Nghĩa Lĩnh. Từ đó, làng Hùng Lô có 1 quần thể miếu đình cổ kính với niên đại trên 300 năm tuổi.

Ông Nguyễn Văn Tòng, Thủ từ đình Hùng Lô, cho biết: "Miếu cổ Hùng Lô thờ Vua Hùng Vương, 3 vị Ất Sơn, Thánh Vương Viễn Sơn, Áp đạo quan Đại Vương. Ở đây là 1 quần thể có miếu, đình, nhà văn chỉ, nhà yến lão, nhà tiền tế và bệ thờ Thần Nông để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân làng được làm ăn no đủ. Đình Hùng Lô được 11 sắc phong, các triều Vua như: Quang Trung, Gia Long, Thiệu Trị, Tự Đức… Bây giờ vẫn còn giữ nguyên vẹn để truyền lại cho con cháu sau này."

Làng cổ Hùng Lô: nơi lưu giữ nét văn hóa truyền thống  gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - ảnh 2Sản phẩm du lịch "Hát xoan làng cổ" tại xã Hùng Lô, Việt Trì, Phú Thọ. Ảnh: VOV

Trải qua thăng trầm lịch sử, nơi đây vẫn bảo tồn được gần như nguyên vẹn kiến trúc cổ và được công nhân là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1990. Đến đây, du khách sẽ cảm nhận được nét cổ kính và dấu ấn thời gian qua lớp rêu phong trên cổng đình, hoa văn trang trí, mái ngói… Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ được hệ thống các đồ thờ tự phục vụ cho nghi lễ thờ cúng đầy đủ nhất, đặc biệt là hệ thống 43 câu đối cổ ca ngợi cảnh sắc quê hương và công đức vua Hùng.

 Chị Lã Thị Hồng Thùy, cán bộ văn hóa xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, cho biết: "Đình Hùng Lô được ví như bảo tàng thu nhỏ giữ nhiều cổ vật, bảo vật quý giá, trong đó phải kể đến 5 cỗ kiệu sơn son thếp vàng lộng lẫy. Cỗ kiệu này được dùng để rước hương đăng đẳng vật, là sản phẩm đặc trưng của địa phương dâng lên Đền Hùng trong dịp Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 cũng như lễ hội làng Hùng Lô. Hùng Lô là làng nổi tiếng về truyền thống rước kiệu từ xưa tới nay. Nhiều năm liền, làng Hùng Lô liên tiếp giành được giải Nhất. Năm 1918, Hùng Lô đã được Vua triều Nguyễn tặng cho tấm biển đề chữ “Hùng Lô kỷ niệm Đệ nhất hội”."

Đình Hùng Lô từ bao đời nay gắn với đời sống văn hóa tâm linh của cư dân địa phương. Lễ hội làng Xốm đã có truyền thống lâu đời, mỗi năm tổ chức hai lần vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch và lễ tiệc Thánh hóa vào ngày 12/9 âm lịch. Nhưng, lớn nhất vẫn là lễ rước kiệu, dâng lễ vật về Đền Hùng vào ngày Giỗ Tổ. Nghi lễ rước kiệu của xã Hùng Lô cùng với việc lưu giữ các đồ thờ, cúng cổ tại đình làng thể hiện sự trân trọng của người dân nơi đây đối với lịch sử trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử, nhất là di sản gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Làng cổ Hùng Lô: nơi lưu giữ nét văn hóa truyền thống  gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - ảnh 3Khách quốc tế giao lưu cùng nghệ nhân hát xoan. Ảnh: baophutho.vn

Về Hùng Lô những ngày này, người dân và du khách gần xa càng cảm nhận rõ sự linh thiêng của ngôi làng cổ. Trong tiếng trống rộn rã, người dân nô nức đi trảy hội, 1 lòng thành kính hướng về đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, tri ân công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước.

Đình Hùng Lô vừa là không gian gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, cũng đồng thời là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa lễ hội, hát Xoan, loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc vùng đất Tổ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là 1 trong 4 phường Xoan gốc của tỉnh Phú Thọ vẫn gìn giữ và lưu truyền lối hát Xoan cổ.   

Tại không gian cổ kính của các ngôi đình, miếu, từ tiếng trống, tiếng phách rộn ràng đến lời hát, tay múa, chân đưa uyển chuyển của các đào-kép Xoan đã tạo nên không gian văn hóa đậm chất làng quê Việt Nam. Chị Phùng Thị Hoa Lê, Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, cho biết: "Khi đến với làng cổ Hùng Lô, du khách sẽ được tham quan, thưởng thức một chương trình nghệ thuật hát Xoan hoàn chỉnh gồm ba chặng hát: hát thờ, hát quả cách và hát hội để du khách hiểu được nét văn hóa có nguồn gốc từ thời đại Hùng Vương. Lối hát rất mộc mạc không có âm nhạc, chỉ có trống và phách, tay múa chân đưa để làm nên điệu hát Xoan mượt mà."

Ngoài ngôi đình cổ kính hơn 300 năm tuổi, làng Hùng Lô có khoảng 50 ngồi nhà có niên đại hàng trăm năm tuổi. Những ngôi nhà gỗ, tre, nứa, mái ngói được chạm khắc các biểu tượng như long, ly, quy, phượng, tùng, cúc, trúc, mai với những kiến trúc độc đáo, mang đậm kiến trúc của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. Ông Lã Tiến Boong, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Lô, cho biết: "UBND xã thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân gìn giữ các nét truyền thống. Bên cạnh việc duy trì và phát triển làng nghề để phát triển kinh tế, hiện nay xã cũng đang duy trì và bảo tồn rất tốt, gìn giữ các ngôi nhà cổ."

Hùng Lô không chỉ mang trong mình sự yên ả, thanh bình của 1 làng quê Việt, mà ở đó còn mang đậm dấu ấn văn hóa thời đại Hùng Vương. Tất cả vẫn luôn được người dân địa phương gìn giữ và bảo tồn qua năm tháng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác