(VOV5) - Việt Nam đang ở vào thời điểm phát triển có tính bước ngoặt, với khát vọng “vượt qua bẫy thu nhập trung bình thấp”...
Thời gian qua, dịch Covid-19 tác động đến nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, mảng thương mại điện tử lại có bước phát triển mạnh mẽ, kéo theo sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, thì mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới chính là kênh hữu hiệu nhất giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận các nhà nhập khẩu thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, thương mại điện tử ở Việt Nam cũng gặp không ít thách thức, phải điều chỉnh phù hợp cho sự bứt phá giai đoạn tới.
Ảnh minh họa
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo dự báo, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam đã và đang giữ mức tăng trưởng ổn định với 30% trong một năm và ước tính đạt 13 tỷ USD trong năm 2020. Với tốc độ phát triển ngày càng mạnh mẽ, thương mại điện tử đang ngày càng chiếm vị thế quan trọng hơn đối với các doanh nghiệp.
Ông Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng, Viện kinh tế Việt Nam cho biết, đại dịch covid 19 gần đây đã và đang có tác động sâu sắc đối với nền kinh tế thế giới và có tác động đối với nền kinh tế Việt Nam. Đáng lưu ý là đại dịch có tác động phần lớn là tiêu cực, song cũng có những tác động tích cực lên nền kinh tế- thương mại điện tử và một số ngành khác phục vụ khách hàng không qua tiếp xúc giữa người và người, phục vụ cách ly, dãn cách xã hội … là những ngành được hưởng lợi từ cuộc đại dịch này. Đặc biệt, chính đại dịch đã tạo ra những cú huých mạnh mẽ thúc đẩy doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động thương mại điện tử
Theo ông Lê Xuân Sang: "Việt Nam có tiềm năng là khá lớn, do chúng ta có tiền lệ dân số trẻ khá cao, xu hướng tiêu dùng cận biên là tương đối lớn và đặc biệt có những cái nền tảng về thiết bị di động, hệ thống Internet viễn thông tương đối phát triển. Tuy nhiên, với nhiều bất cập cố hữu của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hiệu quả của việc phát triển thương mại điện tử nói chung và nâng cao sức cạnh tranh doanh nghiệp thông qua phát triển thương mại điện tử nói riêng, phụ thuộc nhiều vào hiệu quả và hiệu lực của khung pháp lý và chính sách của Nhà nước và sự năng động chủ động cũng như trình độ quản trị của chính các doanh nghiệp Việt Nam".
Thực tế hiện tỷ lệ các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử vẫn còn thấp, phát triển ngành này chỉ tập trung ở các doanh nghiệp có quy mô lớn và một số ngành nghề. Để phát triển mạnh thương mại điện tử trong thời gian tới, Việt Nam đang đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về thương mại điện tử đảm bảo đồng bộ, thống nhất khi áp dụng vào thực tiễn. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý và cơ chế chính sách trong vấn đề bảo vệ người tiêu dùng về thương mại điện tử.
PGS TS Nguyễn Thường Lạng, Viện thương mại và kinh tế quốc tế (Đại học KTQD Hà Nội), khẳng định: "Hiện tại, theo tôi, hệ thống quản trị của Việt Nam đã tiếp cận dần với những tiến bộ của thương mại kỹ thuật số, thương mại điện tử của thế giới. Tuy nhiên, thể chế quản trị thương mại của Việt Nam chậm hơn so với thực tiễn diễn ra, khi công nghệ phát triển nhanh chóng. Cho nên tôi cho rằng phải có sự đón đầu, cải cách, làm thay đổi hệ thống thương mại truyền thống với những giá trị tồn dư của kiểu quản lý cũ, sang một hệ thống quản lý hiện đại thông minh dựa trên hệ sinh thái đồng bộ. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào năng lực của người Việt Nam rất giỏi về lĩnh vực kỹ thuật số này dù mình có đi chậm hơn các nước".
Riêng đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần xây dựng được uy tín với khách hàng, phải xử lý nhanh các vụ khiếu nại, tranh chấp khi xảy ra…, từ đó tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương)
|
Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương, cho biết: "Chúng tôi đang phối hợp với Sở Công thương với nhiều các đơn vị để thúc đẩy việc đưa doanh nghiệp sản xuất Việt Nam lên trên các hệ thống sàn thương mại tử. Đây là điểm nhấn trong năm 2020 là Cục thương mại và kinh tế số sẽ thúc đẩy gian hàng quốc gia đảm bảo trên các sàn thương mại điện tử để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất trong nước".
Việt Nam đã có một số khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực phát triển thương mại điện tử, giúp cho lĩnh vực này có tốc độ phát triển nhanh chóng trong những năm vừa qua. Quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến qua các năm có tốc độ tăng trưởng ổn định. Trong thời gian tới, phát triển thương mại điện tử phải được đặt trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Do đó, nâng cấp và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử là yêu cầu đặt ra đối với nền kinh tế.
Việc tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số là một quá trình với rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải vùa “thoát cũ” vừa “xây mới”. Việt Nam đang ở vào thời điểm phát triển có tính bước ngoặt, với khát vọng “vượt qua bẫy thu nhập trung bình thấp” để nhanh chóng bắt kịp và tiến cùng thời đại. Việt Nam đang sở hữu những tiền đề rất cơ bản, dù chưa đầy đủ và hoàn chỉnh, để thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy kinh tế số, tạo đột phá tăng trưởng và phát triển.