Tại Lai Châu, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã, đang khởi nghiệp bằng những ý tưởng, mô hình sáng tạo, gắn với phát triển kinh tế số. Hiệu quả của các mô hình này đã giúp nhiều hộ gia đình xoá đói, giảm nghèo và góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn.
Sau thời gian dài tìm kiếm kiến thức trên mạng internet và truyền thông, cách đây 2 năm (năm 2023) anh Giàng A Chứ, dân tộc Mông, ở xã biên giới Dào San, huyện Phong Thổ, đã mạnh dạn chuyển hơn 5.000 mét vuông đất trồng lúa sang trồng cây dâu tây. Nhờ sự chăm sóc và cây trồng hợp khí hậu, thổ nhưỡng, ruộng dâu tây phát triển tốt. Gần 2 năm nay, vườn dâu cho thu nhập gấp gần chục lần so với trồng lúa trước đây. Việc sáng tạo, khởi nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương mình đã giúp gia đình anh không chỉ thoát được nghèo, mà còn vươn lên trở thành hộ khá giả ở địa phương.
Anh Giàng A Chứ chia sẻ: "Trước đây, đất của mình là đất trồng lúa, chỉ trồng 1 vụ thôi, chẳng thu nhập được bao nhiêu, cho nên mình đã học hỏi áp dụng vào trồng cây dâu tây. Cây dâu tây rất phù hợp với khí hậu, gia đình trồng tự nhiên, không có phân bón hóa học mà chỉ cho một tí phân chuồng và đánh luống cao nên quả không bám đất, rất là sạch. Đến mùa dâu tây ra hoa, gia đình cũng tận dụng nuôi ong lấy mật và phấn hoa".
Khởi nghiệp từ trồng dâu tây, gia đình anh Giàng A Chứ ở xã Dào San (Phong Thổ) không chỉ thoát được nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ khá giả ở bản - Ảnh: Khắc Kiên/VOV |
Tại xã biên giới Bản Lang, huyện Phong Thổ, nhận thấy tiềm năng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, năm ngoái, nhóm đoàn viên, thanh niên của xã đã góp vốn mua máy móc, công nghệ, thành lập Tổ hợp tác thanh niên Bản Lang. Nhờ làm tốt khâu quảng bá và sự hỗ trợ của tổ chức đoàn, hơn một năm nay, sản phẩm chuối sấy do Tổ hợp tác làm ra đã có mặt tại nhiều siêu thị trong nước, tạo việc làm thường xuyên và nguồn thu nhập ổn định cho hơn chục gia đình đoàn viên, thanh niên.
Anh Giàng A Phong, Bí thư Đoàn xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, cho biết: Tổ hợp tác thanh niên Bản Lang là mô hình khởi nghiệp sáng tạo thành công đầu tiên của đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Hoạt động của Tổ hợp tác không chỉ giúp bà con nông dân tiêu thụ được sản phẩm chuối, mà còn khơi dậy phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tại địa phương. Khi quả chuối trên địa bàn nhiều và việc tiêu thụ đang gặp khó khăn, các đoàn viên, thanh niên đã mạnh dạn thành lập nhóm và đề xuất mô hình để sấy chuối. Thứ nhất, là để có thể bảo quản được lâu hơn; thứ hai, là có thể di chuyển bán ở trên thị trường trong nước.
Năm ngoái, Tổ tư vấn thanh niên lập nghiệp thuộc Tỉnh đoàn Lai Châu đã tư vấn cho hơn 2.000 đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Nhiều nhóm được thành lập tại các xã, phường, thị trấn, trở thành diễn đàn tập hợp các đoàn viên, thanh niên tiêu biểu, truyền cảm hứng cho thanh niên hăng hái phát triển kinh tế. Chị Lù Thị Dua, Bí thư Đoàn xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, cho biết: "Trong 2 năm trở lại đây, phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp của đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã cũng có bước khởi sắc và đổi mới. Đoàn viên thanh niên đã biết ý thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng, như trồng cây sâm đương quy, cây ăn quả ôn đới, rồi chanh leo… Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên vay vốn cũng như hỗ trợ kỹ thuật, thành lập tổ hợp tác để cho đoàn viên, thanh niên có nhiều cơ hội trải nghiệm và giao lưu, mở rộng và phát triển mô hình".
Thanh niên Lai Châu khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế - Ảnh: Khắc Kiên/VOV |
Tại Lai Châu hiện nay có trên 200 mô hình đoàn viên, thanh niên làm kinh tế trị giá từ 100 triệu đồng trở lên, thuộc các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và kinh doanh dịch vụ du lịch. Các mô hình chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, với tổng giá trị hàng hóa dịch vụ từ 100 triệu (4.000 USD) đến 1 tỷ đồng (40.000 USD)/năm, mang lại lợi nhuận từ 50 triệu (2.000 USD) đến 200 triệu đồng (8.000 USD)/năm.
Chị Bế Thị Bằng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lai Châu, cho biết: Để giúp đoàn viên, thanh niên trên địa bàn lập nghiệp, khởi nghiệp hiệu quả, Tỉnh đoàn Lai Châu đã ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều tập đoàn, công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đến nay thanh niên trên địa bàn đã làm chủ 45/204 sản phẩm của chương trình Mỗi xã, phường 1 sản phẩm nông nghiệp (OCOP) 3 sao; có thị trường đầu ra ổn định trong và ngoài nước. Ban thường vụ Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nêu gương, truyền cảm hứng cho đoàn viên, thanh niên là những thanh niên tiêu biểu trong khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Tích cực ký kết các chương trình phối hợp để tạo nguồn vốn cho thanh niên, nỗ lực hoàn thành việc thành lập Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Qua đó, tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh, các chế độ ưu đãi của tỉnh để tạo đà cho thanh niên tiếp tục phát triển.
Câu chuyện về những thanh niên Lai Châu khởi nghiệp, lập nghiệp trong kỷ nguyên mới không chỉ là câu chuyện của sự nỗ lực cá nhân, mà còn là hình mẫu trong khởi nghiệp của thế hệ trẻ. Không chỉ vượt qua khó khăn, họ còn mạnh mẽ đón nhận cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0, đưa ra và áp dụng những ý tưởng khởi nghiệp vào thực tiễn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của quê hương.