(VOV5) - Thị xã Sơn Tây từ lâu đã nổi tiếng với sản phẩm bánh tẻ. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nghề làm bánh tẻ vẫn có chỗ đứng quan trọng và góp phần không nhỏ phát triển kinh tế địa phương.
Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 60 km, thị xã Sơn Tây từ lâu đã nổi tiếng với sản phẩm bánh tẻ. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nghề làm bánh tẻ vẫn có chỗ đứng quan trọng và góp phần không nhỏ phát triển kinh tế địa phương.
Sản xuất bánh tẻ tại gia đình bà Phạm Thị Bình, phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây.
|
Chúng tôi đến phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, ngoại thành Hà Nội vào một ngày cuối thu khi thời tiết đã bắt đầu se lạnh. Bà Phạm Thị Bình, chủ một cơ sở sản xuất bánh tẻ tại tổ dân phố Phú Nhi 3, phường Phú Thịnh dẫn chúng tôi tham quan mô hình sản xuất bánh tẻ của gia đình bà. Những người thợ miệt mài làm việc, người thì chuẩn bị nguyên liệu, người lại đảm nhiệm xử lí nguyên liệu, người gói, người giao bánh thành phẩm …tất cả đều chăm chú và tập trung hết sức vào công việc mà mình đảm nhiệm. Cái se lạnh đầu đông như biến mất nhường chỗ cho không khí hối hả chuẩn bị hàng trong những ngày cuối năm, khi mà nhu cầu người dân đối với món bánh bình dị này đang tăng dần lên. Bà Bình cho biết : “Nguyên liệu chính để sản xuất bánh tẻ gồm gạo tẻ, thịt lợn, mộc nhĩ, lá dong, lá chuối. Người Phú Nhi luôn cẩn thận trong lựa chọn nguyên liệu để đảm bảo chất lượng của bánh. Từng thành phần đều được chọn kĩ”.
|
Gao để làm bánh phải là loại gạo tẻ ngon, không độ dẻo dính, gạo đã chuyển vụ như Khang dân, Bao thai hoặc gạo 84, không dùng gạo mới. Thường các hộ sản xuất chọn gạo để từ vụ trước. Gạo sau khi được nhặt bỏ hạt kém chất lượng, tạp chất được vo sạch và cho vào nước ngâm ở nhiệt độ thường trong thời gian 3 – 4 ngày, thay nước hằng ngày để tránh chua. Sau đó là đến công đoạn xay: “Xay gạo thành bột và ngâm bột trong 3 ngày (vào mùa hè) và 5 ngày (vào mùa đông) cho thật mềm, dẻo. Chúng tôi phải thay nước mỗi ngày 1 lần vào mùa đông, 2 lần mỗi ngày vào mùa hè. Có một điểm đặc biệt mà chúng tôi luôn tuân thủ, đó là dùng phải là nước máy đã được chứa trong bể mà không dùng nước máy trực tiếp để đảm bảo việc khử trùng hoặc nước giếng khơi đã qua bể lọc”, bà Bình nhấn mạnh.
Công đoạn chuẩn bị nhân bánh cũng khá cầu kì và tốn nhiều thời gian. Theo bà Bình, để làm nhân bánh, cần chuẩn bị thịt lợn và mộc nhĩ: “Thịt chọn loại ngon, đảm bảo độ dính, luộc bỏ nước để ráo, thái con chì. Chúng tôi thường chọn thịt ba chỉ, thịt sấn vai, thịt sấn mông. Mộc nhĩ ngâm nở đều, cắt hết chân, rửa sạch và thái chỉ, sau đó mang rửa lại để ráo nước. Để nhân ngon còn phải có hành. Hành củ ta, bóc vỏ, thái nhỏ, phi thơm”.
Nhìn những người thợ thoăn thoắt xào nhân trên bếp mới thấy được sự tỉ mẩn và cẩn trọng của họ. Rang thịt đã thái chỉ cùng với hành khô trong chảo phải thật đều tay và rang cho đến khi cháy cạnh thì mới nêm mắm, bột canh, mì chính, hạt tiêu. Sau đó lại tiếp tục cho mỡ, hành khô và mọc nhĩ vào xào, nêm mắm, bột canh, mì chính, hạt tiêu vừa đủ đến khi mọc nhĩ xoăn là được.
Bánh tẻ Phú Nhi luôn là một trong những món quà không thể thiếu đối với du khách thập phương. (Ảnh Happy mart)
|
Sức sống nghề truyền thống
Nghề làm bánh tẻ tại Phú Thịnh, Sơn Tây đã có từ hàng trăm năm qua. Tuy có những giai đoạn thăng trầm xong nghề truyền thống vẫn được duy trì và phát triển. Hiện tại, Phú Thượng có khoảng 30 hộ gia đình đang làm bánh. Trên thực tế người làm nghề vẫn gặp rất nhiều khó khăn như sản xuất quy mô nhỏ lẻ, tiêu thụ tại địa phương và các vùng lân cận hoặc phụ thuộc thương lái, giá cả không ổn định, chất lượng bánh khó cạnh tranh trên thị trường… “Chúng tôi luôn mong muốn sản phẩm của mình được mọi người biết đến nhiều hơn nữa. Đặc biệt, nếu nghề làm bánh tẻ phát triển hơn thì sẽ giúp bà con địa phương cải thiện cuộc sống”, bà Bình cho biết thêm.
Hiện, sản phẩm bánh tẻ thường được bán ở các chợ quê, là món ăn dân dã để thưởng thức hàng ngày. Theo bà Bình, bánh được luộc và ăn trong ngày là ngon nhất. Tuy nhiên, nếu như bảo quản ngăn mát tủ lạnh từ 0-5 độ C thì có thể sử dụng trong 2 ngày đối với sản phẩm bánh sống hoặc bánh chín. Đặc biệt, thời hạn có thể lên tới 5 ngày đối với bánh đã hấp chín nếu bánh được bảo quản ngăn đá tủ lạnh dưới -10 độ C.
Bảo hộ nhãn hiệu tập thể
Năm 2007, làng nghề bánh tẻ Phú Nhi được công nhận là làng nghề truyền thống của thị xã Sơn Tây. Để bảo vệ danh tiếng và uy tín cho sản phẩm, tránh việc sử dụng sai thương hiệu, Hội nông dân phường Phú Thịnh đã tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm này. Năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Bánh tẻ Phú Nhi”. Tuy nhiên sau 10 năm vận hành, việc sử dụng nhãn hiệu tập thể “Bánh tẻ Phú Nhi” vẫn còn nhiều bất cập. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận thị trường tiêu thụ mới góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho các cơ sở sản xuất, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam phối hợp cùng với Hội Nông dân phường Phú Thịnh triển khai dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Bánh tẻ Phú Nhi” phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội”.
|
Tập huấn về sở hữu trí tuệ cho các hộ gia đình sản xuất bánh tẻ Phú Nhi.
|
Trong khuôn khổ dự án, để nâng cao năng lực cho chủ sở hữu nhãn hiệu, các cá nhân, tổ chức sử dụng nhãn hiệu; Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đã phối hợp cùng với Hội Nông dân phường Phú Thịnh đã tổ chức tập huấn với các nội dung. Qua các buổi tập huấn, các hộ sản xuất đã được các cơ quan chức năng hướng dẫn sử dụng nhãn hiệu sản phẩm cũng như hướng dẫn vận hành hệ thống quản lý nhãn hiệu tập thể “Bánh tẻ Phú Nhi”.
Nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động tiêu thụ sản phẩm, dự án đã thiết kế bao bì sản phẩm, hỗ trợ hệ thống truy xuất nguồn gốc QR code, in ấn thử nghiệm túi đóng gói sản phẩm nhằm quảng bá, giới thiệu thương hiệu; Thiết kế biển hiệu quảng cáo; Ngoài ra thực hiện hỗ trợ cho các cơ sở phân phối bán lẻ bánh tẻ Phú Nhi.
Thông qua nội dung này các hộ sản xuất sẽ có bao bì, tem, nhãn mác đẹp, thông tin rõ ràng; góp phần tạo điều kiện giúp đỡ các cơ sở sản xuất từng bước được mở rộng thị trường. Dự án đã triển khai kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm với một số đối tác tại Hà Nội và thị xã Sơn Tây như: Điểm dừng nghỉ Hải Thành – Quốc lộ 32 thị xã Sơn Tây... Ngoài ra Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đã triển khai kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm bánh tẻ Phú Nhi tới một số cơ sở như hệ thống siêu thị thực phẩm sạch Happy Mart...
Qua thực hiện dự án, bánh tẻ Phú Nhi đã có riêng nhãn hiệu, tem nhãn truy xuất để phân biệt với sản phẩm cùng loại của các địa phương khác. Người dân địa phương cũng bắt đầu thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tự phát sang hướng sản xuất hàng hóa, có sự liên kết giữa các thành phần kinh tế. Đồng thời dự án cũng hướng dẫn, khuyến khích sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần phát triển kinh tế địa phương và bảo tồn làng nghề truyền thống.