(VOV5) - Giảm sút đa dạng sinh học là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam.
“Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu” là chủ đề của Hội thảo do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam) phối hợp Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức sáng 20/06, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, giảm sút đa dạng sinh học là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam. Ô nhiễm và suy giảm chất lượng môi trường sống cũng đang diễn ra ở khu vực nông thôn. Việc giải quyết các thách thức này đòi hỏi nhiều nguồn lực khác nhau bên cạnh nguồn ngân sách từ Chính phủ. Xã hội hóa và huy động nguồn lực bên ngoài có thể góp phần hiện thực hóa các giải pháp môi trường. Chính vì vậy, nội dung xã hội hóa đã được thể hiện trong nhiều chủ trương, chính sách khác nhau về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên của Đảng và Nhà nước.
Hội thảo "Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu" - Ảnh: VGP/HG |
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia thảo luận một số nội dung như: Kinh nghiệm quốc tế về huy động nguồn lực, hỗ trợ, tài trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên; hiệu quả từ xã hội hóa cho bảo vệ và phát triển rừng: Bài học từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng...
Qua đó, đề xuất giải pháp xã hội hóa bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền giáo dục, vận động tham gia xã hội hóa; hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp liên quan đến xã hội hóa; đẩy mạnh xã hội hóa nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.