(VOV5) - Ngày Môi trường Thế giới hàng năm là dịp tất cả mọi người cùng nhìn lại, ghi nhận và thúc đẩy các hành động chung vì Hà Nội xanh sạch đẹp.
Thủ đô Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và khí hậu, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm không khí và sự suy giảm chất lượng không gian sống. Trước thực trạng đó, việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cùng nhau hành động để bảo vệ môi trường là vô cùng cấp thiết. Bởi chúng ta không chỉ làm việc này vì chính mình mà còn vì thế hệ tương lai. Một môi trường sống trong lành, một thành phố xanh, sạch không chỉ mang lại sức khỏe, hạnh phúc mà còn là di sản quý giá cho con cháu mai sau.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tại sự kiện Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 5/6/2024 với chủ đề “Chung tay hành động vì không khí sạch, thành phố Xanh”, Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cùng bày tỏ lo ngại về chất lượng không khí ở Hà Nội ngày càng bị suy giảm, đặc biệt những ngày gần đây. Theo Tiến sĩ Angela Prat và bà Ramla Khalidi, đó là một nguy cơ đáng kể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người dân Hà Nội.
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam tại lễ phát động hưởng ứng chung tay vì không khí sạch- Thành phố Xanh. Ảnh UNDP |
Bà Ramla Khalidi, trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam để cải thiện tình hình, Hà Nội cần ưu tiên thực hiện ngay các hành động quyết liệt giải quyết các nguồn gây ra ô nhiễm không khí. |
Nếu không hành động, tác hại đến sức khoẻ từ ô nhiễm không khí có thể đe doạ những thành tựu về tuổi thọ mà Việt Nam đã đạt được trong những thập kỷ gần đây. “Sáng nào tôi cũng kiểm tra chất lượng không khí Hà Nội. Và đó là nỗi buồn của tôi khi mà gần đây chúng ta liên tục nhận được những tín hiệu báo động về chất lượng không khí từ truyền thông, các nhà khoa học, chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách. Một Hà Nội xinh đẹp, xanh mát lại xuất hiện trong danh sách những thành phố có chất lượng không khí tồi tệ nhất. Theo ước tính của WB,, thiệt hại về kinh tế xã hội do ô nhiễm không khí ở Việt Nam lên đến 13 tỷ đôla Mỹ mỗi năm. Con số này tương đương với 4% GDP của đất nước.” Bà Ramla Khalidi nói:
“Ô nhiễm không khí đang gây ra những tác hại khôn lường cho sức khỏe. Cùng với đó, ô nhiễm không khí tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam chung đang là những thách thức cản trở sự phát triển mọi mặt đời sống và ảnh hưởng đến tham vọng đạt mục tiêu khí phát thải Netzero của Việt Nam”. TS Angela Pratt bày tỏ lo ngại.
WHO cảnh báo chất lượng không khí gần đây ở Hà Nội |
Theo bà Ramla Khalidi, để cải thiện tình hình, Hà Nội cần ưu tiên thực hiện các hành động quyết liệt để giải quyết các nguồn gây ra ô nhiễm không khí. Cùng với đó, chính phủ Việt Nam cần thúc đẩy việc chuyền đổi sang nguồn năng lượng tái tạo, phát triển nền kinh tế tuần hoàn và giải quyết vấn đề phát thải khí nhà theo cam kết quốc gia. Điều này cũng sẽ trực tiếp giải quyết các nguồn ô nhiễm không khí chính ảnh hưởng đến Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Ông Nguyễn Minh Tấn, Phó Giám đốc Sở tài nguyên và môi trường thành phố Hà Nội cho biết, kế hoạch mới của Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 cũng đã đưa ra những ưu tiên triển khai rõ ràng về vấn đề này: “Hợp tác giữa Hà Nội với UNDP, WHO…không chỉ có ý nghĩa với người dân Hà Nội mà còn đối với môi trường sống nói chung. Chúng ta làm việc này không chỉ cho bản thân chúng ta mà cho thế hệ tương lai. Một thành phố sạch không chỉ mang đến sức khỏe hạnh phúc và còn là di sản để lại cho con cháu sau này”.
UNDP, WHO và thành phố Hà Nội chung tay hưởng ứng các hành động vì Không khí sạch- thành phố Xanh. |
Các tổ chức quốc tế như UNDP, WHO... vẫn đang nỗ lực giúp Hà Nội cải thiện chất lượng không khí ở nhiều lĩnh vực hoạt động, trong đó bao gồm chuyển đổi năng lượng công bằng và hỗ trợ cam kết trung hòa khí thải của Việt Nam vào năm 2050, hoạt động về giao thông xanh, thúc đẩy xe điện về nền kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải, và thông qua đánh giá hàng năm về nhận thức của người dân về quản trị môi trường: “Chúng tôi vui mừng khi tiếp tục mở rộng hoạt động của mình về chất lượng không khí ví dụ như thông qua việc hợp tác với chính quyền địa phương và cộng đồng để thử nghiệm các cách tiếp cận sáng tạo nhằm giải quyết vấn đề đốt rác thải và phế phẩm nông nghiệp.( Bà Ramla Khalidi - trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam).
“Chúng ta cần tiếp tục lan tỏa và thúc đẩy những hành động bảo vệ môi trường thiết thực trong cộng đồng như: giảm thiểu sử dụng túi ni lông, phân loại và tái chế rác thải, trồng cây xanh, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, không vứt và đốt rác thải trái qui định”. (Đại diện sở tài nguyên và môi trường thành phố Hà Nội)
“Hãy tin tưởng vào sự ủng hộ hết mình và kiên định của WHO cho công việc này để đảm bảo quyền cơ bản được hít thở không khí sạch cho mọi người dân ở Hà Nội và hơn nữa là mọi ở khắp Việt Nam đều được hưởng, để cùng nhau chúng ta có thể tạo ra một tương lai tươi sáng hơn, xanh hơn, và khỏe mạnh hơn cho tất cả mọi người”. ( TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam)
Tại Hà Nội, Ngày Môi trường Thế giới hàng năm là dịp tất cả mọi người cùng nhìn lại, ghi nhận và thúc đẩy các hành động chung tay, nhằm hướng đến một thành phố xanh-sạch đẹp - Điểm đến hấp dẫn đối với du khách gần xa.