Châu Âu – một năm đầy biến động

(VOV5)- Năm 2015 là năm đầy biến động với châu Âu khi châu lục này phải đối mặt với một loạt bất ổn và thách thức nghiêm trọng nhất trong nửa thế kỷ qua. 

Châu Âu – một năm đầy biến động - ảnh 1
Hàng dài người di cư đang đi qua cánh đồng từ làng Rigonce tới trại tị nạn Brezice ngày 23/10/2015 tại Rigonce, Slovenia. (Ảnh: Jeff J Mitchell/Getty Images)



Đó là sự bất ổn về an ninh, sự chậm phục hồi của nền kinh tế, nguy cơ chia rẽ trong Liên minh châu Âu vì chưa tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết làn sóng người nhập cư. Tất cả những vấn đề đó tạo nên bối cảnh châu Âu đầy biến động. 


Châu Âu phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng có thể dẫn tới sự bất ổn ở cả bên trong và bên ngoài đường biên giới của châu lục này. Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Martin Schulz, thừa nhận rằng “một năm khởi đầu bằng sự sợ hãi và kết thúc bằng sự sợ hãi. Một năm của những cuộc khủng hoảng sâu sắc về kinh tế, xã hội, việc làm, một năm mà các quốc gia thành viên xa rời nhau chưa từng thấy.”.


Năm của các vụ tấn công khủng bố và khủng hoảng người tị nạn
Khủng bố và khủng hoảng người tị nạn là hai biến động lớn nhất tại châu Âu trong năm 2015 và có lẽ là kể từ Thế chiến II, là mối đe dọa nghiêm trọng nhất mà châu Âu phải đối mặt từ vài thập kỷ qua.


Pháp, đất nước với lá quốc kỳ 3 sắc biểu tượng cho Tự do-Bình đẳng-Bác ái, trở thành trung tâm của 2 cuộc tấn công khủng bố làm rúng động thế giới. Sau cuộc tấn công hồi đầu năm vào tòa soạn của tạp chí Charlie Hebdo tại Paris, Pháp và các quốc gia châu Âu luôn đề cao cảnh giác. Nhưng đến vụ tấn công tàn bạo hơn, quy mô lớn hơn nhiều lần vào ngày 13/11 cũng tại Paris, khiến hơn 100 người thiệt mạng, thì châu Âu bị chấn động thật sự. Hàng loạt nước châu Âu tìm cách tăng cường an ninh. Một trong những giải pháp được đề cập là cân nhắc tạm dừng Hiệp ước Schengen, Hiệp ước tự do đi lại giữa các quốc gia châu Âu, một trong những thành quả đáng tự hào nhất của quá trình hội nhập châu Âu, là một biểu tượng của tự do, dân chủ mà châu Âu luôn theo đuổi. Các nước thành viên EU cũng thống nhất về một thỏa thuận mở đường cho việc sử dụng Hệ thống ghi nhận thông tin hành khách PNR (Passenger name record) bất chấp những lo ngại về việc sẽ bị rò rỉ thông tin cá nhân. Sự kiểm soát biên giới nội khối cũng gắt gao hơn trước rất nhiều.


Để ngăn chặn lâu dài mối đe dọa khủng bố, điều quan trọng nhất phải là sự ổn định xã hội nhưng sự ổn định này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất kể từ đầu thế kỷ 21. Dòng người tị nạn từ Syria, Iraq, Afghanistan không ngừng đổ về châu lục này trong suốt năm 2015. Theo công bố của Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), số người tị nạn và di cư vào châu Âu bằng đường biển và đường bộ năm 2015 vượt mốc 1 triệu người, tăng ít nhất 4 lần so với năm 2014. Thế nhưng ngay cả trong cuộc họp thượng đỉnh cuối năm 2015 (ngày 17 - 18/12), EU vẫn không thống nhất được bất cứ giải pháp hứa hẹn nào để giải quyết thách thức lớn nhất này, nhằm thay thế cho các biện pháp mang tính đối phó hiện tại.


Châu Âu mất đoàn kết và chia rẽ
Sự mất đoàn kết của EU đã từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp khiến EU đứng trước kịch bản tan rã. Khủng hoảng liên miên trong năm 2015 cũng có nguy cơ khiến châu Âu tan đàn xẻ nghé, đặc biệt là những bất đồng trong cách giải quyết làn sóng di cư. Châu lục này phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: chìa bàn tay giúp đỡ hay siết chặt kiểm soát để bảo vệ an ninh của chính mình. Đến nay, có những thành viên kiên quyết không nhận quota nhập cư, không chấp nhận tái định cư cho người tị nạn như Hungary, Slovakia, Ba Lan… Những nước khác thì chỉ nhận số nhỏ và xu hướng chung, ở cả quốc gia rộng lượng nhất là Đức, là tìm cách đẩy người tị nạn rời biên giới châu Âu càng xa càng tốt. Người tị nạn không chỉ là gánh nặng kinh tế, an ninh, xã hội mà còn là nguyên nhân gây chia rẽ tôn giáo, sắc tộc, đe dọa vị thế của các đảng cầm quyền khi dân chúng ngày càng bất mãn và quay sang ủng hộ các đảng cực hữu bài ngoại.


Kinh tế chưa phục hồi
Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ năm 2008 và khủng hoảng nợ công ở châu Âu chưa giải quyết được tận gốc có lẽ vẫn là những nguyên nhân chính khiến nền kinh tế của châu lục chưa thể phục hồi trong năm 2015, thậm chí vẫn trong tình trạng đình trệ. Những gói cứu trợ, những biện pháp cải cách liên tục được đưa ra, song chưa mấy hiệu quả. EU vẫn đối mặt với sức ép nợ công rất lớn, đặc biệt là Hy Lạp và Italia vẫn là những quốc gia có tỷ lệ nợ công khá nghiêm trọng. Việc thúc đẩy cải cách cơ cấu tiến triển chậm chạp, thắt chặt ngân sách vẫn kéo dài. Với một số quốc gia, kỷ luật ngân sách giờ chỉ là thứ yếu trước đe dọa khủng bố. Đơn cử như Pháp, lãnh đạo nước này quyết định sẽ chi mạnh tay cho an ninh và tuyên bố Pháp chắc chắn không thể đưa thâm hụt ngân sách về ngưỡng dưới 3% GDP vào năm 2017 như đã cam kết với EU. Tỷ lệ lạm phát của các nước trong EU chưa đạt như kỳ vọng trong khi một năm không xuất khẩu được nông sản sang Nga do các biện pháp trừng phạt kinh tế lẫn nhau giữa Nga và EU cũng khiến châu Âu mất đi một nguồn thu lớn. 


Năm 2016: khó khăn chưa buông châu Âu 
Theo giới quan sát, tiếp nối dư âm của năm 2015, châu Âu sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức trong năm mới với hai cuộc khủng hoảng chồng chéo. Thứ nhất, khủng hoảng kinh tế sẽ chuyển từ Hy Lạp sang Italy buộc nước này đối phó với tỷ lệ thất nghiệp cao và huy động các khoản vay. Thứ hai, khủng hoảng tị nạn sẽ càng phức tạp bởi các âm mưu tấn công khủng bố. Ngoài ra một vấn đề có thể sẽ tồi tệ hơn là những lãnh đạo chính của EU sẽ yếu thế về mặt chính trị do đó khó thể đưa ra những hành động chung trong nội khối hay những lo lắng về việc nước Anh rút lui hay ở lại EU. Đánh giá về năm 2016, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean Claude Juncker thừa nhận rằng ông không có bất cứ ảo tưởng gì. 


Năm 2015 sắp kết thúc. Có lẽ các nước châu Âu sẽ muốn những ngày cuối cùng của năm trôi thật nhanh khi mà 2015 là năm điêu đứng với lục địa già. Tuy nhiên xem ra những khó khăn chưa dễ dàng buông châu Âu trong năm 2016.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác