(VOV5) - Gần 3 năm sau thời điểm tháng 12/2011 đánh dấu việc những người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Iraq, quốc gia này một lần nữa lại chìm trong bạo lực, đe dọa trực tiếp tới sự tồn tại của Nhà nước hiện thời do sự trỗi dậy của các phần tử thánh chiến thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Trong bối cảnh đó, sự tranh giành vị trí Thủ tướng trong chính quyền Iraq cũng nảy sinh, đẩy Iraq vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.
|
Các tay súng người Kurd ở Mosul, Iraq (Ảnh: AP) |
Sự thất thủ nhanh chóng của quân chính phủ trước lực lượng nổi dậy tự xưng là Nhà nước Hồi giáo đã đưa Iraq vào danh sách điểm nóng xung đột nghiêm trọng bậc nhất tại khu vực.
Chính quyền bất lực trước sự lớn mạnh của lực lượng nổi dậy
Lợi dụng bế tắc chính trị và căng thẳng phe phái, từ tháng 6, Nhà nước Hồi giáo (IS) tăng cường các cuộc tấn công đánh chiếm nhiều vùng đất ở Iraq từ chính quyền. Hiện nay IS đang nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng ở miền bắc Iraq bằng việc sử dụng xe tăng và các vũ khí hạng nặng cướp được từ hàng nghìn binh sỹ đào ngũ. Hàng chục nghìn người, đặc biệt là người Công giáo và người thiểu số Yazidi không theo đạo Hồi đã phải chạy trốn. Trong quá trình tiến công, các phiến quân của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq còn sát hại gần 500 thường dân thuộc sắc tộc thiểu số Yazidi. Bộ trưởng phụ trách nhân quyền của Iraq Mohammed Shia al-Sudani cáo buộc phiến quân đã có những hành động tàn bạo với thường dân, gây ra các tội ác không thể tha thứ. Những vùng phiến quân đi qua và chiếm đóng đang đối mặt với nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo. Trên đà chiến thắng, ngày 3/8 vừa qua, IS cũng chiếm được đập Mosul,con đập lớn nhất ở Iraq, mà không gặp phải sự phản kháng từ các tay súng của Chính phủ. Chiến thắng này của IS làm gia tăng nguy cơ chính quyền Baghdad bị lật đổ vì việc kiểm soát được đập Mosul có thể cho phép IS khả năng tràn vào các thành phố lớn. Hầu như mỗi ngày cảnh sát đều thông báo về các vụ bắt cóc, đánh bom và xử tử do phiến quân tiến hành ở nhiều thành phố, thị trấn và làng mạc.
Tình hình trên khiến Mỹ quyết định lần đầu tiên không kích Iraq kể từ khi Washington rút hết quân đồn trú khỏi nước này cuối năm 2011. Các cuộc không kích đã phá hủy một lượng vũ khí lớn của IS tuy nhiên dường như đây chỉ là giải pháp tình thế, làm chậm lại bước tiến của IS, chứ không thể tìm ra lối thoát lâu dài cho vấn đề Iraq. Chính Tổng thống Mỹ Barak Obama cảnh báo sẽ không có giải pháp nhanh chóng cho cuộc khủng hoảng hiện giờ tại Iraq.
Chiến tranh trên chính trường
Trong khi cuộc khủng hoảng quân sự chưa có hồi kết, Iraq lại rơi vào khủng hoảng toàn diện với đỉnh điểm vào ngày 11/8, Tổng thống Iraq Fouad Massoum chỉ định Phó Chủ tịch Quốc hội Al-Abadi làm Thủ tướng mới, đứng ra thành lập Chính phủ mới trong khi Thủ tướng đương nhiệm Nouri Al-Maliki vẫn tại nhiệm. Việc ông Al-Abadi được chỉ định thành lập nội các mới nhằm giảm thiểu chia rẽ nội bộ đã nhận được sự ủng hộ của Liên hợp quốc, Mỹ và nhiều nước khác. Nguyên nhân là vì chính sách sai lầm và phong cách cầm quyền độc đoán của vị Thủ tướng đương nhiệm. Trong 8 năm cầm quyền, ông Maliki không những không chủ trương hòa giải, hòa hợp dân tộc ở Iraq sau chiến tranh mà còn khoét sâu sự phân rẽ giữa 3 cộng đồng sắc tộc - tôn giáo ở nước này, phân biệt đối xử và chuyên quyền. Ngoài ra sự nổi lên của IS chứng tỏ những yếu kém trong hệ thống chính quyền Iraq. Các nhà lãnh đạo đã thất bại trong nỗ lực tái thiết đất nước và hàn gắn xã hội sau thời gian dài chìm sâu vào bạo lực và xung đột.
Tuy nhiên, Thủ tướng đương nhiệm Al-Maliki không chấp nhận quyết định trên và tuyên bố không từ bỏ nỗ lực đảm nhận thêm một nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 3. Sự kiện làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng toàn diện tại thời điểm mà Iraq đang rất cần một chính phủ đoàn kết, thống nhất để chống lại làn sóng thánh chiến IS.
11 năm kể từ cuộc chiến của Mỹ lật đổ chế độ cựu Tổng thống Saddam Hussein, Iraq vẫn không thoát khỏi vòng xoáy bạo lực, phe phái. Những khó khăn trên chiến trường cùng mâu thuẫn trên chính trường hiện nay càng khiến quốc gia này khó thoát khỏi xung đột./.