Phát triển hạ tầng chiến lược toàn diện, kiến tạo không gian phát triển mới

(VOV5) - Gần 50 công trình với quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, đóng vai trò rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Cuối tuần qua, lần đầu tiên Việt Nam tiến hành Lễ khởi công, khánh thành 80 dự án, công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, trọng điểm quốc gia. Đây là những công trình biểu tượng, định vị hình ảnh một Việt Nam phát triển, tự cường trên thế giới.

Phát triển hạ tầng chiến lược toàn diện, kiến tạo không gian phát triển mới - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Thành phố HCM Nguyễn Văn Nên thực hiện nghi thức gắn biển công trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

80 dự án, công trình lớn, trọng điểm, trải dài 3 miền Bắc - Trung - Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 450 nghìn tỷ đồng (19,5 tỷ USD). Việc khánh thành và khởi công các công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên nhiều khía cạnh về cả kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh - quốc phòng và hội nhập quốc tế.

Sự kiện có tính chất lịch sử trong phát triển hạ tầng

Gần 50 công trình với quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, đóng vai trò rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, như: 05 Dự án đường bộ cao tốc với chiều dài 227 km hoàn thành/thông xe, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước đưa vào khai thác đạt 2.268 km; hồ chứa nước Krong Pách Thượng (Đắk Lắk) phục vụ tưới tiêu cho trên 14 nghìn ha và cấp nước sinh hoạt cho hơn 100 nghìn hộ dân; Trung tâm Y tế Quân - Dân y huyện Côn Đảo, Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn và đưa vào sử dụng một số công trình giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao...

Đặc biệt, việc Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng đúng dịp lễ trọng đại của đất nước, vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch. Điều này sẽ tác động tích cực tới tiến độ xây dựng sân bay quốc tế Long Thành để cơ bản hoàn thành dự án này trong năm nay.

Phát triển hạ tầng chiến lược toàn diện, kiến tạo không gian phát triển mới - ảnh 2Thủ tướng và các đại biểu trải nghiệm một số dịch vụ tại Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bên cạnh đó, hơn 30 công trình với quy mô lớn, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong cả nước, như: Nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long, TP. Hà Nội; Dự án thành phần 1, 2 thuộc tuyến vành Đai II TP. Hồ Chí Minh; Nhà ga T2 cảng hàng không Đồng Hới; nâng cấp mở rộng Cảng Hàng không Cà Mau; đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Trần Đề; khu đô thị lấn biển Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh); một số khu nhà ở xã hội, tái định cư tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam, Long An, Vĩnh Long, Đồng Nai…

Phát triển hạ tầng chiến lược toàn diện, kiến tạo không gian phát triển mới - ảnh 3Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án lớn trên cả nước với tổng số vốn 445.000 tỷ đồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên nhiều khía cạnh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Việc khởi công, khánh thành các công trình, dự án này có vai trò, ý nghĩa rất to lớn trong kết nối nội tỉnh, nội vùng; liên vùng, liên tỉnh, liên quốc gia, liên quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương nói riêng và của đất nước nói chung. Các công trình trọng điểm kinh tế - xã hội đều là những dự án quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, thể hiện ý chí, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc kiến tạo những không gian phát triển mới, tạo nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng. Tôi kỳ vọng đây sẽ là những công trình có tính "biểu tượng" góp phần định vị hình ảnh Việt Nam "Độc lập - Hòa bình - Thống nhất - Tự cường - Hạnh phúc - Ấm no - Văn minh - Thịnh vượng" trên bản đồ thế giới và cuối cùng là người dân được thụ hưởng thành quả từ các công trình, dự án này.”

Động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 2021) chỉ rõ đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Để đạt mục tiêu đó, 1 trong 3 đột phá chiến lược được Đảng xác định là "xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số".

Do đó, đối với các công trình, dự án khánh thành dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: “Các bộ, ngành, địa phương là cơ quan chủ quản các dự án và các chủ đầu tư khẩn trương tổ chức vận hành, khai thác để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Các địa phương tận dụng tối đa lợi thế của các dự án để quy hoạch và phát triển không gian mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương bao trùm, toàn diện; không để ai bị bỏ lại phía sau.”

Đối với các công trình, dự án khởi công dịp này, chủ đầu tư và nhà thầu khẩn trương huy động thiết bị, nhân lực để triển khai thi công ngay các dự án, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng, sớm đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư. Các địa phương phải tập trung công tác giải phóng mặt bằng; hướng dẫn các chủ đầu tư, nhà thầu giải quyết nhanh các thủ tục về mỏ vật liệu, đổ thải để chủ động triển khai dự án đúng kế hoạch, mục tiêu. Quá trình triển khai dự án cần đảm bảo lợi ích của Nhà nước, có lợi ích của người dân, có lợi của doanh nghiệp.

Việc khánh thành và khởi công 80 công trình vừa qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên nhiều khía cạnh về cả kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh - quốc phòng và hội nhập quốc tế. Đồng thời là  hiện thực hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phát triển hạ tầng chiến lược toàn diện, bao trùm, khắc phục các điểm nghẽn về giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo nền tảng và không gian phát triển mới về kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh - quốc phòng cho các địa phương, các vùng miền và cả nước; là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác