Xây dựng trung tâm tài chính mang bản sắc Việt Nam

(VOV5) - Việt Nam đã và đang khởi động những bước đi cẩn trọng, với mục tiêu xây dựng mô hình trung tâm tài chính mang bản sắc riêng Việt Nam và phát triển bền vững.

Việt Nam đang triển khai những bước đi đầu tiên để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng. Xác định đây là hành trình dài, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới, Việt Nam đã và đang khởi động những bước đi cẩn trọng, với mục tiêu xây dựng mô hình trung tâm tài chính mang bản sắc riêng Việt Nam và phát triển bền vững.

Nghe âm thanh tại đây:
 

Trên tinh thần không nóng vội, nhưng không bỏ lỡ thời cơ, Việt Nam đã xây dựng lộ trình triển khai xây dựng Trung tâm tài chính với 8 nhóm chính sách. Theo đó, từ nay đến năm 2030, thí điểm 6 nhóm chính sách thông dụng tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam, tiến tới tổ chức thực hiện đầy đủ vào năm 2035.

Xây dựng trung tâm tài chính mang bản sắc Việt Nam - ảnh 1Việc xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế là bước tiến quan trọng để nâng tầm vị thế của Việt Nam. Ảnh minh hoạ: VOV

Dựa trên lộ trình khung này, Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động với 49 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các bộ, ngành và các địa phương, hình thành khung pháp lý nhằm hiện thực các mục tiêu trên. Việt Nam cũng đã thành lập Ban chỉ đạo về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam do Thủ tướng trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo. Các thành phố TPHCM và Đà Nẵng cũng đang tích cực chuẩn bị các nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng, bố trí diện tích đất, nguồn lực, xúc tiến làm việc với nhà đầu tư, định chế tài chính lớn, tiềm năng để tham vấn chính sách cũng như kêu gọi đầu tư. Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Thành phố rất mong các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, các tổ chức tư vấn, các định chế tài chính, doanh nghiệp đồng hành trong quá trình xây dựng và phát triển trung tâm tài chính. Đề xuất các chính sách dựa trên kinh nghiệm của các trung tâm tài chính đã thành công trên thế giới, hỗ trợ nguồn lực và kết nối các nhà đầu tư lớn, tiềm năng, tham gia.

Trong khi đó, thành phố Đà Nẵng tăng cường tham khảo, tư vấn từ các mô hình Trung tâm Tài chính quốc tế đã thành công trên thế giới, như Trung tâm tài chính quốc tế Dubai. Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố Đà Nẵng, cho biết: Thông qua trao đổi, chia sẻ với các đối tác, để tìm ra những định hướng phát triển các dịch vụ tài chính trong Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng trong thời gian tới, như các dịch vụ liên quan đến tài chính xanh, ngân hàng số, Fintech, tài sản số. Dự kiến, đây là những lĩnh vực sẽ tạo ra sự đột phá trong phát triển của thành phố thời gian tới.

Để Trung tâm tài chính phát huy được vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, bên cạnh nguồn vốn nội lực thì nguồn đầu tư nước ngoài sẽ bổ sung thêm nguồn tài chính cần thiết. Các trung tâm tài chính cần được đầu tư cơ sở hạ tầng tài chính và có cơ chế pháp lý vững mạnh để giám sát, điều hành các hoạt động. Việc xây dựng các quy chế rõ ràng, minh bạch sẽ tạo ra một môi trường pháp lý ổn định, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế tham gia. Dưới góc độ công ty kiểm toán tư vấn tài chính toàn cầu, ông Warrick Cleine, Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam, cho rằng: Việt Nam đã trải qua quá trình dài hàng thập kỷ để phát triển các quy tắc và chuẩn mực báo cáo tài chính, nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư và giúp các doanh nhân, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiểu rõ nghĩa vụ của mình. Điều này bao gồm việc công bố thông tin, cung cấp báo cáo tài chính. Tuy nhiên, với Trung tâm tài chính, chúng ta cần áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính không chỉ giới hạn trong phạm vi hiện nay tại Việt Nam, mà còn phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi đánh giá rất cao việc Việt Nam đã xây dựng chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) với những ưu tiên và đây là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển của IFC và tất cả các bên tham gia trong đó.

Xây dựng trung tâm tài chính mang bản sắc Việt Nam - ảnh 2Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được. Ảnh: Nguyễn Phan/nld.com.vn

Trung tâm tài chính quốc tế đóng vai trò quan trọng như một cầu nối trong ngành tài chính. Đây là kênh huy động vốn để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, cũng là cách để khơi thông các dòng chảy thương mại, đặc biệt là xuất khẩu cũng như vốn đầu tư. Do đó, xây dựng một hệ thống quy định toàn diện không chỉ tập trung vào khía cạnh tài chính thuần túy mà cần bao quát một phạm vi rộng lớn hơn. Điều này đã được Việt Nam xác định rõ.

Tại cuộc làm việc ngày ¾ của Ban chỉ đạo về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định việc xây dựng các trung tâm tài chính là vấn đề khó và mới với Việt Nam. Vì vậy, phải tiếp tục hoàn thiện các văn bản, đề án, chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong đó, các chính sách đưa ra phải vượt trội, hiện đại, có sức cạnh tranh, phù hợp với tình hình, điều kiện phát triển Việt Nam, phù hợp các lợi thế sẵn có cảu Việt Nam, như: tài chính xanh, tài chính số… Việt Nam sẽ mở cửa mạnh mẽ lĩnh vực tài chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các định chế tài chính quốc tế hoạt động hiệu quả, minh bạch, công bằng, phù hợp thông lệ quốc tế. Việc thành lập trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam là bước đi chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác