Thương mại toàn cầu nguy cơ sụt giảm mạnh vì căng thẳng thuế quan

(VOV5) - Vào thời điểm này, Fed sẽ chưa điều chỉnh chính sách ngay mà cần thêm dữ liệu để xác định rõ tác động của các chính sách mới với nền kinh tế.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hôm 16/04, công bố báo cáo đánh giá thương mại hàng hóa toàn cầu trong năm nay suy giảm mạnh, đồng thời cảnh báo các tác động do thuế quan của Mỹ có thể dẫn đến sự suy thoái nghiêm trọng nhất của kinh tế thế giới kể từ đỉnh điểm của đại dịch Covid-19.

Thương mại toàn cầu nguy cơ sụt giảm mạnh vì căng thẳng thuế quan - ảnh 1WTO cảnh báo hậu quả tiềm tàng khi 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới liên tục đánh thuế lẫn nhau. Ảnh minh họa: Reuters

Báo cáo mang tên “Triển vọng Thương mại toàn cầu và các số liệu” của WTO dự báo thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ giảm 0,2% trong năm nay, mức sụt giảm mạnh so dự báo đưa ra vào tháng 10 năm ngoái là tăng trưởng 3%.

Sụt giảm mạnh

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến đánh giá bi quan của WTO là chính sách thuế quan mới của Mỹ, khi chính quyền Mỹ từ tháng trước bắt đầu phát động “cuộc chiến thuế quan”, áp thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới cùng với mức thuế 25% đối với thép, nhôm và ô tô. Nghiêm trọng hơn, thuế đối ứng mà Mỹ áp với hơn 180 nền kinh tế, dao động từ 10 đến 39%, vẫn đang có nguy cơ được thực thi bất chấp việc Tổng thống Mỹ, Donald Trump đang tạm ngưng mức thuế này trong 90 ngày để đàm phán. Đặc biệt, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang ngày càng leo thang đến ngưỡng khó có thể dung hoà khi hai bên áp các mức thuế “không tưởng” nhằm vào hàng hoá của nhau.

Trong bối cảnh đó, WTO nhận định nếu ông Donald Trump áp dụng lại mức thuế quan mở rộng đầy đủ đã lên kế hoạch, tăng trưởng thương mại hàng hóa sẽ giảm 0,6 điểm phần trăm, với mức giảm thêm 0,8 điểm phần trăm do tác động lan tỏa ra ngoài thương mại liên quan đến Mỹ. Kịch bản này sẽ dẫn đến mức giảm 1,5% - giảm mạnh nhất kể từ năm 2020. Việc chính quyền Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày cũng không giảm bớt được sự bất an với thương mại toàn cầu. Bà Pamela Coke-Hamilton, Giám đốc điều hành Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), một cơ quan của Liên hiệp quốc, đánh giá: “Việc mở rộng không xác định thời hạn 90 ngày không hẳn đã mang lại sự ổn định. Không cần biết là liệu thời hạn này được gia hạn tiếp hay không, sự thật hiện nay là không có sự ổn định, không có việc có thể dự báo được và điều này sẽ tác động đến thương mại cũng như quyết định thực tế của các doanh nghiệp”.

Thương mại toàn cầu nguy cơ sụt giảm mạnh vì căng thẳng thuế quan - ảnh 2Ông Ralph Ossa, chuyên gia Kinh tế trưởng của WTO. Ảnh: wto.org

Không chỉ thương mại hàng hoá toàn cầu suy giảm mà thương mại dịch vụ cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn. WTO dự báo thương mại dịch vụ sẽ tăng trưởng 4% vào năm nay và 4,1% vào năm 2026, thấp hơn nhiều so với mức dự báo cơ bản là 5,1% và 4,8%. Ông Ralph Ossa, chuyên gia Kinh tế trưởng của WTO, nhận định: “Thương mại dịch vụ, dù không trực tiếp chịu tác động từ các mức thuế, cũng sẽ bị ảnh hưởng. Sự sụt giảm thương mại hàng hoá sẽ làm giảm nhu cầu đối với các dịch vụ liên quan như vận tải, logistic, trong khi sự bất ổn lớn hơn của bức tranh kinh tế sẽ hạ thấp nhu cầu du lịch cũng như các dịch vụ liên quan đến đầu tư”.

Các kịch bản xấu nhất vẫn chưa dừng ở đó. Theo Tổng Giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala, nỗi lo sợ lớn nhất của WTO là nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ đang tách rời nhau. Trong kịch bản này, GDP toàn cầu có thể giảm 7% trong dài hạn. Chia sẻ lo ngại này, các hãng xếp hạng tín nhiệm lớn là Fitch và S&P hôm 17/04 đánh giá nếu không tính năm 2020 ảnh hưởng bởi Covid-19, tăng trưởng toàn cầu năm nay dự báo yếu nhất kể từ năm 2009, với các mức tăng chỉ từ 2-2,2%.

Lo ngại với kinh tế Mỹ

Đối với chính nước Mỹ, bên khởi động cuộc chiến thuế quan, các lo ngại đối với nền kinh tế cũng đang bắt đầu có dấu hiệu gia tăng. Phát biểu hôm 16/04 tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell nhận định: “Chính quyền Mỹ hiện nay đang thực thi các thay đổi chính sách đáng kể, đặc biệt hiện đang tập trung vào thương mại và tác động của các thay đổi này nhiều khả năng sẽ khiến chúng tôi đi chệch các mục tiêu đã đặt ra. Thất nghiệp nhiều khả năng sẽ tăng khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, lạm phát có thể tăng khi các mức thuế có hiệu lực và một phần mức thuế này sẽ đánh vào thu nhập của người dân”.

Theo người đứng đầu Fed, tình huống tăng trưởng chậm lại, thất nghiệp tăng lên và lạm phát cao hơn diễn ra đồng thời là điều mà Fed chưa từng đối mặt trong khoảng 50 năm qua, khiến việc điều hành của Fed gặp nhiều thách thức. Chủ tịch Fed Chicago, ông Austan Goolsbee, tuần trước cho biết tại một sự kiện ở New York rằng chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump đang đặt Fed vào một tình thế khó khăn khi thuế nhập khẩu tạo ra cú sốc về nguồn cung, khiến cả hai nhiệm vụ của Fed (kiểm soát lạm phát, thúc đẩy việc làm) xấu đi cùng lúc và trong quá khứ Fed chưa từng ứng phó với cú sốc kiểu này.

Tuy nhiên, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ, ông Jerome Powell, cho biết vào thời điểm này Fed sẽ chưa điều chỉnh chính sách ngay mà cần thêm dữ liệu để xác định rõ tác động của các chính sách mới với nền kinh tế.

Nhận định từ người đứng đầu Fed được xem là cảnh báo lớn nhất cho đến nay trong nội bộ nước Mỹ đối với chính sách thuế quan của chính quyền ông Donald Trump. Theo ông David Russell, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu tại TradeStation, đây cũng được xem là lời tuyên bố rằng Fed sẽ không giảm lãi suất theo lời kêu gọi của Nhà Trắng.

Giới quan sát cho rằng tình huống hiện nay có thể sẽ khiến mối quan hệ vốn không thuận hoà giữa chính quyền của ông Donald Trump với Fed, cơ quan độc lập với chính quyền, càng căng thẳng hơn.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác