(VOV5) - Quan hệ giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ vốn nhiều khúc mắc, nhiều thăng trầm, thì nay lại tiếp tục gia tăng căng thẳng, khi mà trong những ngày qua, hai bên liên tục có lời lẽ qua lại trên hàng loạt vấn đề. Sự thiếu tin cậy, thái độ ngờ vực là nguyên nhân chính khiến hai bên khó tìm được tiếng nói chung trong hợp tác cũng như giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực, vốn đang rất cần họ cùng chung tay giải quyết.
|
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-EU đang trải qua mối quan hệ đầy sóng gió. Ảnh minh họa: Reuters |
Trong một diễn biến mới nhất, Nghị viện Châu Âu ngày 26/11 chính thức thông qua bản kiến nghị theo đó ngừng đối thoại kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào EU. Lấy lý do, chính phủ Thổ Nhĩ Kỹ vi phạm quyền cơ bản của con người, EU cũng đồng thời cân nhắc các biện pháp trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc Chính phủ nước này bắt giữ các thành viên đảng đối lập sau vụ đảo chính hồi tháng 7 vừa qua.
Giọt nước tràn ly
Sau động thái trên của EU, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lớn tiếng yêu cầu EU phải “biết giới hạn của mình”. Ông R. Erdogan tuyên bố chính quyền nước này chịu trách nhiệm điều hành đất nước và EU không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông R. Erdogan cũng để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp tại Thổ Nhĩ Kỳ được áp đặt sau cuộc đảo chính bất thành, cũng như cho phép áp dụng trở lại án tử hình. Thổ Nhĩ Kỳ có thể tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào năm 2017 về việc nước này có tiếp tục các cuộc đàm phán gia nhập EU hay không. Trước đó, Tổng thống R. Erdogan cũng đe dọa mở cửa biên giới cho người di cư tràn sang châu Âu nếu EU tiếp tục gây sức ép lên nước này.
|
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan |
Không khó hiểu về phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ sau quyết định “đóng băng” thỏa thuận của EU. Thổ Nhĩ Kỳ gửi đơn xin gia nhập EU vào năm 1987, tuy nhiên quá trình đàm phán mới chỉ được khởi động bắt đầu từ năm 2005. Hơn 11 năm qua, quá trình đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh kinh tế này gặp vô vàn trắc trở và cho đến nay, giữa hai bên mới chỉ thống nhất được một vài điểm ít ỏi trong tổng số hàng loạt danh mục phải thực hiện để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU.
Sở dĩ Thổ Nhĩ Kỳ cần EU vì muốn được tận hưởng những ưu đãi về kinh tế, thương mại, tài chính và đầu tư cũng như cả những phúc lợi xã hội từ phía EU. Nhưng trong suốt thời gian dài, EU không dành ưu tiên cho việc thu nạp Thổ Nhĩ Kỳ mà một trong những lý do chính là việc Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia Hồi giáo. EU lo ngại việc có thành viên là một quốc gia Hồi giáo sẽ gây bất ổn cho các mối liên kết xã hội khác trong liên minh Châu Âu. Cộng đồng người Hồi giáo vốn bị xem là có nền tảng tư tưởng khác biệt với các cộng đồng dân cư khác, mà tư tưởng của những người Hồi giáo cực đoan luôn khiến lãnh đạo EU dè chừng, từ đó EU e ngại tiếp nhận Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, khi làn sóng người nhập cư tràn vào Châu Âu, EU lại rất cần Thổ Nhĩ Kỳ cùng chung tay giải quyết. Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành nơi tạm trú cho hàng triệu người tị nạn từ Trung Đông. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn đẩy nhanh tiến độ để nước này được chấp thuận làm thành viên của EU. Nhưng, trái với mong đợi, việc EU phê phán những biện pháp chính sách đối nội của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từ sau cuộc đảo chính quân sự bất thành, đóng băng tiến trình đàm phán Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, là giọt nước tràn ly, khiến Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra mất kiên nhẫn và nổi đóa với EU.
|
Phiên họp của EP ngày 24-11 bàn thảo về việc đàm phán để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Ảnh: AFP |
Hệ lụy nguy hiểm
Trước tình hình này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã úp mở tuyên bố từ bỏ ý định gia nhập EU và xin gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Đây là tổ chức gồm 6 thành viên chính thức, trong đó đáng chú ý nhất là Nga và Trung Quốc, hai đối trọng của EU. Thực tế cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ dọa xuông với tuyên bố này bởi năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị của câu lạc bộ năng lượng của SCO, trở thành quốc gia không phải thành viên đầu tiên đăng cai sự kiện và làm chủ tịch câu lạc bộ này. Trong khi EU hờ hững với Thổ Nhĩ Kỳ thì Trung Quốc lại tỏ ra vô cùng sốt sắng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng mới đây tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng cân nhắc bất cứ đơn xin gia nhập nào của Thổ Nhĩ Kỳ để làm thành viên khối. Thổ Nhĩ Kỳ là một "đối tác đối thoại" của khối từ lâu đã hợp tác chặt chẽ với khối này và Trung Quốc rất coi trọng mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ về việc tăng cường sự hợp tác đó.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ có thể từ bỏ ý định gia nhập EU và gia nhập SCO, theo các nhà quan sát, sẽ khiến châu Âu cảm thấy bất an hơn. Do Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở vị trí địa chiến lược quan trọng sát sườn đối với EU, nếu không có sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ thì dòng người nhập cư sẽ ồ ạt tràn vào EU khiến Châu Âu khó lòng kiểm soát được an ninh và trật tự. Không chỉ vậy, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga đang ngày càng nồng ấm, trong đó phải kể đến động thái Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga, sẽ khiến Châu Âu bất an hơn, trong bối cảnh khối này đang đối mặt với rất nhiều vấn đề cần giải quyết.