Sau cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (ngày 4/4), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì 1 loạt cuộc họp nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp, toàn diện trên tất cả các kênh từ chính trị đến ngoại giao, kinh tế, ứng phó phù hợp với chính sách thuế quan của Mỹ hiện nay.
Liên tiếp trong các ngày từ 3/4 đến nay, nhiều cuộc họp, làm việc, điện đàm đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam thực hiện để trao đổi, bàn giải pháp tháo gỡ rào cản thuế quan mà chính quyền Hoa Kỳ đặt ra, đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả hai phía.
Tinh thần chung của Chính phủ Việt Nam là tiếp cận, xử lý vấn đề phải mang tính tổng thể, toàn diện, cả phi thuế quan và thuế quan…, đưa ra những lựa chọn thông minh, tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo, chọn phương án hiệu quả nhất. Việt Nam đi theo hướng đàm phán danh sách các mặt hàng áp dụng thuế bình đẳng, hài hòa, có lợi cho cả hai bên; sử dụng đồng bộ các biện pháp chính trị, ngoại giao, kinh tế, đầu tư, thương mại, tranh thủ doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh nghiệp Hoa Kỳ, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam để có giải pháp đàm phán phù hợp.
Theo đó, mỗi bộ, ngành liên quan đều đảm trách nhiệm vụ cụ thể. Bộ Công thương chủ trì tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng chính sách của phía Hoa Kỳ; chủ trì, rà soát để tăng cường nhập khẩu từ Mỹ các mặt hàng Việt Nam có nhu cầu, có lợi khi nhập khẩu; xúc tiến đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ.
Bộ Tài chính tiếp tục rà soát ngay các sắc thuế, mở rộng chính sách ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu theo hướng tiệm cận thỏa thuận cấp cao giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp để chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế. Ảnh: VOV |
Đối với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các đại sứ, trưởng đại diện phải nắm chắc tình hình; đề xuất các giải pháp hiệu quả, đặc biệt là kết nối doanh nghiệp, kết nối hai nền kinh tế, kết nối Việt Nam với khu vực, doanh nghiệp với doanh nghiệp để Việt Nam thích ứng với tình hình mới.
Trước đó, trong hơn 2 tháng qua, Chính phủ cũng đã chủ động và tích cực giải quyết các mối quan tâm về thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành đã giao thiệp, trao đổi trên tất cả các kênh chính trị, ngoại giao với phía Hoa Kỳ. Đầu tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành hơn 3 giờ để lắng nghe ý kiến của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ. Một mặt, Việt Nam cơ bản giải quyết những vấn đề quan tâm của phía Hoa Kỳ, đặc biệt là chủ động giảm 23 dòng thuế nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; mặt khác, nỗ lực thúc đẩy cân bằng cán cân thương mại hai nước thông qua các hợp đồng mua hàng hóa từ nước này.
Cải cách và tăng cường nội lực quốc gia
Song song với việc đàm phán thuế quan với Hoa Kỳ, chính phủ Việt Nam cũng chỉ đạo đẩy nhanh việc đa dạng các thị trường xuất khẩu. Việt Nam sẽ tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết với tinh thần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng hàng hóa, thúc đẩy các thị trường truyền thống, thâm nhập thị trường tiềm năng. Gắn với đó là thúc đẩy tăng trưởng, các ngành kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế xanh…
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tăng cường xúc tiến thương mại, đoàn kết, mở rộng thị trường sang Trung Đông, Trung Á, châu Phi, Đông Bắc Á, những thị trường giàu tiềm năng nhưng còn chưa được khai phá tương xứng... Các bộ, ngành liên quan nghiên cứu triển khai mở rộng chính sách visa.
Theo các chuyên gia kinh tế, đây là cơ hội để Việt Nam không chỉ “mở rộng” mà còn “làm mới lại” các thị trường truyền thống, thông qua nâng cấp tiêu chuẩn, chất lượng, thương hiệu.
Về dài hạn, Việt Nam sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia bằng cách đầu tư vào hạ tầng, nhân lực và đổi mới sáng tạo. Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, ngành, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp, ngày 7/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả: "Nền kinh tế của chúng ta vẫn đang là nền kinh tế chuyển đổi. Đất nước vẫn là đất nước đang phát triển, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn. Vì vậy, tất cả những gì biến động cũng là cơ hội. Mặc dù có những thách thức, khó khăn... nhưng là cơ hội để tái cấu trúc lại nền kinh tế, cơ hội để chúng ta vươn lên mạnh mẽ hơn, tự lực tự cường lên và trưởng thành hơn".
Những động thái khẩn trương ứng phó với chính sách thuế quan của Hoa Kỳ từ phía Việt Nam đang truyền đi thông điệp rằng Việt Nam đang nỗ lực phối hợp chặt chẽ với phía Hoa Kỳ để đẩy mạnh thương mại hai chiều theo hướng cả hai cùng có lợi và hội nhập tích cực vào nền kinh tế toàn cầu.