Các nước nỗ lực đàm phán nhằm hạ nhiệt thuế đối ứng của Mỹ

(VOV5) - Kể từ khi được công bố hôm 02/04, chính sách thuế quan mới của Mỹ đã làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu.

Mức thuế đối ứng do Tổng thống Mỹ, Donald Trump công bố hôm 02/04 với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới theo kế hoạch chính thức có hiệu lực từ ngày 09/04, theo giờ Mỹ. Trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu tăng cao vì các mức thuế trên, nhiều quốc gia nỗ lực đàm phán với Mỹ để đạt thoả thuận.

Theo quyết định được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra hôm 02/04, mức thuế cơ sở 10% của Mỹ đã được áp dụng từ 05/04 và trong ngày 09/04 (theo giờ Mỹ), thuế đối ứng dao động từ 20 đến trên 50% với tất cả các đối tác kinh tế của Mỹ, chính thức có hiệu lực.

Các nỗ lực đàm phán khó khăn

Kể từ khi được công bố hôm 02/04, chính sách thuế quan mới của Mỹ đã làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu. Các thị trường chứng khoán trên khắp thế giới, bao gồm cả Mỹ, ghi nhận các mức sụt giảm mạnh nhất trong nhiều năm qua và thổi bay hơn 10 ngàn tỷ USD vốn hoá của công ty, khi các nhà đầu tư lo ngại về một cuộc xung đột thương mại toàn cầu quy mô lớn. Các mức thuế này cũng khiến nhiều tổ chức tài chính quốc tế cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu có thể đến ngay trong năm nay.

Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia đã bày tỏ thiện chí đàm phán với chính quyền Mỹ để giảm bớt các tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ, thông qua việc ký kết các thoả thuận thương mại mới. Theo Đại diện Thương mại Mỹ, Jamieson Greer, tính đến hết ngày 08/04, đã có khoảng 70 quốc gia và vùng lãnh thổ thể hiện mong muốn đàm phán với Mỹ về vấn đề thuế quan. Tổng thống Mỹ, Donald Trump cũng “bật đèn xanh” khi tuyên bố hôm 07/04 rằng luôn cởi mở với đàm phán, dù khẳng định Mỹ sẽ không dừng các mức thuế mới.

Đàm phán với Mỹ hiện đang là lựa chọn ưu tiên của nhiều quốc gia và liên minh. Chính phủ Nhật cho biết sẽ khởi động các đàm phán ở cấp Bộ trưởng với Mỹ ngay trong tuần này, đồng thời Thủ tướng Nhật Bản, Shigeru Ishiba sẵn sàng sang Mỹ gặp ông Donald Trump. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc, Cheong In Kyo hôm 08/04 đã lên đường đến Washington để thảo luận với các đối tác Mỹ.

Tại khu vực Đông Nam Á, nơi hầu hết các nền kinh tế đều bị Mỹ áp mức thuế cao, đàm phán và đối thoại cũng là lựa chọn ưu tiên vào thời điểm này. Thủ tướng Ibrahim Anwar của Malaysia, nước đang giữ chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm nay, tuyên bố ASEAN sẽ đoàn kết để đối thoại với Mỹ:  “Những mức thuế này có thể làm hại tất cả các bên. Do đó, trên cơ sở ngoại giao mềm mỏng và cam kết thầm lặng, điều mà tôi đã đạt được đồng thuận với các nhà lãnh đạo ASEAN, chúng tôi sẽ cùng các đồng nghiệp trong ASEAN và các quan chức của chúng tôi tại Washington bắt đầu tiến trình đối thoại với Mỹ”.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, các đàm phán sắp tới sẽ không đơn giản bởi các mục tiêu mà chính quyền Mỹ đặt ra khi áp thuế đối ứng với toàn thế giới, như: cân bằng thâm hụt thương mại, đưa sản xuất trở lại Mỹ… cần nhiều thời gian và rất khó thực hiện. Do đó, điều quan trọng là các quốc gia cần chuẩn bị sẵn phương án đàm phán cũng như phương án dự phòng khi thất bại.

  Rủi ro vẫn ở mức cao

Dù nhiều quốc gia ưu tiên đàm phán với chính quyền Mỹ, nguy cơ về một cuộc xung đột thương mại toàn cầu vẫn ở mức cao, một mặt do tính chất phức tạp của các đàm phán, mặt khác là căng thẳng có chiều hướng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Để đáp trả chính sách thuế quan mới của Mỹ nhằm vào Trung Quốc (tổng mức thuế lên tới 54%), hôm 04/04, Trung Quốc quyết định áp thuế 34% với tất cả hàng hoá xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc.

Trước động thái trả đũa của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ áp thuế thêm 50% với hàng hoá Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc cho biết nếu Mỹ kiên quyết theo đuổi chính sách này, Trung Quốc sẽ đáp trả tới cùng. Chuyên gia Rintaro Nishimura, đến từ Công ty tư vấn chiến lược Asia Group, nhận định tình thế căng thẳng hiện nay giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới gần giống như trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump (2016-2020) và tác động tiêu cực tới thương mại toàn cầu: “Tôi nghĩ kịch bản tốt nhất là những gì đang diễn ra chỉ là một quân bài đàm phán và trong trường hợp Trung Quốc thì Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể có cơ hội ngồi lại với nhau để thảo luận và giải quyết được vấn đề. Nhưng ở thời điểm này thì dường như điều đó khó có thể xảy ra”.

Bên cạnh các lo ngại về một cuộc xung đột thương mại toàn cầu trong ngắn hạn, kéo theo nguy cơ suy thoái kinh tế trong trung hạn, giới quan sát còn đặt dấu hỏi về đích đến cuối cùng của chính sách thuế quan mới của chính quyền Mỹ. Bà Arancha Gonzalez Laya, Hiệu trưởng Trường các vấn đề quốc tế của Trường Chính trị Paris (Sciences Po Paris), cho rằng phản ứng quyết liệt từ các thị trường toàn cầu trong những ngày qua là lời cảnh báo rằng chính sách thuế của Mỹ đang gây tác động tiêu cực cho chính các hệ thống tài chính-tiền tệ được dựng nên từ sau Thế chiến II mà trong đó nước Mỹ là trụ cột (hệ thống Bretton Woods).

Cần bảo đảm rằng chúng ta lắng nghe rất kỹ những gì mà phần còn lại của thế giới mong muốn bởi ngày nay, phần còn lại của thế giới có vai trò lớn và cần phải được tính đến. Về khía cạnh kinh tế, tài chính hay thương mại thì rõ ràng nước Mỹ rất quan trọng nhưng Mỹ không phải là nhân tố duy nhất trên trường quốc tế”.

Cảnh báo này cũng được nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo các tập đoàn lớn tại Mỹ đưa ra trong những ngày qua, theo đó chính sách thuế quan mới không chỉ có nguy cơ tổn hại đến tăng trưởng kinh tế Mỹ mà còn làm suy giảm mức độ tin cậy của Mỹ với các đối tác trên toàn cầu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác