Thách thức với WTO khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang

(VOV5) - Các chuyên gia kinh tế đánh giá thương mại toàn cầu đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất trong nhiều thập kỷ.

Sự hỗn loạn trên các thị trường thương mại và tài chính toàn cầu trong những ngày qua do chính sách thuế của Mỹ đặt dấu hỏi về vai trò của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào thời điểm tổ chức này tròn 30 tuổi (1995-2025).

Thách thức với WTO khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang - ảnh 1Trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Geneva, Thụy Sĩ - Ảnh: Getty Images/TTXVN

Hôm 09/04, mở đầu phiên họp 2 ngày của Hội đồng thương mại hàng hoá (CTG) của WTO tại Geneva, Thuỵ Sỹ, một loạt đại diện các phái đoàn Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Thuỵ Sỹ, Canada, Brazil… kêu gọi nâng cao vai trò của WTO trong bối cảnh các cơ chế thương mại đa phương đứng trước nguy cơ bị huỷ hoại.

Dấu hỏi với WTO

Lời kêu gọi của các quốc gia thành viên WTO đến vào thời điểm các chuyên gia kinh tế đánh giá thương mại toàn cầu đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất trong nhiều thập kỷ, khi Tổng thống Mỹ, Donald Trump hôm 02/04 quyết định áp thuế đối ứng với hơn 180 đối tác kinh tế của nước này trên toàn thế giới. Động thái từ Mỹ đã tạo nên một tuần hỗn loạn trên thị trường tài chính toàn cầu và đẩy thế giới đến bờ vực một cuộc xung đột thương mại toàn diện khi Trung Quốc, EU và Canada tung ra các biện pháp đáp trả. Mặc dù Tổng thống Mỹ hôm 10/04 đã tạm hoãn việc áp thuế đối ứng trong 90 ngày để đàm phán với các nước nhưng nguy cơ xung đột thương mại dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu hiện vẫn ở mức rất cao khi Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vẫn đang leo thang căng thẳng với các mức thuế nhằm vào hàng hoá của nhau, khiến trao đổi thương mại giữa hai nước trên thực tế đang rơi vào tình trạng tê liệt.

Bất ổn thương mại bùng phát trong những ngày qua càng làm nổi bật những câu hỏi liên quan đến WTO, về vai trò thực sự của tổ chức này trong điều phối các luật lệ thương mại toàn cầu, và về lo ngại liệu tổ chức này có đủ sức mạnh ứng phó với những thách thức thương mại đang ngày càng phức tạp hiện nay hay không? Cựu Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC), ông Jose Manuel Barroso cho rằng chính những cuộc khủng hoảng như hiện nay càng khẳng định việc cần thiết phải duy trì sức mạnh cho WTO: “Ngày nay, chúng ta không cần các cuộc chiến thương mại. Chúng ta cần thúc đẩy các nước lớn làm việc cùng nhau để không chỉ thúc đẩy thương mại rộng mở mà còn thúc đẩy cả sự thịnh vượng toàn cầu. WTO được tạo ra chính là để hỗ trợ một nền kinh tế rộng mở, có thể dự đoán và dựa trên luật lệ”.

Cơ hội trong thách thức

Tổng Giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala, cũng cho rằng các bất ổn hiện nay đang làm nổi bật giá trị của WTO như một trụ cột cho đối thoại và hợp tác thương mại toàn cầu theo những luật lệ công bằng và minh bạch, điều mà nhiều quốc gia thành viên WTO đang tìm kiếm. Tuy nhiên, người đứng đầu WTO cũng thừa nhận rằng Mỹ và nhiều nước khác có những quan ngại hợp lý về WTO và hệ thống thương mại đa phương. Do đó, trong bối cảnh này, WTO cần trở thành nền tảng trung gian đáng tin cậy nhất để giải quyết các bất đồng giữa các nền kinh tế, đồng thời tự cải tổ WTO theo hướng hiệu quả hơn.

Theo bà Ngozi Okonjo-Iweala: “Có lẽ chúng ta có thể sử dụng những mối quan ngại hiện nay để thay đổi hệ thống một cách tốt hơn. Đây là cơ hội tuyệt vời cho các quốc gia thành viên WTO cùng hợp tác với nhau để bảo vệ 74% thương mại hàng hoá toàn cầu hiện vẫn đang được tiến hành dưới các Quy chế tối huệ quốc (MFN)”.

Khẳng định quyết tâm biến cơ hội thành thách thức, Đại sứ Saudi Arabia tại WTO, ông Saqer Abdullah Almogbel, Chủ tịch Đại hội đồng WTO, cho biết WTO cùng các quốc gia thành viên đang có những thảo luận nghiêm túc về việc nhanh chóng xây dựng các cơ chế mới để biến WTO thành một tổ chức có thực quyền hơn trong thúc đẩy tự do thương mại toàn cầu dựa trên luật lệ.

Đại sứ Saqer Abdullah Almogbel cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành các tham vấn ngay lập tức trong tuần này với các phái đoàn quan tâm để giúp các thành viên WTO tìm ra cách thức tốt nhất xử lý các diễn biến gần đây. Chúng ta đang ở vào thời điểm then chốt, khi các thành viên phải lựa chọn 1 trong 2 con đường: hoặc bỏ mặc những lợi ích mà WTO mang lại cho sự thịnh vượng toàn cầu, hoặc tiếp tục xây dựng trên những di sản của 3 thập kỷ hệ thống thương mại dựa trên luật lệ để giúp thế giới tốt đẹp hơn”.
Theo các số liệu được WTO đưa ra trong tuần này, trước khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang, tổ chức này điều phối khoảng 80% trao đổi thương mại toàn cầu nhưng con số này hiện giảm xuống chỉ còn khoảng 75%. Điều này cho thấy WTO cần phải hành động nhanh chóng để ngăn chặn các kịch bản xấu hơn bởi nếu bị chia tách thành hai khối đối đầu nhau, GDP thực của nền kinh tế toàn cầu có thể sụt giảm đến 7% trong dài hạn.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác