Quảng bá văn hóa qua những điệu múa Việt Nam

(VOV5) - Chị và các thành viên của nhóm luôn lấy điệu múa Việt Nam làm gốc trong các chương trình biểu diễn của mình với mong muốn góp phần quảng bá nét đẹp của văn hóa Việt Nam.

Là cô giáo trẻ đang tham gia giảng dạy tiếng Việt ở Đài Loan (Trung Quốc), với niềm đam mê quảng bá văn hóa, chị Phùng Mỹ Anh đã thành lập một nhóm múa Việt Nam tại huyện Miêu Lật, nơi chị đang sinh sống và làm việc. Ngoài ra, chị còn kết hợp với vũ đoàn Đài-Việt có sự tham gia của nhiều nước trên thế giới. Chị và các thành viên của nhóm luôn lấy điệu múa Việt Nam làm gốc trong các chương trình biểu diễn của mình với mong muốn góp phần quảng bá nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Chúng ta hãy cùng nghe chị Phùng Mỹ Anh chia sẻ về niềm đam mê của mình:

 Nghe âm thanh tại đây:

 

Quảng bá văn hóa, mỗi người có cách quảng bá khác nhau và có rất nhiều cách để quảng bá văn hóa đến nước sở tại mà chúng em đang sinh sống. Ngoài công việc giảng dạy trên giảng đường, em cũng có sở thích nho nhỏ, đó là ca hát và nhảy múa. Thường thường em tham gia vào vũ đoàn, thì đều đưa tính chất Việt Nam của mình, đem lời ca, tiếng hát, điệu múa dân gian Việt Nam đến với Đài Loan, chứ thường em không nhảy hip hop hay nhảy những bài mà ở Đài Loan đã có rồi, vì không thể hiện bản sắc dân tộc của mình.

Quảng bá văn hóa qua những điệu múa Việt Nam - ảnh 1Chị Mỹ Anh và nhóm múa

Nhóm chúng em chỉ là với niềm đam mê, không phải chuyên nghiệp, nhưng điều đặc biệt của nhóm là đem được bản sắc văn hóa của mình sang bên này, qua trang phục, hát bằng tiếng Việt Nam, múa những giai điệu bằng tiếng Việt Nam. Tuy mọi người không hiểu những lời hát, nhưng qua vũ đạo, qua cách thể hiện, mọi người có thể hiểu được văn hóa Việt Nam rất là rộng, có thể thể hiện được đời sống của người Việt xưa. Qua điệu múa, có thể thể hiện cho mọi người thấy là người dân Việt Nam ngày trước là như thế, họ mặc những trang phục Việt Nam như thế, để thể hiện điều gì đó trong cuộc sống.

Quảng bá văn hóa qua những điệu múa Việt Nam - ảnh 2Một buổi tập của nhóm

Ngoài vũ đoàn này, em còn kết hợp với vũ đoàn Đài-Việt. Vũ đoàn này bao gồm cả người Đài và người Việt, còn có cả các nước khác như Philippine, Thái Lan, Indonesia…,giống như Hiệp hội đa văn hóa về vũ đạo. Nhưng nhìn chung, khi đi biểu diễn, em thường lấy vũ điệu Việt Nam làm gốc.  Em thường dẫn đoàn đi diễn, đúng như em nói là quảng bá văn hóa có nhiều cách, cũng có thể là giảng về văn hóa, nhưng có khi người ta không yêu cầu đứng giảng mà yêu cầu mình góp một tiết mục biểu diễn, giống như là mình có thể đem tiết mục biểu diễn đó vào những Hội dưỡng lão, hội người tàn tật, trong các trại cải tạo…diễn cho họ xem, miễn phí và chủ yếu là mang đậm bản sắc nguồn cội. Nếu có điều kiện, em cũng muốn mở rộng hơn nhóm của mình. 

Quảng bá văn hóa qua những điệu múa Việt Nam - ảnh 3Những trang phục mang bản sắc văn hóa dân tộc

Mong muốn của cô giáo trẻ Phùng Mỹ Anh là mở rộng hơn nữa nhóm múa của mình, không chỉ về số thành viên mà còn đưa nhiều làn điệu khác của Việt Nam vào trong các tiết mục. Nhóm cũng sẽ tham gia biểu diễn ở nhiều khu vực hơn, qua đó, góp phần giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam tới bạn bè nước ngoài không chỉ qua tiếng nói, qua trang phục, mà còn qua những điệu múa của dân tộc Việt Nam. 

Một số tiết mục của nhóm tại các sự kiện:
Quảng bá văn hóa qua những điệu múa Việt Nam - ảnh 4
Quảng bá văn hóa qua những điệu múa Việt Nam - ảnh 5
Quảng bá văn hóa qua những điệu múa Việt Nam - ảnh 6
Quảng bá văn hóa qua những điệu múa Việt Nam - ảnh 7
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác