Tinh gọn thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư thông qua áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt

(VOV5) - Thủ tục đầu tư đặc biệt được áp dụng đối với các dự án thuộc khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung...
Luật sư Mỹ Ngân, Văn phòng Luật sư Nguyễn Hưng Quang và Cộng sự thông tin về tinh gọn thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư thông qua áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt.
Nghe âm thanh tại đây:
 

Văn phòng Luật sư Nguyễn Hưng Quang và cộng sự.

Nhà B23, Khu Biệt thự Trung Hoà – Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Điện thoại: (84)02435376939. Fax: (84)02435376941

Website:www.nhquang.com

Luật Đầu tư 2020, sửa đổi bổ sung năm 2024 đã cập nhật Điều 36a quy định nhóm các dự án đầu tư đáp ứng điều kiện đặc thù được đăng ký đầu tư theo thủ tục đặc biệt. Theo đó, từ ngày 15/01/2025, nhà đầu tư thực hiện các dự án được điều chỉnh bởi thủ tục mới sẽ được áp dụng chính sách ưu đãi hơn khi lược bỏ nhiều giấy phép, thủ tục hành chính liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư, môi trường, quy hoạch xây dựng, phòng cháy chữa cháy (PCCC) và một số thủ tục khác theo quy định của pháp luật. Thủ tục đầu tư đặc biệt được áp dụng đối với các dự án thuộc khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại tự do và khu chức năng trong khu kinh tế trong một số lĩnh vực sau đây (trừ các dự án theo Điều 30 Luật Đầu tư 2020):

(i) Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D);

(ii) Đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, vật liệu bán dẫn;

(iii) Đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Dự án đầu tư tại khu công nghệ cao phải đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí đối với dự án thực hiện hoạt động công nghệ cao theo Luật Công nghệ cao và quy định của Chính phủ về khu công nghệ cao.

Nhằm hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện các quy định trên, ngày 10/02/2025, Nghị định 19/2025/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Đầu tư về thủ tục đầu tư đặc biệt (Nghị định 19) đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày ban hành. Một số nội dung đáng chú ý liên quan đến thủ tục đầu tư đặc biệt bao gồm:

Thứ nhất, Nghị định 19 quy định việc thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư với các dự án đầu tư theo thủ tục đầu tư đặc biệt. Theo thủ tục đăng ký đầu tư thông thường tại Luật Đầu tư 2020, trước khi thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư cần thực hiện thủ tục hành chính về môi trường, xây dựng, PCCC. Thủ tục đầu tư đặc biệt giản lược việc thực hiện các thủ tục hành chính nêu trên, chỉ yêu cầu nhà đầu tư cam kết việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, không thực hiện các hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật liên quan trong các lĩnh vực này và chịu hoàn toàn trách nhiệm trong trường hợp không thực hiện đúng nội dung cam kết. Nội dung cam kết được thể hiện trong văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư.

Để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế (sau đây gọi chung là Ban quản lý). Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ban quản lý đánh giá hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Thứ hai, bên cạnh các nghĩa vụ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư tại Điều 43 Luật Đầu tư 2020, Điều 25, Điều 26, Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư theo thủ tục đầu tư đặc biệt cần thực hiện thêm một số thủ tục bảo đảm thực hiện dự án theo Nghị định 19 như sau:

Nhà đầu tư lựa chọn thực hiện một trong hai phương thức (i) ký quỹ hoặc (ii) nộp cam kết bảo lãnh của tổ chức tín dụng về nghĩa vụ ký quỹ để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm. Thời hạn thực hiện phương thức bảo đảm sẽ linh hoạt theo từng trường hợp: (i) Nhà đầu tư không tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (ii) Nhà đầu tư đã tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (iii) Khu đất thực hiện dự án đã được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thu hồi đất.

Việc hoàn trả nghĩa vụ bảo đảm thực hiện dự án được chia theo 02 giai đoạn như sau:

i. Nhà đầu tư gửi Ban quản lý văn bản thông báo khởi công và các tài liệu theo khoản 8 Điều 36a của Luật Đầu tư 2020, sửa đổi, bổ sung năm 2024: được hoàn trả 50% số tiền ký quỹ; hoặc giảm 50% số tiền bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ;

ii. Nhà đầu tư gửi Ban quản lý biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng để đưa vào khai thác sử dụng: được hoàn trả số tiền ký quỹ còn lại và tiền lãi phát sinh từ số tiền ký quỹ (nếu có); hoặc chấm dứt hiệu lực của bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ.

Thứ ba, nhà đầu tư dự án cần lưu ý thông báo, thực hiện một số thủ tục trước và trong quá trình thực hiện dự án đầu tư theo thủ tục đặc biệt trong một số trường hợp đặc thù, cụ thể như sau:

(i) Thông báo khởi công, gửi kèm Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, Báo cáo kết quả thẩm tra Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý trật tự xây dựng tại địa phương và Ban quản lý chậm nhất là 30 ngày trước khi khởi công xây dựng: áp dụng với dự án đầu tư có cấu phần xây dựng.

(ii) Thực hiện thủ tục cấp Giấy phép môi trường (đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục này) trước khi khởi công xây dựng tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền: trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường áp dụng tương ứng đối với dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.

Nhìn chung, quy định mới của pháp luật đầu tư đã tạo tiền đề để các dự án thuộc nhóm thực hiện thủ tục đầu tư đặc biệt được rút ngắn thời gian để triển khai dự án trên thực tế khi tinh giản nhiều các thủ tục thành phần phát sinh trong quá trình đầu tư. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và đầu tư, thời hạn thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư với các dự án đầu tư theo thủ tục đầu tư đặc biệt chỉ trong 15 ngày, rút ngắn 260 ngày so với việc thực hiện cấp giấy chứng nhận đầu tư thông thường. Đây được coi là bước đột phá mới trong hoạt động cấp giấy phép đầu tư, kỳ vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

Do đó, doanh nghiệp có kế hoạch triển khai dự án đầu tư thuộc lĩnh vực áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt cần cập nhật các quy định của Nghị định 19 để có thể triển khai dự án đầu tư hiệu quả, nhanh chóng hơn. Ngoài ra, cần lưu ý về quy định chuyển tiếp tại Điều 9, Nghị định 19 liên quan đến việc giải quyết các hồ sơ của dự án đầu tư được tiếp nhận trước 15/01/2025 nhưng chưa có kết quả để thực hiện phù hợp với quy định. Trong trường hợp muốn tìm hiểu thêm và tư vấn liên quan đến các chính sách và quy định mới của Nghị định 19, Văn phòng luật sư NHQuang&Cộng sự sẵn sàng giải đáp, cung cấp các ý kiến pháp lý liên quan tới Quý Khách hàng.  
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác