Những làng hoa trên cao nguyên Lâm Viên

(VOV5) - Sau thành công của làng hoa Hà Đông, nhiều làng hoa khác trên Cao nguyên Lâm Viên, Đà Lạt, cũng được hình thành và phát triển mạnh mẽ. 

Nghe âm thanh bài tại đây:

 

Nằm ở độ cao hơn 1.400 mét so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát dịu, với nhiệt độ trung bình 18-22 độ, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, đã được mệnh danh là xứ sở ngàn hoa. Đến nay, Đà Lạt đã phát triển được các làng hoa truyền thống quy mô lớn và có thương hiệu riêng. Điều này đã góp phần tạo nên nét đặc trưng cho vùng đất này.

Những làng hoa trên cao nguyên Lâm Viên - ảnh 1Trăm hoa đua nở ở làng hoa Hà Đông trên cao nguyên Lâm Viên, TP. Đà Lạt. Ảnh: dalat.vn

Làng hoa Hà Đông trên cao nguyên Lâm Viên, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, hình thành cách đây gần 1 thế kỷ (năm 1930). Làng gồm cư dân từ các làng, như: Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Vạn Phúc, Xuân Tảo, Ngọc Hà (Hà Nội) đến lập nghiệp. Từ làng hoa đầu tiên, đến nay, Đà Lạt có thêm nhiều làng hoa mới, tô điểm thêm cho Thành phố hoa.

Những làng hoa trên cao nguyên Lâm Viên - ảnh 2Cụ Vũ Hữu Xiêm, thế hệ thứ nhất của làng hoa Hà Đông. Ảnh: thanhnien.vn

Ông Vũ Hữu Xiêm và ông Tạ Minh Quân, người dân làng hoa Hà Đông, cho biết: "Tất cả các cụm làng có mấy người thôi, các cụ vào đây để khai khẩn đất vì toàn rừng núi. Lúc đầu, chủ yếu trồng rau để cung cấp người Pháp."

"Cái tên Hà Đông là để tưởng nhớ cụ Hoàng Trọng Phu, Tổng đốc tỉnh Hà Đông. Cụ bảo mình là người gốc Hà Đông, trong này nên lấy tên là Hà Đông."

Những người dân làm vườn giàu kinh nghiệm cùng với sự cần mẫn đã khiến những đồi hoang, cỏ dại có diện mạo mới với những vườn rau, vườn hoa tốt tươi. Từ đó, ấp Hà Đông đã trở thành làng nghề trồng hoa đầu tiên ở Đà Lạt. Cây hoa tại làng hoa Hà Đông đã phát triển mạnh mẽ cho ra những bông hoa, tươi lâu và màu sắc rực rỡ.

Chị Trần Thị Bé Thảo, người dân làng hoa Hà Đông, cho biết:"Hồi trước thì trồng những các loại hoa môn, bây giờ mới phát triển thành hoa lan. Rồi một thời gian hoa lan nhiều nên lại phát triển thêm một số mặt hàng cây cảnh mới, như: sen đá, phong lan giống mới, hoặc các cây hoa lá để phục vụ cho trang trí."

Sau thành công của làng hoa Hà Đông, nhiều làng hoa khác trên Cao nguyên Lâm Viên, Đà Lạt, cũng được hình thành và phát triển mạnh mẽ. Gần 70 năm trước (năm 1956), làng hoa Thái Phiên được hình thành, người dân dần đến định cư và phát triển nghề trồng hoa. Nhờ vào điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn nước dồi dào từ các khe suối dẫn ra hồ Than Thở, Thái Phiên đã trở thành một trong những vựa hoa lớn nhất của thành phố Đà Lạt với hơn 430 hécta đất trồng hoa.

Những làng hoa trên cao nguyên Lâm Viên - ảnh 3Nhà vườn ở làng hoa Thái Phiên (Phường 12, Đà Lạt) thu hoạch hoa ly. Ảnh: TTXVN

Ông Bùi Văn Hội, làng hoa Thái Phiên, chia sẻ: "Kỹ thuật trồng hoa thì mỗi người có kỹ thuật riêng và người ta giữ cho người ta. Từ lúc trồng đến thu thì 3 tháng, tùy theo mùa. Mình cũng phải theo dõi, tháng nào bao nhiêu ngày thì ra hoa để mình biết năm sau rút kinh nghiệm trồng sao để cho trúng ngày Rằm, mùng 1 Âm lịch, hoặc các ngày lễ… ngày nào cũng phải nhớ, mình phải canh. Trồng hoa này thu nhập trên 100 triệu đồng (khoảng 4.000 USD)/sào. Kinh tế so với rau thì trồng hoa vượt trội… Từ đó mới có tiền để nuôi con ăn học và xây dựng căn nhà để ở."

Cùng với Hà Đông và Thái Phiên, làng Hoa Vạn Thành cũng được đông đảo người dân và du khách biết đến. Nằm gọn trong lòng đô thị nhưng làng hoa này vẫn giữ được nét bình dị gần gũi, đồng thời góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế và du lịch Đà Lạt.

Ông Vũ Hoàng Anh, người dân làng hoa Vạn Thành, cho biết: "Từ nhỏ tôi đã làm quen với hoa rồi… Thời điểm mà Vạn Thành trồng hoa nhiều khoản như năm 1990. Nhu cầu về hoa ở thị trường cũng khá cao mà hồi đó chưa có đa dạng cây giống hoa, chỉ có hoa hồng là cập nhật được nhiều hơn. Thời điểm đó, hoa hồng rất được ưa chuộng và rất giá trị trên thị trường, gần như là độc tôn trên các loại hoa."

Người trồng hoa Vạn Thành đã nhanh chóng tiếp cận và áp dụng công nghệ trồng hoa trong nhà kính, tích cực nhân giống các loại hoa mới. Họ không chỉ trồng các loại hoa truyền thống, như: hoa hồng, cúc, cẩm chướng… mà còn thử nghiệm và sản xuất nhiều loại hoa mới lạ và quý hiếm. Với vị trí thuận lợi và cảnh quan thơ mộng, Vạn Thành trở thành điểm đến hấp dẫn cho những ai yêu thích thiên nhiên và muốn khám phá nét đẹp đặc trưng của Đà Lạt.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, người dân làng hoa Vạn Thành, chia sẻ "Cha mẹ tôi từ ngoài Bắc vào đây khai hoang, thấy điều kiện tự nhiên thích hợp với những cây hoa, lá... nên quyết định trồng. Người trồng cúc, người trồng hoa ly, người trồng hoa hồng… nói chung đa dạng. Nghề của cha ông để lại nên mình cố gắng để làm và giữ nghề."

Theo thời gian, các làng hoa Đà Lạt đã không ngừng mở rộng quy mô và đa dạng hóa chủng loại hoa trồng. Thành phố có gần 4.000 héc ta diện tích trồng hoa, sản lượng ước đạt 1,5 tỷ cành/năm, với hơn 400 loại hoa và hàng nghìn giống khác nhau. Ngoài trồng hoa, những người trồng hoa Đà Lạt đã đầu tư, phát triển sản xuất các sản phẩm từ hoa, như: tinh dầu hoa, trà thảo mộc... Những làng hoa truyền thống, như: Hà Đông, Thái Phiên Vạn Thành không chỉ đóng góp vào kinh tế địa phương thông qua sản xuất và xuất khẩu hoa mà còn tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi năm. Dạo bước giữa những cánh đồng hoa bạt ngàn, tận mắt chứng kiến quy trình trồng và chăm sóc hoa… mang lại cho du khách những trải nghiệm không thể nào quên khi ghé thăm vùng đất này.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác