Từ làng nghề thành điểm du lịch Vạn Điểm

(VOV5) - Làng nghề gỗ Vạn Điểm, thuộc xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội, nổi tiếng với những sản phẩm gỗ truyền thống tinh xảo.

Làng đã được Sở Du lịch Hà Nội công nhận là điểm du lịch cao cấp.

Nghe âm thanh bài tại đây:
 

Tới làng nghề Vạn Điểm, người ta thấy nơi đây như một công xưởng sản xuất gỗ. Những người thợ cần mẫn làm việc suốt ngày, tiếng đục đẽo, tiếng búa, tiếng cưa… vang lên khắp nơi. Với lịch sử nghề mộc hơn một thế kỷ, Vạn Điểm đã trở thành một trong những làng nghề gỗ nổi tiếng ở Việt Nam. 

Từ làng nghề thành điểm du lịch Vạn Điểm - ảnh 1Sản phẩm gỗ truyền thống ở làng nghề gỗ Vạn Điểm được đánh giá là tinh xảo. Ảnh: lamgiau.laodongthudo.vn

Ông Hoàng Kỳ Tài, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Điểm, chia sẻ: "Ở đây có những bộ ghế làm bằng gỗ gõ. Tất cả những họa tiết đục, chạm được chính các nghệ nhân, thợ mộc trong làng sản xuất ra. Có thể thấy những con nghê, bàn ghế… cũng đều do nghệ nhân của làng làm ra."

Điều làm nên sức hấp dẫn của làng nghề gỗ Vạn Điểm không chỉ nằm ở chất lượng sản phẩm mà còn ở truyền thống của làng. Ở đây có nhiều gia đình có truyền thống mấy đời làm nghề mộc. Những người thợ Vạn Điểm không chỉ học hỏi từ ông cha gìn giữ hồn cốt của nghề mà còn sáng tạo, đổi mới để sản phẩm của mình có thể đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bà Quyền Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vạn Điểm, cho biết: "Trong làng hiện nay có trên 800 hộ, trong đó có 600 hộ tham gia sản xuất đồ gỗ. Các hộ tham gia với vai trò khác nhau, chia ra thành nhóm buôn bán, xẻ gỗ, gia công và chế tác. Hiện nay, với hàng Vạn Điểm còn có sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật trong khâu sản xuất, đặc biệt khâu chạm khắc, đục có sử dụng máy móc tự động."

Từ làng nghề thành điểm du lịch Vạn Điểm - ảnh 2Những người thợ mộc cần mẫn hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: velang.vn

Thợ mộc làng Vạn Điểm tài hoa, sáng tạo. Họ nổi tiếng làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gỗ theo phong cách giả cổ và hiện đại. Nhiều sản phẩm gỗ Vạn Điểm  đã được xuất khẩu ra các nước.

Ông Hoàng Kỳ Nhẫn, nghệ nhân ở làng nghề mộc Vạn Điểm, kể: "Ý tưởng của người thợ luôn bắt kịp thị trường và thị hiếu của người dân. Ví dụ, chạm khảm hợp với thị hiếu của giới trẻ, người thợ nắm bắt được tâm tư tình cảm như thế thì mới thiết kế ra được mẫu mã. Khi thiết kế ra được trên máy tính xong, làm ra thực tế thấy hợp lý thì mới bắt đầu triển khai."

Do sự phát triển của nghề mộc, làng Vạn Điểm đã hình thành điểm du lịch. Điểm du lịch Vạn Điểm có diện tích gần 70 ha, với khu tập trung các hộ làm nghề, trưng bày sản phẩm, khu dịch vụ ăn uống và các dịch vụ khác. Tới đây, du khách được tham quan làng nghề truyền thống, Giếng đá cổ, nhà cổ, cây đa - cây di sản… kết hợp trải nghiệm, lưu trú, chiêm bái Đình, Chùa, Đền thờ Tổ làng nghề Mộc cao cấp… là di tích lịch sử được xếp hạng cấp Quốc gia.

Làng Vạn Điểm được kết nối với các điểm du lịch trong huyện Thường Tín, như: Làng nghề sinh vật cảnh xã Hồng Vân, Chùa Đậu xã Nguyễn Trãi; làng nghề thêu Quất Động, Thắng Lợi; Lược sừng Thụy Ứng; Đền thờ Nguyễn Trãi xã Nhị Khê; Làng nghề Sơn mài Hạ Thái; mây tre đan và cụm di tích Đền Lộ xã Ninh Sở...

Từ làng nghề thành điểm du lịch Vạn Điểm - ảnh 3Trao quyết định công nhận điểm du lịch làng nghề cho UBND xã Vạn Điểm tháng 4/2023. Ảnh: thuonghieuvaphapluat.vn

Bà Quyền Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vạn Điểm, cho biết: "Để đảm bảo du lịch, trước tiên là xã phát huy lợi thế sẵn có của điểm du lịch làng nghề là sản xuất đồ gỗ. Xã Vạn Điểm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng về giá trị du lịch dịch vụ, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời, duy trì bảo tồn các giá trị văn hóa địa phương. Hiện nay, xã Vạn Điểm đã thành lập quỹ đất để phát triển làng nghề và điểm du lịch làng nghề để phát triển du lịch."

 Nếu như trước đây, làng mộc Vạn Điểm chỉ nhộn nhịp về việc sản xuất hay buôn bán đồ gỗ, thì nay làng còn sôi động bởi sự có mặt của khách du lịch. Nhiều đoàn khách trong nước và ngoài nước tấp nập đến trải nghiệm nhịp sống của làng nghề mộc truyền thống này.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác