(VOV5) - Tỉnh Bình Dương có nhiều ngành nghề truyền thống, trong đó có những làng nghề được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Trước tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, tỉnh Bình Dương có nhiều chính sách bảo tồn, phát triển làng nghề, hỗ trợ doanh nghiệp, nghệ nhân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, tỉnh Bình Dương có 32 làng nghề, 9 nghề truyền thống. Nhiều làng nghề truyền thống đến nay được gìn giữ, phát triển, như: làng sơn mài Tương Bình Hiệp, làng gốm sứ Lái Thiêu, làng gốm sứ Tân Phước Khánh, làng gốm sứ Chánh Nghĩa, làng guốc Phú Thọ, làng điêu khắc - chạm gỗ Phú Thọ, làng điêu khắc - chạm gỗ An Thạnh, làng heo đất Lái Thiêu…
Đối với nghề sản xuất sơn mài, sau khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016, năm 2017, tỉnh Bình Dương xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp du lịch”. Họa sĩ Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch Hiệp hội sơn mài tỉnh Bình Dương, cho biết: "Sau khi Đề án được thành lập, ngoài chương trình xúc tiến thương mại, các hoạt động sản xuất kinh doanh thì chương trình đào tạo cũng được triển khai. Nghề đặc thù thì phải có lực lượng kế thừa, phải có sự tiếp nối liên tục. Do đó, nên chúng tôi mời các nghệ nhân đến truyền giữ nghề cho thế hệ trẻ."
Tỉnh Bình Dương còn nổi tiếng với nghề sản xuất gốm sứ và có những thương hiệu, như: Minh Long, Cường Phát, Phước Dũ Long… Sản phẩm gốm Bình Dương cũng được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Mặc dù đã có tên tuổi nhưng do ảnh hưởng của xung đột, dịch bệnh, các cơ sở gốm sứ ở Bình Dương đang gặp khó khăn về đơn hàng.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, cho biết hầu hết các cơ sở gốm sứ đều kinh doanh theo mô hình gia đình nên không có vốn để xây dựng nhà xưởng mới. Mặt khác, thợ lành nghề đã ổn định chỗ ở nên sẽ không theo nhà máy di chuyển nơi khác. Để lưu giữ nghề truyền thống đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cần có chính sách hỗ trợ đặc thù: "Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành quy hoạch 1- 2 cụm công nghiệp có vị trí giao thông thuận tiện, không quá xa nơi sản xuất cũ để doanh nghiệp vận chuyển lao động lành nghề lên nơi sản xuất mới. Từ đó, gây dựng bộ khung sản xuất, nơi sản xuất mới đi vào ổn định thì sau đó ngưng hẳn ở nơi cũ."
Liên quan đến việc đào tạo nghề để có đội ngũ kế thừa, tỉnh Bình Dương miễn tiền học phí cho học sinh học các nghề sơn mài, điêu khắc tại trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa tỉnh. Các trường nghề cũng sẽ kết nối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nghề truyền thống để đào tạo theo yêu cầu.
Ông Hồ Trúc Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Dương, cho biết: "Sở tham mưu tham mưu Ủy ban nhân dân cơ chế, chính sách để các nghệ nhân tham gia đào tạo nghề trong các chương trình đào tạo nghề của tỉnh để duy trì, phát huy giá trị, tinh hoa, sáng tạo của người nghệ nhân, đảm bảo gìn giữ được các nghề truyền thống."
Vấn đề hỗ trợ vốn, chính sách để các làng nghề, người theo nghề truyền thống có thêm nguồn lực đầu tư sản xuất, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng chỉ đạo các ngành tham mưu, đề xuất cơ chế đặc thù ngoài các chính sách của trung ương. Ông Nguyễn Văn Dành, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương, cho biết: "Tỉnh Bình Dương quy hoạch không gian phát triển làm sao để bảo tồn làng nghề theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ mới. Làm sao nghề truyền thống trở thành nền kinh tế gắn với phát triển du lịch."
Tỉnh Bình Dương đã và đang nỗ lực “đánh thức” làng nghề truyền thống để bắt kịp với xu thế thị trường, qua đó lưu giữ bản sắc làng nghề truyền thống và góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.