Mỹ rời WHO: Định hình lại quản trị y tế toàn cầu

(VOV5) - WHO vẫn có vai trò dẫn dắt các hợp tác y tế toàn cầu nếu cải tổ thành công cơ chế hoạt động của tổ chức này.

Việc Mỹ thông báo rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gây ra nhiều lo ngại đối với năng lực hoạt động của tổ chức này. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây cũng có thể là cơ hội để định hình lại hệ thống quản trị y tế toàn cầu, với sự tham gia tích cực hơn của các quốc gia châu Á và châu Phi.

Mỹ rời WHO: Định hình lại quản trị y tế toàn cầu - ảnh 1Trụ sở Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày đầu tiên nhậm chức Tổng thống Mỹ hôm 20/01, ông Donald Trump ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp, trong đó có việc rút Mỹ ra khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với lí do tổ chức này hoạt động không hiệu quả, đồng thời Mỹ phải đóng góp số tiền không công bằng. Nếu không có gì thay đổi, Mỹ sẽ chính thức rời WHO vào ngày 22/1/2026. Sự ra đi của Mỹ, nhà tài trợ chính phủ lớn nhất, đóng góp khoảng 18% tổng kinh phí của WHO, chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của tổ chức này, buộc WHO đẩy nhanh việc cải tổ cũng như tìm kiếm các nguồn tài trợ mới để đáp ứng khoản ngân sách cho các chương trình cơ bản lên tới 4,9 tỷ USD.

Theo WHO, tổ chức này nhận được hai loại nguồn tài trợ chính. Thứ nhất là phí thành viên. Đây là khoản đóng góp cố định mà mỗi quốc gia thành viên phải trả hằng năm. Khoản đóng góp này giúp WHO duy trì hoạt động hằng ngày, trả lương cho nhân viên và chi trả cho các hoạt động quản lý cơ bản. Thứ hai, là đóng góp tự nguyện. Đây là những khoản đóng góp từ các tổ chức tài trợ và quốc gia, chủ yếu dành cho các dự án cụ thể và hoạt động ngắn hạn. Tuy nhiên, nguồn tài trợ này thiếu tính ổn định và phụ thuộc vào sự thay đổi của các quốc gia tài trợ. Với việc Mỹ rút khỏi WHO, các khoản đóng góp từ các nhà tài trợ có trụ sở tại Mỹ cũng có thể bị giảm sút, gây ảnh hưởng đến các chương trình y tế toàn cầu quan trọng. Matthew Kavanagh, Giám đốc Trung tâm Chính sách y tế toàn cầu và chính trị, Đại học Georgetown (Mỹ), nhận định:   “Tổn thất về tài chính là rất lớn và nếu các quốc gia trên thế giới không tiến lên gánh vác trách nhiệm và lấp đầy khoảng trống tài chính sắp tới thì Tổ chức Y tế thế giới sẽ bị tổn hại rất nặng”.

Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreysus, cảnh báo việc Mỹ rút khỏi WHO không chỉ là mất mát lớn về tài chính cho WHO mà còn ảnh hưởng đến sự hợp tác y tế quốc tế, đặc biệt là trong việc chống lại các đợt bùng phát dịch. Bên cạnh đó, việc Mỹ tạm dừng đóng góp viện trợ nước ngoài, được điều phối thông qua Cơ quan viện trợ nước ngoài của Mỹ (USAID), tác động mạnh đến các chương trình chống bại liệt, HIV và các mối đe dọa khác. Ví dụ, việc đình chỉ tài trợ cho Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Mỹ về AIDS (PEPFAR) đã khiến các dịch vụ xét nghiệm, điều trị và phòng ngừa HIV tại 50 quốc gia phải dừng ngay lập tức.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, ngoài các tác động tiêu cực, quyết định rút khỏi WHO của Mỹ cũng có thể là cơ hội để cải tổ hệ thống quản trị y tế toàn cầu, xây dựng WHO thành một tổ chức rộng mở hơn, hiệu quả hơn và tránh phụ thuộc vào một số ít quốc gia. Gian Luca Burci, Giáo sư Luật quốc tế tại Viện Nghiên cứu quốc tế và phát triển Geneva (IHEID), nhấn mạnh: “Đôi khi khủng hoảng cũng là cơ hội. Tôi tự hỏi không rõ liệu có người nào, quan chức ngoại giao, hay chính phủ nào nghĩ rằng nếu Mỹ thực sự rút khỏi WHO và tổ chức này mất hàng tỷ USD, thì đây chính là lúc thúc đẩy các cải cách giúp WHO tập trung nhiều hơn vào một số ít vấn đề mà tổ chức này thực sự có lợi thế và từ bỏ nhiều vấn đề khác”.

Theo giới quan sát, dù có nhiều đóng góp cho y tế toàn cầu nhưng WHO cũng tồn tại nhiều vấn đề về quản trị, do đó, đây là thời điểm buộc tổ chức này cải tổ toàn diện. Các cải tổ này có thể  bao gồm việc giảm bớt nhân sự, chuyển trụ sở chính đến các văn phòng khu vực ở châu Phi, châu Á, hoặc Mỹ Latinh, nơi các vấn đề sức khỏe đòi hỏi sự chú ý đặc biệt. Việc chuyển trụ sở chính đến các khu vực này sẽ giúp giảm chi phí và tăng cường khả năng tập trung vào các vấn đề y tế cấp bách.

Đồng thời, WHO sẽ có thể phát huy tối đa khả năng của mình khi làm việc trực tiếp với các quốc gia đang đối mặt với những thách thức lớn về y tế. Về khía cạnh tài chính, WHO cũng có thể thúc đẩy một cơ chế đóng góp đa dạng hơn, trong đó vai trò và trách nhiệm của các nước đang phát triển cần được thể hiện rõ hơn. Kent Buse, Giáo sư Y tế công cộng, Đại học Monash tại Malaysia, đánh giá rất nhiều quốc gia đang phát triển có thể bù đắp cho phần thiếu hụt do Mỹ để lại: “Tất cả các nước trong nhóm các nền kinh tế mới nổi – BRICS, bao gồm cả các thành viên gia nhập sau này, đều có khả năng và nên gánh trách nhiệm lớn hơn trong việc chia sẻ chi phí đối với các chính sách an ninh, an toàn và ngoại giao y tế toàn cầu mà WHO đưa ra. Ngoài ra, tôi nghĩ các nước vùng Vịnh cũng có thể đóng góp lớn”.

Giáo sư Kent Buse cũng nhận định chính quyền Mỹ hiện không có kế hoạch lập nên một tổ chức khác thay thế WHO, do đó, WHO vẫn có vai trò dẫn dắt các hợp tác y tế toàn cầu nếu cải tổ thành công cơ chế hoạt động của tổ chức này, trong đó quan trọng nhất là việc đa dạng hoá vai trò và trách nhiệm đóng góp của các nước thành viên.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác