(VOV5) - Băng tan nhanh trên các đỉnh núi, cộng với tình trạng băng tan ở Nam Cực hay Greenland cũng đang làm biến đổi các hệ thống khí hậu trên thế giới.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) mới đây công bố báo cáo cho thấy tình trạng băng tan trên thế giới đang diễn ra với tốc độ đáng báo động. Theo giới chuyên gia, tình trạng này có thể đe dọa đến nguồn cung cấp nước ngọt và thực phẩm của 2 tỷ người trên thế giới trong tương lai.
Sông băng Fox ở bờ biển phía Tây của Đảo Nam - New Zealand trong ảnh chụp ngày 19/3/2025. Ảnh: Tân Hoa xã |
Trong tài liệu mang tên “Báo cáo về phát triển nước thế giới 2025 của Liên hiệp quốc”, công bố hôm 20/03, UNESCO cho biết băng tại các ngọn núi lớn trên thế giới cung cấp đến 60% nguồn nước cho thế giới, có tác động trực tiếp đến cuộc sống của hàng tỷ người dân ở các quốc gia, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong các chu trình thủy văn toàn cầu. Do đó, các ngọn núi băng vẫn được xem là các tháp nước tự nhiên quý giá của thế giới. Hiện tại, khoảng 1,1 tỷ dân, tương đương 14% dân số toàn cầu, sinh sống tại các vùng núi và phụ thuộc trực tiếp vào các nguồn nước từ băng trên các ngọn núi để sản xuất lương thực, năng lượng và sinh hoạt hàng ngày.
Tuy nhiên, số liệu do UNESCO tổng hợp được cho thấy tốc độ băng tan trên các ngọn núi đang diễn ra nhanh chưa từng thấy, đe dọa mang lại các hậu quả khó lường cho các quốc gia, cộng đồng. Cụ thể, tốc độ băng tan trên các ngọn núi được ghi nhận cao nhất trong 3 năm qua và các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất là Thụy Điển, Na Uy (đặc biệt là quần đảo Svalbard nằm giữa Na Uy và Bắc Cực) và dãy núi Andes ở Nam Mỹ.
Một nghiên cứu độc lập khác của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) mang tên “Báo cáo thường niên về thực trạng khí hậu thế giới”, công bố hôm 18/03, cũng cho thấy tình trạng băng tan diễn ra ở mọi khu vực trên thế giới. Tại Đông Phi, khoảng 80% lượng băng trên các ngọn núi đã biến mất từ năm 1998. Tại dãy núi Andes ở Nam Mỹ, con số này là khoảng 65%. Tại châu Âu, hai dãy núi lớn, đồng thời cũng là các trung tâm du lịch mùa Đông của châu Âu, là dãy Alps (Thụy Sỹ, Áo, Pháp, Italy) và dãy Pyrenees (Pháp, Tây Ban Nha, Andora) cũng đã mất 40% lượng băng trong cùng thời kỳ. Ông Michael Zemp, Giám đốc Cơ quan giám sát băng thế giới, cho biết: “Kể từ năm 2000, chúng ta mất trung bình mỗi năm khoảng 273 tỷ tấn băng, đó là một con số khổng lồ. Để hình dung rõ hơn, 273 tỷ tấn băng mất đi mỗi năm này tương đương với lượng nước đủ dùng cho toàn bộ dân số thế giới trong vòng 30 năm”.
Thực trạng băng tan nhanh hiện nay đang tác động trực tiếp đến cuộc sống và sinh kế của hàng tỷ người. Tại châu Âu, nơi tốc độ băng tan trên các đỉnh núi Alps và Pyrenees nhanh gấp hai lần so với các nơi khác trên thế giới, rất nhiều khu nghỉ dưỡng đã phải đóng cửa, do không đủ lượng tuyết cần thiết cho việc trượt tuyết trong mùa Đông, đồng thời hiện tượng tuyết lở diễn ra thường xuyên hơn, đe dọa sự an toàn của du khách. Nhưng ngay cả những khu vực còn tương đối nguyên sơ và ít phát triển du lịch, tình trạng băng tan nhanh trên núi cũng gây ra tác động tiêu cực. Bà Sulagna Mishra, chuyên gia khoa học của WMO, cho biết: “Lấy ví dụ khu vực dãy núi Hindu Kush ở Himalaya, nơi vẫn được coi là cực thứ 3 của thế giới bởi lưu trữ nguồn nước rất lớn, hơn 120 triệu nông dân sống trong khu vực chân núi và hạ lưu đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng băng tan”.
Ông Michael Zemp, Giám đốc Cơ quan giám sát băng thế giới. Ảnh: research.uzh.ch |
Băng tan nhanh trên các đỉnh núi, cộng với tình trạng băng tan ở Nam Cực hay Greenland cũng đang làm biến đổi các hệ thống khí hậu trên thế giới, thể hiện qua việc thay đổi các chu kỳ mưa hay làm nước biển dâng. Chuyên gia Michael Zemp nhấn mạnh: “Hiện nay, tình trạng băng tan khiến mực nước biến tăng khoảng 1mm mỗi năm. Con số 1mm này có vẻ quá nhỏ bé nhưng lại có tác động to lớn, bởi mỗi 1mm nước biển dâng thêm sẽ khiến khoảng 200 ngàn đến 300 ngàn người phải chịu các trận lụt mỗi năm”.
Theo giới khoa học, dù ít được quan tâm hơn các tác động khác của biến đổi khí hậu, như: các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhưng băng tan có thể tác động lâu dài và tiêu cực hơn rất nhiều trên diện rộng. Trong nghiên cứu xuất bản tháng trước, tạp chí khoa học danh tiếng Nature nhận định nếu tình trạng băng tan do Trái Đất nóng lên như hiện nay không được ngăn chặn, đến cuối thế kỷ này thế giới sẽ mất 50% lượng băng toàn cầu. Khi đó, cuộc sống của khoảng 2 tỷ người trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, đồng thời hàng loạt lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và năng lượng cũng sẽ bị tác động tiêu cực.
Nhằm ngăn ngừa kịch bản này, Liên hiệp quốc (LHQ) đã lựa chọn năm nay là “Năm quốc tế về bảo tồn băng”, đồng thời thông qua Nghị quyết về “Thập kỷ hành động vì khoa học băng quyển 2025-2034” do UNESCO dẫn dắt nhằm nâng cao nhận thức và hành động bảo vệ băng quyển trước các tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động của con người.