(VOV5) - Ý tưởng đẩy toàn bộ người Palestine khỏi Dải Gaza để xây dựng nơi này thành khu nghỉ dưỡng xa xỉ vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều quốc gia Arab trong khu vực.
Kế hoạch của Tổng thống Mỹ, Donald Trump về việc Mỹ tiếp quản dải Gaza và di dời người Palestine khỏi vùng đất này sang các quốc gia lân cận có nguy cơ khiến Trung Đông thêm bất ổn, đe dọa lợi ích của Mỹ tại khu vực.
Người tị nạn Palestine trở về nhà tại Dải Gaza ngày 28/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN |
Tại cuộc họp báo hôm 04/02, ông Donald Trump nêu ý tưởng Mỹ kiểm soát Gaza, di dời khoảng hai triệu người Palestine tại dải đất sang các quốc gia Arab. Mỹ sẽ san phẳng mọi công trình tại đây để phát triển dải đất thành "Riviera của Trung Đông", ám chỉ khu vực du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng ven Địa Trung Hải, kéo dài từ miền Nam nước Pháp tới Bắc Italia. Đến ngày 10/02, Tổng thống Mỹ tái khẳng định người dân Palestine ở dải Gaza sẽ được bố trí "nơi định cư lâu dài" ở những nơi "tốt hơn" và họ sẽ không có quyền trở lại dải đất sau khi Mỹ tiến hành đại dự án tái thiết khu vực ven biển có diện tích khoảng 365 km2 này.
Ý tưởng đẩy toàn bộ người Palestine khỏi Dải Gaza để xây dựng nơi này thành khu nghỉ dưỡng xa xỉ vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều quốc gia Arab trong khu vực, như: Ai Cập, Jordan, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar, cũng như chính quyền Palestine và Liên đoàn Arab. Các quốc gia Arab cảnh báo nếu ông Trump thực hiện kế hoạch biến Gaza thành "Riviera của Trung Đông", ổn định tại khu vực sẽ bị đe dọa, gia tăng nguy cơ xung đột và làm lu mờ triển vọng hòa bình. Ý tưởng này cũng sẽ đặt dấu chấm hết cho giải pháp "hai nhà nước" nhằm hướng tới hòa bình bền vững và công bằng tại Trung Đông. Các nước này đã lên kế hoạch tổ chức cuộc họp thượng đỉnh khẩn vào cuối tháng này tại Ai Cập để tìm giải pháp ngăn chặn chính quyền Mỹ và Israel thực thi kế hoạch này.
Người tị nạn Palestine trở về nhà tại Dải Gaza ngày 28/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo Ahmed Aboudouh, nhà nghiên cứu chương trình Trung Đông và Bắc Phi thuộc viện chính sách Chatham House (Anh), với xuất thân là một ông trùm trong lĩnh vực bất động sản ở Mỹ, có lẽ ông Donald Trump đã nhìn dải Gaza như là một "mảnh đất vàng" cần được giải phóng mặt bằng cho một siêu dự án. Tuy nhiên, Admed Aboudouh cảnh báo dải Gaza là vấn đề mang tính sống còn với nhiều quốc gia ở khu vực Trung Đông, đặc biệt là Ai Cập và Jordan. Việc phải tiếp nhận khoảng 2,3 triệu thường dân Palestine ở dải Gaza, thậm chí có thể cả thường dân Palestine ở Bờ Tây, có thể gây ra các vấn đề kinh tế-xã hội nguy hiểm cho hai quốc gia này. Ngoài ra, một kịch bản như thế cũng có nguy cơ thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan và biến lãnh thổ Ai Cập, Jordan thành bàn đạp để tấn công Israel. Khi đó, các hiệp ước hòa bình giữa Jordan và Ai Cập với Israel coi như mất hiệu lực.
Ai Cập đã cảnh báo Mỹ, các đồng minh châu Âu và Israel, rằng hiệp ước hòa bình Cairo ký với Tel Aviv năm 1979 sẽ sụp đổ nếu ông Donald Trump thực hiện ý tưởng di dời người Palestine. Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi dùng ngôn từ mạnh hơn, coi bất kỳ nỗ lực nào nhằm tái định cư người Palestine là "lời tuyên chiến": “Jordan là của người Jordan và Palestine là của người Palestine. Giải pháp nằm ở Palestine và việc di dời người dân Palestine sang Jordan hoàn toàn nằm ngoài lợi ích của Jordan. Tôi nghĩ quan điểm của Jordan mà Đức Vua Abdullah đã khẳng định nhiều lần, là rất rõ ràng: chúng tôi không cho phép di dời người Palestine sang Jordan”.
Chia sẻ quan điểm rằng việc ép buộc Ai Cập và Jordan nhận thường dân Palestine di dời từ dải Gaza có thể khiến Mỹ mất đi hai đồng minh quan trọng tại Trung Đông, ông Amr Hamzawy, Giám đốc chương trình Trung Đông tại Viện chính sách Carnegie Endowment vì Hòa bình Quốc tế (CEIP), trụ sở ở Mỹ, đánh giá đề xuất của ông Trump sẽ phản tác dụng, khiến Mỹ không đạt được những mục tiêu đã tuyên bố là thúc đẩy hòa bình và ổn định tại Trung Đông. Nic Robertson, bình luận viên của CNN, cũng nhận định Ai Cập và Jordan cần Mỹ, nhưng Washington cũng cần Cairo và Amman để duy trì lợi ích của mình tại Trung Đông. Ai Cập được ví như chốt chặn của một khu vực được ví như "thùng thuốc súng cực đoan", nếu phát nổ sẽ lan ra khắp khu vực, tổn hại đến lợi ích của Mỹ và châu Âu. Chính phủ Jordan nếu suy yếu cũng sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực. Nếu kịch bản này xảy ra, Mỹ có thể buộc phải cử lực lượng đến Trung Đông trợ giúp Israel, điều mà hầu hết chính giới Mỹ đều không ủng hộ. Ông Jared Mondschein, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Sydney (Australia), nhận định:“Ông Donald Trump có thể muốn nói về việc cải tạo dải Gaza nhưng có một sự đồng thuận lưỡng đảng ở Mỹ rằng Mỹ không muốn can dự đến Trung Đông trong thời gian trước mắt. Mỹ không muốn gửi quân ra nước ngoài một cách không cần thiết. Có rất ít nghị sĩ Mỹ ủng hộ việc đưa quân đến Trung Đông”.
Bên cạnh khía cạnh địa chính trị, giới chuyên gia cũng cảnh báo dải Gaza vẫn đang cận kề một cuộc khủng hoảng nhân đạo, khan hiếm thực phẩm và nước sạch, hệ thống y tế bên bờ vực sụp đổ. Kế hoạch của ông Trump nếu thành hiện thực sẽ chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ, khiến người dân Gaza đối mặt nhiều nguy cơ hơn cả hiện tại.