(VOV5) - Khẩu hiệu chính thức của nhiệm kỳ Chủ tịch EU được Hungary đưa ra là "Làm cho châu Âu vĩ đại trở lại".
Hungary bắt đầu giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh Châu Âu (EU) từ 1/7 đến hết năm nay, cùng nhiều cam kết chính sách lớn, như: đưa Châu Âu vĩ đại trở lại, mở rộng khối, đóng vai trò kiến tạo hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine… Tuy nhiên, những chương trình nghị sự này được cho là gặp nhiều thách thức và trở ngại.
Hungary bắt đầu giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh Châu Âu (EU) từ 1/7 đến hết năm nay. Nguồn: Hiia |
Tiếp quản cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU từ Bỉ, Hungary đã thiết lập những ưu tiên trong nhiệm kỳ chủ tịch của mình. Khẩu hiệu chính thức của nhiệm kỳ Chủ tịch EU được Hungary đưa ra là "Làm cho châu Âu vĩ đại trở lại".
Ngay sau khi nhận chức Chủ tịch luân phiên EU, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã có chuyến công du tới 4 nước là Ukraine, Nga, Trung Quốc và Mỹ để thảo luận về triển vọng giải quyết hòa bình cuộc xung đột tại Ukraine hiện nay. Chuyến thăm Ukraine, gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky và chuyến thăm tới Nga của Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã gây ra làn sóng chỉ trích ở Kiev cũng như Brussels.
Tờ Politico trích dẫn lời của một quan chức ngoại giao EU cho rằng cuộc gặp của ông Orban với Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể làm ảnh hưởng tới nhiệm kỳ chủ tịch EU của Hungary. Một nhà ngoại giao khác cho biết có sự phản đối chính trị rất rõ ràng đối với ông Orban ở Brussels. Đồng thời, các đại sứ của khối đang thảo luận về những việc cần làm có thể gây sức ép với Hungary.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: AFP/TTXVN |
Về phần mình, Thủ tướng Orban đã bác bỏ những chỉ trích trên, khẳng định ông chỉ đang thực hiện sứ mệnh hòa bình nhằm tìm ra lối thoát ngắn nhất cho xung đột Nga – Ukraine. Nhà lãnh đạo Hungary cũng tuyên bố ông không đại diện cho liên minh trong chuyến thăm Nga. Hungary vốn là một trong số ít thành viên EU chỉ trích việc khối này viện trợ cho Ukraine, đồng thời kêu gọi Brussels thúc đẩy hòa bình. Budapest đã ngăn cản các kế hoạch tài trợ cho vũ khí của Kiev, từ chối tham gia chương trình huấn luyện quân đội Ukraine và từ chối vận chuyển vũ khí và thiết bị tới Ukraine qua lãnh thổ nước này.
Trong khi đó, kế hoạch mở rộng EU sang Tây Balkan, một ưu tiên chính sách của Hungary khi đảm nhận Chủ tịch luân phiên EU, cũng gặp nhiều trở ngại. Trang mạng balkaninsight.com đầu tháng này đăng bài viết nhận định những cam kết của Budapest về chương trình nghị sự tập trung vào mở rộng EU sẽ chỉ đạt được thành quả rất hạn chế, không chỉ bởi hậu quả về mặt quản trị sau cuộc bầu cử EU, mà còn bởi sự phản kháng mang tính chính trị từ nhiều quốc gia thành viên.
Hungary coi việc mở rộng EU sang Tây Balkan là ưu tiên chính sách chiến lược cốt lõi cho cả lợi ích của mình và của liên minh, vì với tư cách là một quốc gia có đường biên giới ngoài EU, Hungary tìm cách giữ cho sườn phía Đông Nam của mình hòa bình và ổn định. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chính phủ Hungary sẽ bị hạn chế nhiều về khả năng thực hiện chương trình nghị sự của mình, trong đó bao gồm cả lộ trình mở rộng liên minh. Ngoài việc cần đạt được sự nhất trí của 27 quốc gia thành viên xung quanh vấn đề mở rộng liên minh, Budapest cũng sẽ phải đối phó với một liên minh đang trong quá trình chuyển đổi, khi mà cuộc bầu cử EU diễn ra chưa đầy 3 tuần trước khi nhiệm kỳ chủ tịch của nước này bắt đầu. Các chuyên gia phân tích nhận định rất khó để có thể có đột phá về mặt thể chế hay thay đổi nào vì Ủy ban Châu Âu (EP) mới cần phải có thời gian ổn định sau khi có bộ máy mới.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng việc Hungary có thể làm tốt vai trò định hình chương trình nghị sự của khối trong 6 tháng tới, trước khi chuyển giao cho Ba Lan vào ngày 1/1/2025, là khá chông gai./.