(VOV5) - Năm nay, ngày Đại dương thế giới có chủ đề “Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương” .
Các đại dương lưu giữ 97% lượng nước, chiếm hơn 70% diện tích Trái đất, là nơi cung cấp nguồn sống cho hàng tỷ người và có vai trò sống còn trong việc điều tiết khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo các đại dương đang ngày càng bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu và các hành động gây hại từ con người.
Ngày 08/06 hàng năm được Liên hiệp quốc (LHQ) lựa chọn là “Ngày Đại dương thế giới”. Ảnh minh họa: TTXVN |
Ngày 08/06 hàng năm được Liên hiệp quốc (LHQ) lựa chọn là “Ngày Đại dương thế giới”. Năm nay, ngày Đại dương thế giới có chủ đề “Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương” (Awaken new depths) kêu gọi các quốc gia và tổ chức cùng khám phá, đánh thức những hiểu biết về đại dương; cùng nỗ lực thay đổi để bảo vệ đại dương. Theo LHQ, đại dương bao phủ hơn 70% diện tích Trái đất, được xem là “lá phổi xanh” khổng lồ cung cấp khoảng 50% lượng oxy cho hành tinh. Đại dương cũng là nơi hấp thụ 30% lượng khí CO2 do con người thải ra, qua đó góp phần làm giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, đại dương cũng đang là một trong những nơi chịu tác động rõ rệt nhất của biến đổi khí hậu, cụ thể là việc gia tăng nhiệt độ nước biển, dẫn đến sự phá hủy của những hệ sinh thái đại dương.
Chuyên gia Omar Baddour, người đứng đầu bộ phận theo dõi khí hậu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), cho biết: “Năm 2023, từ 80 đến 90% các đại dương có ghi nhận các đợt nóng. Các đợt nóng này có tác động rất lớn đến hiện tượng tẩy trắng ở các hệ sinh thái san hô, trong khi các hệ sinh thái này có vai trò rất quan trọng đối với nghề cá và đời sống đại dương”.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. Ảnh: AFP/TXVN |
Theo các số liệu của Tổ chức Nông lương LHQ (FAO), đại dương cung cấp protein chính cho hàng tỷ người trên thế giới. Hiện khoảng 3 tỷ người sống phụ thuộc vào hệ sinh thái đại dương và ven biển; khoảng 680 triệu người sống ở các vùng đất trũng ven biển và con số này được dự báo sẽ tăng lên khoảng 1 tỷ người vào năm 2050. Vì thế, bất cứ biến động lớn nào đối với các hệ sinh thái đại dương, trong đó có việc tẩy trắng ở các hệ sinh thái san hô, đều có tác động nghiêm trọng đến sinh kế của các cộng đồng ven biển. Theo Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), khoảng 50% các rạn san hô trên các đại dương đã bị phá hủy ở các mức độ khác nhau.
Lalita Putchim, nhà sinh học đại dương Thái Lan, nhận định: "Các rạn san hô đã sống sót trong nhiều thế kỷ nên hy vọng chúng có thể đứng vững trước biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ nước biển hay tình trạng ấm lên toàn cầu gia tăng mạnh, hệ sinh thái này sẽ còn chịu tác động nghiêm trọng hơn”.
Điều đáng lo ngại hơn, theo các chuyên gia, đó là khi các đại dương bị thay đổi dưới tác động của biến đổi khí hậu, các thay đổi này lại tạo nên một vòng lặp nguy hiểm hơn, tức là tác động ngược lại đến các quy luật khí hậu thông thường, gây ra hậu quả lớn hơn cho các khu vực và quốc gia.
Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres cảnh báo: “Hiện đang có nguy cơ rất lớn về việc chúng ta tiến đến điểm đổ vỡ liên quan đến băng tan ở Greenland, ở Tây Nam Cực, liên quan đến các rạn san hô ở phần lớn các đại dương, hay những gì chúng ta đang chứng kiến ở Bắc Cực và dòng hải lưu lạnh Labrador, vốn có tác động rất lớn đến khí hậu châu Âu”.
Sau biến đổi khí hậu, thách thức lớn tiếp theo với các đại dương là vấn đề ô nhiễm. Theo UNEP, đại dương đang phải đối mặt ô nhiễm rác thải nghiêm trọng, đặc biệt là rác thải nhựa.
Trong báo cáo được tổng hợp từ hơn 2.000 công trình nghiên cứu về những tác động tiêu cực của rác thải nhựa đối với các đại dương, đa dạng sinh học và sinh thái biển được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đưa ra đầu năm nay, rác thải nhựa đã xuất hiện ở những vùng xa xôi nhất và nguyên sinh của Trái đất như trong các tảng băng ở Bắc Cực hay trong bụng các loài cá sinh sống tại khu vực sâu nhất của đại dương là Rãnh Mariana.
Mỗi năm đại dương còn phải hứng chịu khoảng 19 đến 23 triệu tấn nhựa, trong đó rác thải nhựa dùng một lần chiếm tới 60%. Các sản phẩm nhựa trên thế giới được dự báo sẽ còn tăng gấp đôi vào năm 2040, đồng nghĩa với việc ô nhiễm đại dương do rác thải nhựa sẽ tăng gấp 3 lần so mức hiện nay.
Tình trạng ô nhiễm này đe dọa trực tiếp đến đa dạng sinh học của các đại dương, và theo WWF, 90% quần thể cá lớn trên các đại dương đã bị cạn kiệt, ảnh hướng lớn đến năng suất nghề cá trên thế giới.
Do đó, theo Manuel Barange, Giám đốc bộ phận nghề cá và nuôi trồng thủy sản của FAO, việc xử lý tốt các vấn đề đối với các đại dương liên quan đến mọi thách thức lớn mà thế giới hiện đang phải đối mặt. “Không có một vấn đề nào mà thế giới phải đối mặt ngày nay, từ biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, cho đến đói nghèo có thể được giải quyết nếu không coi đại dương như là một phần của các giải pháp”.
Một thách thức khác đang có xu hướng gia tăng với các đại dương trong thời gian gần đây là các tác động của căng thẳng địa chính trị trên thế giới dẫn đến việc nhiều quốc gia chạy đua khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản dưới đáy biển để phục vụ việc chuyển đổi năng lượng, như: đất hiếm, cobalt, nickel… bất chấp các tác động tiêu cực đối với môi trường biển. Theo LHQ, đây là xu hướng đáng lo ngại, có thể cản trở các nỗ lực hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ đại dương