Hôm nay là Ngày Phát thanh thế giới (13/2). Trong xu thế chuyển đổi số hiện nay, nhất là góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 57 - NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam xác định đẩy mạnh chuyển đổi số để bắt kịp xu thế, đa dạng hóa cách tiếp cận, tiếp tục khẳng định vị thế của phát thanh trong lòng công chúng.
Chuyển đổi số trong phát thanh là một xu hướng tất yếu và mang lại nhiều lợi ích vượt trội. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh quốc gia, đã sớm xây dựng Đề án chuyển đổi số, giúp mở rộng phạm vi tiếp cận bằng cách sử dụng các nền tảng phát thanh số (radio online, podcast, streaming) để đưa nội dung phát thanh vượt qua giới hạn địa lý. Đồng thời, giúp nâng cao trải nghiệm người nghe bằng cách tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI). với những dữ liệu từ nền tảng số giúp nhà đài hiểu rõ hành vi người nghe, từ đó tối ưu hóa nội dung, cải thiện chất lượng chương trình.
Tiến hành bài bản
Theo Tiến sỹ Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN), chuyển đổi số (CĐS) là một quá trình, do vậy Đài TNVN đang khẩn trương thực hiện từng bước cho quá trình này một cách bài bản, thận trọng, nhằm hiện đại hóa hoạt động phát thanh và truyền thông, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của khán thính giả.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ tham quan gian trưng bày tại lễ khai mạc Liên hoan Phát thành toàn quốc lần thứ XVI năm 2024. Ảnh: VTC News |
Ở mảng biên tập, sản xuất chương trình và lưu trữ, Đài TNVN đã thực hiện việc số hóa từ những năm 2000, là tiền đề cho việc CĐS. Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ này, Đài TNVN đã thành lập Ban Chỉ đạo và Ban Xây dựng Đề án CĐS, nhằm đảm bảo sự lãnh đạo và giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện. Ngày 1/8/2024, Tổng Giám đốc Đài TNVN đã phê duyệt Quyết định số 2076/QĐ-TNVN về "Đề án Chuyển đổi số tại Đài TNVN".
Để nâng cao nhận thức và kỹ năng cho cán bộ, Đài TNVN đã tổ chức các hội thảo và khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số báo chí, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số. Tiến sỹ Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, cho biết: Ở giai đoạn hiện tại, Đài TNVN đang tập trung vào việc triển khai các giải pháp công nghệ, đào tạo nhân lực và xây dựng nền tảng số để hiện thực hóa Đề án CĐS dựa trên những hạ tầng đã có, bổ sung, nâng cấp, đầu tư mới hạ tầng số, hệ thống quản trị CMS và các phần mềm ứng dụng khác.
Phó Tổng Giám Đốc Đài TNVN - Tiến sỹ Vũ Hải Quang. Ảnh: Đức Anh/VOV5 |
Quá trình thực hiện CĐS của Đài TNVN có những thuận lợi. Tuy nhiên Đài cũng gặp một số khó khăn nhất định. Đó là: việc chuyển đổi số đòi hỏi đội ngũ nhân lực có kỹ năng số cao, trong khi kỹ năng số của nguồn nhân lực hiện tại còn hạn chế. Thứ hai, quá trình CĐS đòi hỏi đầu tư lớn về tài chính cho hạ tầng và công nghệ. Và cuối cùng là việc thay đổi tư duy bởi CĐS không chỉ là thay đổi công nghệ mà còn là thay đổi tư duy và văn hóa làm việc.
Tận dụng mọi cơ hội để hiện đại hóa phát thanh
Theo Tiến sỹ Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN, trong điều kiện nguồn lực hạn chế, các đài phát thanh, trong đó có Đài TNVN, tập trung vào những ứng dụng có tác động mạnh đến số đông công chúng và dễ triển khai, như: Phát thanh trực tuyến bởi dạng thức này phù hợp với các đài phát thanh truyền thống chuyển đổi lên môi trường số và có thể giúp các đài tận dụng các website, ứng dụng di động và nền tảng như YouTube, Facebook Live, Zalo để phát trực tiếp.
Chúng ta có thể tận dụng sự phát triển của các mạng xã hội, như: Facebook, TikTok, YouTube, hay Instagram, với các phiên bản ngắn từ nội dung phát thanh để thu hút người nghe. Chúng ta phải xây dựng cộng đồng khán thính giả để tương tác, gia tăng niềm tin của khán thính giả với nhà đài. Một loại hình nữa có thể sử dụng đó là Loa thông minh. Và cần phải tối ưu hóa nội dung để có thể phát trên các thiết bị như Google Nest, Amazon Echo. Cần phải xây dựng kênh tin tức, bản tin nhanh dành riêng cho người dùng loa thông minh. Một ứng dụng tiếp nữa là radio thông minh, giúp cứ ở đâu có sóng wi-fi thì người dùng đều có thể nghe được.
Kỹ thuật viên làm việc trong các phòng thu chương trình phát thanh của VOV. Ảnh: Văn Ngân/VOV |
Phó Tổng Giám đốc Vũ Hải Quang cũng cho rằng chuyển đổi còn là sự thay đổi tư duy trong sản xuất nội dung. Các phóng viên, biên tập viên cần nâng cao kỹ năng số, như: biết cách sử dụng các công cụ biên tập âm thanh, video, đồ họa để sản xuất nội dung đa phương tiện và quản trị các dữ liệu trên môi trường số; thay đổi tư duy nội dung theo hướng không chỉ viết kịch bản như cho radio truyền thống mà cần sáng tạo nội dung phù hợp với nền tảng số, như: Podcast, video ngắn (Reels, TikTok), bài viết trên mạng xã hội; ứng dụng AI để hỗ trợ biên tập nội dung…Còn với các kỹ sư, kỹ thuật viên thì cần tham gia xây dựng các công cụ biên tập, sản xuất nội dung, quản trị dữ liệu, quản trị tác nghiệp và phân phối nội dung trên môi trường số và đa nền tảng; tích hợp công nghệ mới
Tóm lại, để chuyển đổi số thành công, các đài phát thanh cần thay đổi tư duy nội dung, nâng cao kỹ năng số cho nhân sự và cần phải có sự đầu tư về công nghệ, tận dụng tối đa các nền tảng phân phối hiệu quả, như: Podcast, mạng xã hội, phát thanh trực tuyến, loa thông minh, Radio Internet. Đây là hướng đi giúp mở rộng phân khúc khán thính độc giả và tăng sức cạnh tranh trong môi trường số.
Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu của các cơ quan báo chí, trong đó có Đài TNVN để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng, tiếp tục nỗ lực tiếp cận và thu hút công chúng ở nhiều nền tảng khác nhau trên không gian mạng với những sản phẩm hấp dẫn nhất.