(VOV5) - Các dự án FDI đầu tư vào thành phố đang chuyển mạnh sang chiều sâu, tập trung vào các dự án quy mô lớn.
Hải Phòng hiện là “điểm sáng”của Việt Nam trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Những dự án FDI vừa đi vào hoạt động đầu năm nay là hiệu quả của chính sách “Sự phát triển của doanh nghiệp chính là sự phát triển của thành phố” mà Hải Phòng đang triển khai.
Ảnh minh họa: Thành phố cảng Hải Phòng |
Một trong những dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài nổi bật vừa đi vào hoạt động tại thành phố Hải Phòng là Dự án Nhà máy hàn đặc biệt Pourin Việt Nam, tổng vốn đầu tư 65 triệu USD, được xây dựng trên diện tích 150 nghìn m2 tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ. Ông Lee Haisheng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Công nghệ hàn đặc biệt Pourin (Trung Quốc), cho biết, dự án đi vào hoạt động, dự kiến công suất xuất xưởng khoảng 50 nghìn tấn/năm, doanh thu 120 triệu USD và tạo việc làm cho khoảng 800 lao động địa phương.
"Trong quá trình triển khai dự án, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ chính quyền TP Hải Phòng. Chính quyền thành phố và các ban, ngành đã tạo điều kiện cấp giấy phép nhanh chóng, giải phóng mặt bằng kịp thời và hoàn tất các thủ tục đầu tư một cách hiệu quả. Nhờ đó chúng tôi có thể đưa dự án vào hoạt động đúng kế hoạch" - Ông Lee Haisheng nói.
Dự án Nhà máy hàn đặc biệt Pourin Việt Nam chỉ là một trong rất nhiều dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tại Hải Phòng thời gian qua. Thống kê cho thấy, riêng năm 2024, Hải Phòng đã thu hút 4,7 tỷ USD vốn FDI tăng, 235% so với kế hoạch, nằm trong TOP đầu cả nước. Hiện, tại 14 khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng có gần 1.000 dự án FDI từ 42 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng vốn trên 32 tỷ USD. Các dự án đầu tư chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, chế biến tại các khu công nghiệp và khu kinh tế.
Ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hải Phòng, cho biết các dự án FDI đầu tư vào thành phố đang chuyển mạnh sang chiều sâu, tập trung vào các dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản phẩm tạo ra có giá trị gia tăng cao và nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu của các tập đoàn kinh tế lớn, như LG, Bridgestone, Pegatron…
Ông Đỗ Mạnh Hiến khẳng định: "Kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Hải Phòng đặt mục tiêu phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội, vì sự phát triển bền vững của thành phố. Thành phố sẽ sớm ban hành Nghị quyết về chuyển đổi xanh, làm cơ sở để các cấp, các ngành, các địa phương triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả".
Thành quả trong thu hút đầu tư nước ngoài thời gian qua là minh chứng cho việc Hải Phòng đã khai thác hiệu quả lợi thế vị trí địa lý, kết nối giao thông và chính sách thu hút đầu tư đúng hướng.